Xử lý thành công ô nhiễm thuốc BVTV

Theo Chi cục BVTV Nghệ An, toàn tỉnh có 913 địa điểm bị ô nhiễm thuốc BVTV (sơ cấp và thứ cấp) nằm rải rác tại 19 huyện, thị. Trong đó 165 điểm gây ô nhiễm nặng do tồn dư nhiều loại hóa chất BVTV có độc tính cao sau khi bị chôn lấp…

Kết quả khả quan

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (MTNN) đang xắn tay cùng đội ngũ cán bộ khoa học của viện trực tiếp xử lý ô nhiễm thuốc BVTV cạnh nhà ông Nguyễn Hữu Duật ở xóm 4, xã Nam Lĩnh, Nam Đàn. Các loại dung môi đổ xuống đã được nhào nhuyễn với đất và nước đang bị ô xi hóa sủi bọt và bốc lên những đám khói trắng trùm kín một góc vườn.

Ông Sơn dừng tay, cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng các tác nhân ô xi hóa mạnh để xử lý tình trạng ô nhiễm thuốc BVTV. Đây là một trong 3 phương án đang được áp dụng, mang lại hiệu quả cao, an toàn cho môi trường; đồng thời chi phí thấp nhất. Để các chất ô xi hóa mạnh hoạt động tốt, đòi hỏi phải có mặt bằng triển khai rộng, đất bị ô nhiễm thuốc BVTV do nằm lâu trong lòng đất nên các loại thuốc BVTV bị keo đất giữ rất chặt.

Vì vậy bắt buộc phải đưa lên bề mặt để chúng có điều kiện tiếp xúc với các tác nhân ô xi hóa và tạo phản ứng hóa học để trung hòa hết lượng thuốc BVTV tồn dư trong đất. Nếu không tách được thuốc ra khỏi keo đất thì việc tiếp xúc với các chất ô xi hóa sẽ rất khó khăn, do đó hiệu quả xử lý sẽ bị giảm.

Bởi thế, chúng tôi phải dùng phương án kết hợp giữa giải pháp công trình (đưa toàn bộ đất bị ô nhiễm từ 2,5 m dưới lòng đất lên mặt đất để tăng phản ứng ô xi hóa) và giải pháp phi công trình (sử dụng tác nhân ô xi hóa mạnh kết hợp với nước và các dung môi để cô lập thuốc ra khỏi keo đất) để xử lý một cách triệt để diện tích đất bị ô nhiễm”.

Năm 2011, Bộ NN-PTNT cho phép, Viện MTNN đã làm thí điểm 350 m2 đất là nền kho chứa thuốc DDT tại xóm 4, xã Nam Lĩnh, Nam Đàn, kết quả đã giảm dư lượng thuốc từ 2600 ppm phần triệu xuống còn xấp xỉ 3 ppm, đạt hiệu quả 99%. Tuy nồng độ thuốc BVTV vẫn chưa đạt yêu cầu theo quy chuẩn VN (0,01 ppm), nhưng điều quan trọng là khu đất đã qua xử lý hầu như không gây tác động xấu đến môi trường. Năm nay viện tiếp tục xử lý thí điểm lô đất còn lại của kho chứa thuốc DDT này (liền kề với lô xử lý năm 2011).

Ô nhiễm giảm

Thầy giáo Lê Tuấn Anh, 53 tuổi, con rể của ông Nguyễn Hữu Duật (hộ nằm sát kho thuốc BVTV này) cho biết, trước năm 1980, khu vực này là kho thuốc BVTV của nhà nước chuyên chứa các loại thuốc ĐT, 666, khi không sử dụng nữa thì bỏ đó. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùi thuốc xông lên nồng nặc. Do không chịu được, nên bà con trong xóm đã rủ nhau đào hố sâu mang toàn bộ thuốc chôn lấp xuống lòng đất.

Khoảng năm 1995, bố vợ anh Anh thuê người đào ao để thả cá ngay trong khu vực nền kho thuốc BVTV cũ thì thấy bao thuốc đã bị phân hủy, thuốc thì vẫn nguyên hàng chục bì. Thợ đào ao đã vô tư hất toàn bộ thuốc BVTV này ra xung quanh, có người còn lấy một ít về rắc xuống móng tường để chống mối. Bởi thế khu vực chôn lấp chỉ khoảng 3 m2 đã lan ra xung quanh tới 750 m2. Do lượng tồn dư thuốc BVTV lớn nên cá thả vào là chết ngay lập tức. Vì thế bố vợ anh lại thuê người về san lấp trở lại để trồng chuối và các loại cây màu.

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, GĐ Viện Khoa học nông nghiệp VN:

Công nghệ xử lý bằng các tác nhân ô xi hóa mạnh thông qua giải pháp công trình và phi công trình để xử lý tồn dư thuốc BVTV của Viện MTNN là một bước tiến đáng kể và khả thi nhất trong công tác xử lý tồn dư thuốc BVTV trong thời điểm hiện tại. Việc xử lý thí điểm tại “điểm nóng” ô nhiễm thuốc BVTV ở xã Nam Lĩnh năm 2011 và 2012 nếu đạt được kết quả tốt sẽ là cơ sở để viện tiếp tục triển khai xử lý các điểm ô nhiễm khác ở Nghệ An cũng như trong cả nước.

“Điều làm chúng tôi khiếp sợ là chuối chín bóc ra cũng có mùi thuốc sâu rất đậm, khoai lang, táo trồng trên khu vực đó đều nồng nặc mùi thuốc BVTV. Ngày mưa, ngày nắng, thuốc BVTV từ lòng đất xông lên nồng nặc khắp trong xóm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân trong vùng và để lại hậu quả rất nặng nề. Bố mẹ vợ tôi đều bị ung thư chết khi còn rất trẻ. Năm 2009, vợ tôi (cô giáo Nguyễn Thị Sen) thấy trong người mệt mỏi, ho kéo dài, đi bệnh viện khám thì mới biết đã bị ung thư phổi” anh Anh bàng hoàng kể.

Cũng theo anh Anh, ngoài ra rất nhiều hộ dân sống trên địa bàn xóm 4 cũng mắc những căn bệnh nan y, quái ác. Cả hai cha con ông Nguyễn Đình Cần (liền kề với khu vực bị ô nhiễm thuốc BVTV) đều đã chết vì ung thư dạ dày, con gái út của ông đang phải điều trị ở Hà Nội vì suy thận. Ông Đinh Xuân Lý có một đứa con trai (Đinh Xuân Chiến) bị chết do ung thư não khi mới 16 tuổi; con gái chị Đinh Thị Nga cũng bị ung thư máu… Rất nhiều hộ dân khác cũng đang phải chống chọi với những căn bệnh khác nan y khác như tiểu đường, suy gan, suy thận.

Thầy giáo Lê Tuấn Anh cho biết thêm: Năm 2011, bà con trong xóm thấy Viện MTNN về xử lý gần ½ diện tích đất bị ô nhiễm theo phương pháp này khiến họ rất mừng. Thực tế trên diện tích 350 m2 đã được xử lý, viện đã cho trồng cây khoai lang và một số loại cây khác đều phát triển tốt. Củ khoai lang đào lên luộc thử không có mùi gì nữa nên ai cũng mừng. Năm nay, viện lại về xử lý tiếp 400 m2 bị ô nhiễm còn lại nên ai cũng phấn khởi…

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email