Vì sao cần giám sát chính sách xã hội

Chính sách là những quy định mang tính thể chế của nhà nước hoặc một cơ quan hay tổ chức, được ban hành từ cấp trên xuống để hướng dẫn hành động cho các đơn vị và cá nhân trong phạm vi quản lý.

Chính sách công là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các giải pháp và các công cụ mà Nhà nước hoặc các tổ chức sử dụng để tác động lên chủ thể kinh tế xã hội nhằm thực hiện mục tiêu nhất định hoặc giải quyết những vấn đề nhất định.

Các dạng chính sách bao gồm Hiến pháp, Bộ Luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật như Nghị định, Thông tư, Quyết định, Pháp lệnh, Nghị quyết…

Quy trình của một chính sách bao gồm soạn thảo, thẩm định, thông qua, công bố, hướng dẫn, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, thay đổi, soạn mới. Một chính sách tốt được đưa vào thực tiễn cuộc sống là những nguyên tắc và quy định cụ thể, có tính chính xác, chuyên môn, phù hợp, hiệu quả, công bằng, có sự tham gia, có sự minh bạch, công khai, và tính giải trình cao nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải chính sách nào hoặc không phải tất cả các giai đoạn của quy trình hoạch định chính sách nào cũng đảm bảo được đúng các tiêu chí nêu trên. Công tác giám sát chính sách là cần thiết và rất quan trọng để xác định những vấn đề còn bất cập, đưa ra các kiến nghị và giải pháp, các can thiệp nhằm giúp cho chính sách trở nên tốt hơn, phù hợp, minh bạch và hiệu quả hơn.

Giám sát chính sách vì vậy giúp người dân, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan theo dõi được những kết quả và những vấn đề nẩy sinh thông qua quá trình thu thập thông tin để kịp thời hỗ trợ việc ra quyết định, đảm bảo việc giải trình trách nhiệm, làm cơ sở cho việc đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị bổ sung, sửa đổi, hoặc xây dựng chính sách mới.

Các nhóm chính sách:

Chính sách có thể được chia thành hai nhóm, theo lĩnh vực hoạt động và theo chủ thể ban hành. Để quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, cần phải có nhiều loại chính sách khác nhau. Mỗi loại chính sách thường có ảnh hưởng đến một lĩnh vực nhất định hoặc một số lĩnh vực có liên quan với nhau.

Chính sách theo lĩnh vực hoạt động là cách phân loại căn cứ vào chính sách cho lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như chính sách kinh tế, chính sách xã hội, chính sách y tế, chính sách quốc phòng, chính sách đối ngoại, chính sách dân tộc v.v. Trong đó, các chính sách kinh tế – xã hội là những chính sách liên quan trực tiếp nhất đến đời sống hàng ngày của người dân.

Chính sách theo chủ thể ban hành thường có các loại sau: chính sách của chính phủ, chính sách của chính quyền địa phương, chính sách của doanh nghiệp, chính sách của những cơ quan không thuộc nhà nước…

Khi tiến hành phân loại chính sách, cần chú ý đến tính hệ thống của các chính sách đang thực thi để không bỏ sót những lĩnh vực cần điều chỉnh của chính sách và tránh gây ra sự chồng chéo giữa các chính sách làm hạn chế tác dụng của chúng.

Để phát huy tổng hợp tác động của hệ thống chính sách đang tồn tại, cũng cần hiểu rõ mục tiêu và nội dung của từng loại chính sách để phát huy tác dụng của từng chính sách cũng như tận dụng việc phối hợp với các loại chính sách khác nhau trong các điều kiện nhất định.

Giám sát chính sách là công tác theo dõi và kiểm soát quá trình thực hiện chính sách, bao gồm theo dõi những kết quả thực tế, những bất cập trong quá trình thực hiện, và tiến độ thực hiện chính sách.

Giám sát chính sách trước hết là để đáp ứng yêu cầu của xã hội, vì chính các cộng đồng là đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của chính sách và là những người hưởng lợi nhiều nhất từ kết quả của công tác giám sát.

Những phát hiện trong công tác giám sát chính sách sẽ là một trong những cơ sở để bổ sung và sửa đổi nhằm nâng cao tính hiệu quả trong thực hiện chính sách và mang lại những lợi ích lớn hơn cho cộng đồng.

Giai đoạn nào trong qui trình chính sách cần giám sát?

Hệ thống chính sách được hoạch định và thực thi thường trải qua các giai đoạn sau đây: Phát sinh ý tưởng chính sách; Hoạch định và ban hành chính sách; Thực thi chính sách; Đánh giá tác động và hiệu quả chính sách; Bổ sung, sửa đổi và điều chỉnh chính sách.

Bất kỳ quốc gia nào cũng luôn luôn tồn tại một hệ thống chính sách công do cơ quan lập pháp và Nhà nước ban hành. Các chính sách đó sẽ điều chỉnh toàn bộ các mối quan hệ trong xã hội và tác động vào đời sống của từng cá nhân. Những tác động đó có thể thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực để đạt tới mục tiêu phát triển mà các nhà hoạch định chính sách mong muốn, đó là những tác động tích cực. Mặt khác, có những chính sách đang thực thi, nhưng đã gây nên những tác động ngược chiều, không phát triển theo chiều hướng đạt tới những mục tiêu mong muốn – đó là những tác động tiêu cực. Có thể nói, các tác động tích cực và tiêu cực của một hệ thống chính sách luôn luôn diễn ra một cách đan xen trong quá trình vận hành của một quốc gia hay trong bất kỳ một hệ thống quản lý nào. đoạhát ý tưởng chính sách

Việc giám sát chính sách được lồng ghép vào các giai đoạn hoạch định và thực thi chính sách sẽ giúp hệ thống chính sách thêm hoàn thiện. Tuy nhiên, quan trọng nhất là giám sát việc tổ chức thực thi chính sách và giám sát việc đánh gía tác động và hiệu quả chính sách.

Có thể nói việc tổ chức thực thi chính sách mang tính quyết định đến sự thành bại của một chính sách. Giai đoạn này bao gồm các hoạt động nhỏ hơn như: triển khai, phối hợp, thực hiện, kiểm tra đôn đốc, phát hiện các vấn đề cần điều chỉnh về biện pháp tổ chức thực thi chính sách. Hiện nay, việc tổ chức thực thi các chính sách đã ban hành còn nhiều thiếu sót, do đó một số chính sách đã ban hành nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống. Các thiếu sót thường thấy rõ nhất là: Thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan, thiếu những biện pháp để đưa chính sách đến với các đối tượng cần thụ hưởng chính sách như người nghèo, phụ nữ, dân tộc thiểu số…

Cần đánh giá tác động và hiệu quả chính sách đã thực thi vì đây là giai đoạn đo lường tác động và hiệu quả của một chính sách hoặc một hệ thống chính sách trong thực tế. Thực hiện đánh giá chính sách tốt sẽ giúp rút ra được các bài học kinh nghiệm để sửa chữa những sai lệch trong khi hoạch định chính sách, rà soát lại các ý tưởng chính sách đã có hoặc các chính sách đã ban hành để kịp thời bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh chính sách cho hoàn thiện hơn. Vì vậy, giám sát công tác đánh giá, đảm bảo chất lượng đánh giá và tính chính xác, khách quan trong đánh giá, sự tham gia của người dân trong đánh giá là việc cần thiết và quan trọng.

ThS. Trần Giải

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email