Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện đầu tiên tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, cho tới nay, đang được đề cập tới ở nhiều nơi, nhiều cấp, dưới nhiều tên gọi có thể có chút ít khác nhau.
Sự lan rộng hầu như thành một hiện tượng của những thuật ngữ này cho thấy, một mặt, nhu cầu rất cấp thiết của xã hội Việt Nam trên con đường phát triển đang tìm kiếm một cơ chế để có thể có những kênh cung cấp thông tin rõ ràng, trung thực cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách, những người đang phải đối mặt với hàng núi thông tin trong thời internet cùng sự nhiễu thông tin do bộ máy hành chính cồng kềnh và phức tạp loại nhất thế giới của Việt Nam đang tạo ra. Mặt khác, nó cũng cho thấy cách nghĩ tương đối đơn giản của xã hội chúng ta về những hoạt động này: có ý muốn là có thể làm được và hình như bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào và ở đâu cũng có thể làm được.
Nhưng sự việc không đơn giản như thế. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội chỉ có thể tiến hành được trong những điều kiện nhất định, nếu không, hoạt động này sẽ chỉ có tính hình thức và thậm chí, rất tốn kém cho nền kinh tế quốc dân. Ở đây, điều kiện cần là sự phát huy hơn nữa dân chủ để người dân, các cộng đồng có thể có ý kiến với những đường lối, chính sách, dự án mà họ đang là đối tượng chịu tác động. Đồng thời, dân chủ còn ở chỗ những người lập chính sách có ý thức và có trách nhiệm nghe, cân nhắc và tiếp thu những gì hợp lý từ phía xã hội phản ánh lại. Các ý kiến của người dân, cộng đồng, nhóm lợi ích có thể không phải lúc nào cũng hợp lý và có lý nhưng thể hiện những ý kiến đó là quyền hiến định của công dân, mặt khác, tiếp nhận và xử lý như thế nào những ý kiến đó lại là quyền của những người có trách nhiệm trong thời gian nắm giữ nhiệm vụ được nhân dân giao phó.
Nếu phát huy dân chủ là cái có thể dễ dàng đồng thuận ở nước ta thì làm thế nào để có được các ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội tốt lại là điều kiện cần phải đảm bảo (điều kiện đủ theo ngôn ngữ toán học) để cho hoạt động này có chỗ đứng lâu dài trong xã hội. Vì đơn giản là nếu chỉ là phát biểu ý kiến thì ai cũng có thể có ý kiến được, nhưng để có ý kiến đánh giá đúng trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội thì sự nhiệt tình là chưa đủ mà cần phải có kiến thức trong những vấn đề được tư vấn, phản biện và giám định, lại cần có quy trình để thu thập ý kiến từ các cá nhân và nhóm, tập hợp những đối tượng khác nhau trong xã hội. Đây chính là tính chất chuyên nghiệp của các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội và hiệu quả của những hoạt động này càng lớn khi mà trình độ chuyên nghiệp càng cao.
Ở đây nổi lên vai trò đặc biệt của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội một cách chuyên nghiệp mà có lẽ ở nước ta hiện ít có tổ chức nào có được. Có mấy lý do sau đây bảo đảm vai trò đặc biệt đó: Trước hết, do Liên hiệp hội là tổ chức của giới trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, nên trong Liên hiệp hội có chuyên gia của gần như tất cả các lĩnh vực chuyên môn mà đất nước có được. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định bắt đầu trước hết từ việc xác lập vấn đề nghiên cứu cần xem xét và các chỉ báo, chỉ tiêu để tiến hành đánh giá vấn đề đó. Với các dự án hay chính sách lớn, phức tạp thì chỉ có các chuyên gia trong nghề chuyên môn có liên quan mới có thể biết được cần phải nhìn nhận câu chuyện theo những chỉ báo, chỉ tiêu nào và hơn thế những chỉ báo, chỉ tiêu nào phản ánh đúng nhất cho vấn đề cần được xem xét. Việc lựa chọn sai vấn đề nghiên cứu hay lựa chọn chỉ báo, chỉ tiêu không phù hợp với vấn đề nghiên cứu sẽ đưa toàn bộ hoạt động tư vấn, phản biện và giám định vào thế bế tắc và không có được kết quả mong muốn.
Câu chuyện còn phức tạp hơn ở chỗ là tuy đội ngũ chuyên gia khá đông đảo nhưng chuyên gia giỏi lại ít hơn rất nhiều và chuyên gia phù hợp nhất cho vấn đề đang cần được tư vấn, phản biện và giám định ở đây lại còn ít hơn nữa. Nhất là khi hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần có các chuyên gia giỏi nhưng lại phải là các chuyên gia không cực đoan khăng khăng với ý tưởng của mình, cái mà các chuyên gia giỏi thường vẫn mắc phải. Biết lắng nghe người khác là điều cần thiết để họ có thể nắm bắt và tiếp thu ý kiến từ xã hội. Các tổ chức hội nghề nghiệp và Liên hiệp hội Việt Nam chính là nơi mà các đồng nghiệp biết rõ về các sở trường và sở đoản của nhau để có thể đề xuất được chuyên gia phù hợp cho mỗi hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đặc thù.
