Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh Khẳng định trí thức là vốn liếng quí báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. “ Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”. Trong việc sử dụng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, Bác cho rằng phải có chính sách chiêu người hiền tài ra giúp nước. Bác quan niệm rằng cách tốt nhất để phục vụ lợi ích của công nông là phải đưa những người có đủ tài, đủ đức vào bộ máy nhà nước để phụng sự lợi ích của người lao động. Phạm trù yêu nước theo Người, là bình đẳng giữa mọi tầng lớp nhân dân, không phải là độc quyền của riêng một ai.
Từ cách nhìn đó, Bác Hồ đã mạnh dạn sử dụng trí thức trong bộ máy nhà nước. Nhờ đó mà sau cách mạng, tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – giáo dục… đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong điều kiện đất nước đang đứng trước vô vàn khó khăn.
Sau khi đất nước giành được độc lập chỉ vài tháng, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi Nhân tài và kiến quốc. Một năm sau, Người lại ra chỉ thị Tìm người tài đức, trong đó, Người nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức”. Người cũng nhận khuyết điểm là không thấy được hết các bậc hiền tài, khiến họ không thể phụng sự dân tộc và Người yêu cầu các địa phương phải lập tức điều tra, tìm kiếm “những kẻ hiền năng” “người tài đức” có thể làm những việc ích nước lợi dân để báo cáo Chính phủ.
Đối với trí thức, Bác Hồ thể hiện một sự trân trọng thật sự, đã giao việc là giao quyền, đã giao quyền là hoàn toàn tin tưởng, “thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ”. Nhiều người không phải là đảng viên cộng sản vẫn được giao những vị trí quan trọng trong chỉnh phủ như quyền chủ tịch nước, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng nội Vụ…
Nghệ thuật dùng người của Bác Hồ rất rõ ràng, cụ thể: “Việc dùng nhân tài ta không nên căn cứ vào những điều quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi của dân chúng….Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta cắt làm việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”.
Quán triệt tư tưởng Hồ chí Minh về trí thức, Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ, đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với trí thức. Đặc biệt, theo nguyện vọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, ngày 29 tháng 7 năm 1983, Hội đồng bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 121/HĐBT cho phép thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị xã hội của Trí thức khoa học công nghệ có chức năng tập hợp, đoàn kết trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước; điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên: làm đầu mối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các hội viên, hội thành viên.
Để thực hiện các chức năng quan trọng đó, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có nhiệm vụ không ngừng củng cố và phát triển tổ chức; tham gia thực hiện xã hội hóa các hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo…Trọng tâm là hoạt động phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Ngoài ra, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật còn có nhiệm vụ thực hiện vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vận động trí thức khoa học công nghệ.
Ngày 16 tháng 4 năm 2010 Bộ Chính trị ban hành chỉ thị số 42CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp theo đó, ngày 25 tháng 6 năm 2012 Ban Bí Thư ra thông báo số 353-TB/TW xác định và giao nhiệm vụ xây dựng 05 đề án để cụ thể hóa Chỉ thị 42.
Ngày 12 tháng 5 năm 2011,Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Thông báo 116/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chỉnh phủ giao trách nhiệm cho các cơ quan thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW.
Các văn bản trên tiếp tục cụ thể hóa tư tưởng của Bác Hồ và quan điểm của Đảng về trí thức, khẳng định Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật là một tổ chức chính trị xã hội của trí thức khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước đảm bảo các điều kiện hoạt động.
Từ buổi đầu hình thành với 15 hội thành viên, đến nay Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có 132 hội thành viên, trong đó có 75 hội ngành và 59 Liệp hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh; 300 đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ; 179 tờ báo, tạp chí, bản tin…Đó là một quá trình lớn mạnh không ngừng đáp ứng yêu cầu của trí thức và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Tại Thừa Thiên Huế, một trong những tỉnh, thành phố có đội ngũ trí thức đông đảo nhất, theo nguyện vọng của giới trí thức, ngày 17 tháng 9 năm 1993, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định cho phép thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội). Từ một số hội thành viên, với một số cán bộ kiêm nhiệm, trãi qua hai mươi năm, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã lớn mạnh không ngừng. Đến nay, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế có 47 tổ chức thành viên với hơn 30 ngàn hội viên, 08 Trung tâm khoa học công nghệ và 01 Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ.
