TS. Lê Quang Tiến Dũng và các nhà khoa học Nguyễn Thị Thu Liên (Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế), Nguyễn Văn Cường (Tường Đại học Khoa học, Đại học Huế) đã thực hiện thành công đề tài khoa học: “Ứng dụng siêu âm công suất để tăng sinh khối tảo SPIRULINA PLATENSIS”.
Tảo Spirulina platensis thuộc ngành tảo lam. Đây có lẽ là nhóm sinh vật cổ nhất, tiên phong nhất của trái đất do chúng được tìm thấy trong những hóa thạch cách đây 3,5 tỉ năm. Loại tảo này đã được sử dụng như là một loại thực phẩm của con người từ xưa ở một vài nơi trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Peru, Bắc Mỹ, Nhật Bản…
Spirulina platensis là tảo lam dạng sợi xoắn, quang tự dưỡng, thường gặp trong các thủy vực có sự hiện diện của sodium bicarbonate, môi trường kiềm với độ mặn cao. Giá trị dinh dưỡng quan trọng nhất của loài tảo này là hàm lượng protein cao (60-65% trong sinh khối của tảo), dễ hấp thụ và chứa một lượng cân bằng các amino acid cần thiết. Nhiều nghiên cứu cho thấy tảo Spirulina platensis giàu các vitamin như B12, tiền vitamin A và muối khoáng. Hiện nay, loại tảo này đang được trồng đại trà lớn nhất. Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, giá trị y học của Spirulina platensis cũng là một tiềm năng lớn mà con người chưa khai thác hết. Các sản phẩm từ Spirulina platensis được bán rất rộng rãi trên thị trường Việt Nam và được gọi với những cái tên như: siêu phẩm, thực phẩm của tương lai hay tấm lá chắn bảo vệ sức khỏe…vì những lợi ích của chúng, song chủ yếu là những sản phẩm ngoại nhập như: Spirulina platensis Natural Mỹ), Tân Đại Trạch (Trung quốc), Spirulina platensis 100% (Nhật Bản)… với giá thành tương đối cao.
Đề tài này trình bày một phương pháp mới để kích thích tăng sinh khối tảo Spirulina platensis trong quá trình nuôi trồng bằng cách sử dụng siêu âm để phân mãnh sợi tảo thành tảo bào đoạn. Đây là ý tưởng mới, sử dụng phương pháp vật lý để phân mãnh sợi tảo chủ động để tạo ra nhiều tảo bào đoạn, từ đó làm tăng sinh khối tảo Spirulina platensis. Phương pháp này đơn giản, hiệu quả và dễ triển khai ở quy mô công nghiệp.
Nội dung nghiên cứu của đề tài cho thấy dưới tác động của sóng siêu âm, tảo Spirulina platensis đã bị gãy thành nhiều đoạn để tạo thành nhiều tảo bào đoạn để đẩy nhanh tốc độ sinh sản vô tính khi được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu đã mở ra một hướng mới để tăng sinh khối tảo Spirulina platensis trong nuôi trồng quy mô công nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao. Đây là một bước đột phá cho ngành nuôi tảo Spirulina platensis. Kết quả nghiên cứu ứng dụng siêu âm công suất để tăng sinh khối tảo Spirulina platensis của các nhà khoa học có nhiều giá trị về kinh tế xã – hội, góp phần quan trọng trong việc chủ động phát triển các giải pháp mang tính công nghệ cao, giá thành thấp, mang thương hiệu Việt. Kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng tại tất cả các cơ sở nuôi trồng tảo Spirulina platensis vì nó đơn giản, dễ triển khai và mang lại hiệu quả tốt.
Huệ Nhân