Tiếp đó, Liên hiệp hội Việt Nam là một hệ thống rộng lớn cả theo chiều dọc lẫn chiều ngang với nhiều hội, liên hiệp hội địa phương, trung tâm, viện nghiên cứu và các báo chí trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này cho phép Liên hiệp hội có cơ hội tiếp cận với các vấn đề ở đủ các dạng khác nhau, với mọi cách tiếp cận rất khác nhau. Nhờ đó, khả năng chọn lọc vấn đề xác đáng, đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc sống là lớn và khả năng tiếp cận vấn đề đúng cũng lớn. Nhờ vậy, có nhiều cơ hội loại bỏ vấn đề không phù hợp.
Quy trình tiến hành tư vấn, phản biện và giám định xã hội hiện nay của Liên hiệp hội bắt đầu từ việc đề xuất các vấn đề theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất khi có vấn đề phát sinh. Bộ phận chuyên trách của Liên hiệp hội tập hợp, phân tích các vấn đề và trình lên lãnh đạo Liên hiệp hội để chọn vấn đề sẽ được Liên hiệp hội tiến hành tư vấn, phản biện và giám định xã hội với những nguồn kinh phí huy động từ các nguồn khác nhau. Các ý kiến đề xuất cũng có thể được đề nghị tới các uỷ viên Đoàn chủ tịch để xem xét trực tiếp tại các cuộc họp của Đoàn chủ tịch. Một quy trình như vậy cho phép tối đa khả năng lựa chọn các vấn đề cần triển khai trong điều kiện Việt Nam.
Đồng thời, tư vấn, phản biện và giám định xã hội phải thu thập ý kiến từ nhiều nhóm người khác nhau trong xã hội nên đây không bao giờ là hoạt động cá nhân mà thường là hoạt động tập thể có tổ chức, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu thập ý kiến. Song ý kiến của những cá nhân khác nhau, các nhóm xã hội khác nhau rất khác nhau nên việc thu được các bằng chứng xác đáng và tin cậy không đơn giản. Sự tuân thủ quy trình này cho phép các phương pháp thu thập ý kiến xã hội phát huy được vai trò của mình và điều này quyết định độ tin cậy (reliability) và tính phù hợp xác đáng (validity) của các bằng chứng mà chúng ta thu thập. Văn phòng hỗ trợ các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, một cơ quan trực thuộc Liên hiệp hội Việt Nam, được thành lập theo sự cho phép của Bộ Nội vụ tháng 3 năm 2005, chính là cơ quan đặc thù có chức năng theo dõi và hỗ trợ việc tuân thủ các phương pháp thu thập ý kiến của các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đang được tiến hành tại Liên hiệp hội. Cơ chế này cho phép Liên hiệp hội có công cụ để hỗ trợ cho các tổ chức của mình tiến hành tư vấn, phản biện và giám định xã hội một cách chuyên nghiệp.
Cuối cùng là Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết để các ý kiến phản biện có nơi trình bày và tiếp nhận. Hơn thế, do các ý kiến đánh giá phải được đưa ra từ những tổ chức độc lập có mục tiêu hoạt động là phục vụ lợi ích xã hội chứ không phải là lợi nhuận và cũng không phải là các cơ quan nhà nước nên Liên hiệp hội, một tổ chức được thành lập nhằm các mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ phi lợi nhuận, sẽ là nơi tốt nhất để các ý kiến không vì lợi ích riêng tư hay lợi ích nhóm, có thể được đề xuất. Do vậy, câu chuyện tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam giờ đây chỉ còn là Liên hiệp hội sẽ nâng cao đến đâu mức độ chuyên nghiệp của mình khi tiến hành tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho xứng đáng với những đòi hỏi của đất nước trên con đường phát triển của mình.
Vĩ thanh: ngày 24/7/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học, trong đó có quy định rõ về hoạt động phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cần gửi ý kiến đó cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức KHCN. Đây là sự quy định dành cho các tổ chức khoa học tư nhân đang bùng nổ ở nước ta. Nhưng sự tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản biện sẽ theo quy trình nào và tính chất xã hội của các phản biện đó đến đâu sẽ còn là vấn đề được chờ đợi.
Phạm Bích San
Phó Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam
Nguồn: vusta.vn 16:50:48 Ngày 24/02/2010