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí và truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ cho nhân dân với nhiều hình thức phong phú như tạp chí, bản tin, các ấn phẩm truyền thông. trang thông tin điện tử, tập huấn, hội thảo, nói chuyện, truyền thanh, truyền hình…Nhiệm vụ này đã trở thành thường xuyên và phổ biến của Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế và các hội thành viên.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là từ sau khi có Chỉ thị 42-CT/TW. Đến nay, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế và các hội thành viên đã phản biện hàng chục đề án, dự án quan trọng của tỉnh như: Qui hoạch vùng tỉnh Thừa Thiên Huế, Qui hoạch đới bờ, Qui hoạch trạm thu phát sóng viễn thông, Qui hoach khu du lịch Cồn Hến, Điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng thành phố Huế…
Các tổ chức khoa học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế và các hội thành viên đã thực hiện hàng chục dự án phát triển cộng đồng với giá trị hàng chục tỷ đồng. Nhiều kết quả nghiên cứu được chuyến giao, ứng dụng trong thực tiễn góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.
Hoạt động tôn vinh trí thức khoa học công nghệ đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế. Hai năm một lần, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế tổ chức trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ. Giải thưởng này ngày càng thu hút nhiều trí thức tham gia. Bình quân mỗi lần tổ chức xét giải có 60 đề tài tham gia, trong đó có hàng chục đề tài có giá trị được chuyển giao và ứng dụng trong thực tiễn, đạt giải của tỉnh và toàn quốc.
Ngoài Giải thưởng Khoa học Công nghệ, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế còn phối hợp với các ngành của tỉnh tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên và Nhi đồng hàng năm. Từ các Cuộc thi, Hội thi này, nhiều mô hình, sản phẩm, giải pháp sáng tạo có giá trị đã được khẳng định, ứng dụng vào cuộc sống.
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế trở thành cầu nối giữa trí thức Thừa Thiên Huế với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Thông qua Liên hiệp hội, các cấp ủy, chính quyền có điều kiện lắng nghe và tiếp thu ý kiến của trí thức Khoa học Công nghệ góp ý cho các chương trình, dự án lớn trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quá trình phát triển của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thừa Thiên Huế không tách rời quá trình nhận thức các quan điểm của Đảng đối với trí thức của các cấp, các ngành tỉnh Thừa Thiên Huế. Có thể khẳng định rằng Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế chỉ thực sự chuyển mình vươn dậy từ khi có Chỉ thị 42CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, chặng đường trước mắt vẫn còn những khó khăn cần phải tiếp tục tháo gỡ để cho Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế thực sự trở thành một tổ chức chính trị xã hội của trí thức Thừa Thiên Huế.
Khó khăn cơ bản nhất cần được tháo gỡ cũng là về mặt nhận thức. Như đã phân tích ở trên, Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16 tháng 4 năm 2010, một lần nữa khẳng định Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội của trí thức. Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Điều lệ Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xác định Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thừa Thiên Huế là tổ chức chính trị xã hội tự nguyện của trí thức khoa học và công nghệ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong thực tế, Liên hiệp hội đang thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức chính trị xã hội của trí thức, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy thông qua Đảng Đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Tuy nhiên, cơ chế tài chính, chế độ, chính sách đối với Liên hiệp hội và cán bộ đang công tác tại Liên hiệp hội thì chỉ được đối xử như là một tổ chức xã hội. Đây chính là nút thắt kìm hãm sự phát triển của Liên hiệp hội. Nếu không sớm tháo gỡ nút thắt này thì rất khó để thực hiện thành công Chương trình hành động số 01, ngày 03 tháng 11 năm 2010, của Ban thường vụ tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị “ về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”: “Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trở thành tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, thúc đẩy việc hình thành trung tâm khoa học và công nghệ mạnh của miền Trung và cả nước, là động lực phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững.”
Huệ Tâm