Nổi tiếng là vùng trồng hoa, giờ đây xã Phú Mậu, huyện Phú Vang lại nổi lên là nơi đầu tiên trong tỉnh về việc nhân giống hoa cúc nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Ông Hà Út, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Mậu II – nơi được chọn triển khai dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống hoa cúc- phấn khởi nói: Từ khi ứng dụng mô hình, HTX có thể chủ động giống chứ không phải đi mua giống từ Đà Lạt hay Hà Nội về, vừa đỡ hao hụt, đảm bảo chất lượng cây giống mà giá lại rẻ hơn 20% nên bà con rất đồng tình. Trước mình trồng hoa đi đầu, giờ làm giống cũng đi đầu. Chừ vô vườn nhà mô cũng thấy trồng hoa. Nhà mô cũng cải tạo vườn tạp, nâng đất lên để trồng hoa….
Trước đây, cả xã Phú Mậu chuyên trồng hoa địa phương như thọ, cúc kim, cúc thượng hải,¦Những giống này vừa có năng suất thấp, thời gian trồng lại kéo dài đến 5-6 tháng mới cho thu hoạch. Cuối năm 2005, sau khi được huyện Phú Vang tạo điều kiện cho các xã viên, nông dân trong xã đi tham quan, học tập mô hình trồng hoa ở Hà Nội, HTX đã mua giống hoa cúc tại Viện Nghiên cứu rau quả – Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về trồng thử trên diện tích 0,5 ha và cho kết quả tốt. So với các loại hoa địa phương, giống cúc mới này có năng suất vượt trội, thời gian trồng lại ngắn. Từ thành công bước đầu này, huyện đã cho nhân rộng diện tích trồng hoa toàn xã lên 13 ha. Ngoài Phú Mậu, các xã Phú Dương, Phú Thanh, Phú Thượng cũng được khuyến khích phát triển theo mô hình Phú Mậu. Tuy nhiên, một khó khăn nảy sinh là sự bị động về giống do phải mua từ Đà Lạt, Hà Nội về. Chỉ riêng xã Phú Mậu nhu cầu giống đã lên tới 500 vạn cây con/năm. Đây là lý do HTX kiến nghị và đầu năm 2008, huyện Phú Vang và Sở Khoa học Công nghệ đã đầu tư dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống hoa cúc, ông Út cho biết.
Tháng 6-2008, dự án chính thức được triển khai với việc đổ đất nâng nền và làm hệ thống nhà lưới với diện tích 800 m2. Khu nhà lưới được chia thành hai vườn, vườn trồng cây mẹ rộng 500 m2 có thể trồng 25.000 cây mẹ và vườn giâm cây con rộng 300 m2, mỗi lứa giâm được 10 vạn cây. Nhà lưới được trang bị hệ thống tưới phun sương tự động và hệ thống điện chiếu sáng. Chị Hà Thị Hiệp, người phụ trách vườn nhân giống của dự án cho biết: đầu tháng 9, HTX bắt đầu giâm và đã giâm được 15 vạn cây con, 10 vạn cây con đã được xuất cho bà con trong xã. Hiện nay, vườn đang tiếp tục giâm để trồng xuất dịp tết. Do hoa giống của HTX có giá bán rẻ hơn, lại chất lượng hơn so với giống mua từ nơi khác nên khách hàng rất tín nhiệm. Hôm qua khách từ Quảng Trị tới hỏi mua 1 vạn cây mà chưa có để bán. Nhu cầu thì nhiều mà mình không cung cấp đủ nên trước tiên là ưu tiên cho người đặt hàng trước, chị Hiệp nói.
Quả là tiếng lành đã đồn xa, hôm chúng tôi về thăm mô hình trồng cúc ở Phú Mậu đã gặp một số khách hàng ở các tỉnh lân cận tìm đến mua giống. Anh Tuấn – một khách hàng ở Đông Hà, cho hay: Mấy năm trước mình mua giống ở Vĩnh Phúc, Gia Lâm, Hà Nội. Năm nay, do lụt lội nên hai vùng này mất trắng. Mình vô Thành Nội hỏi mua giống, được họ chỉ về đây. Ở đây, 100 đồng/cây giống chớ ngoài đó 200 đồng mà cũng không có để mua¦.
Hướng tới những loại hoa cao cấp
Anh Lê Thanh Châu, một trong những xã viên tham gia dự án hồ hởi: Trước đây mỗi nhà chỉ trồng 1.000-2.000 cây là cùng nên khi nghe dự án phân lô 3.000 cây, bà con ai cũng ngại. Giai đoạn đầu bỡ ngỡ lắm nhưng được cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả tập huấn về kỹ thuật, nên bà con giờ rất mạnh dạn. Làm ruộng 1 sào chỉ lãi 400.000 đồng, trong khi làm 1 sào hoa 1 vạn cây, một cây chỉ tính 1.000 đồng (khi được giá lên tới 3.000 đồng/cây) thì đã thu được 10 triệu, trừ chi phí ra tụi tui lãi ròng 7 triệu đồng, gấp khoảng 20 lần so với làm lúa. Theo ông Hà Út, mỗi năm, HTX trồng 12 lứa, được 120-150 vạn cây con, bán 100 đồng/cây giống, trừ mọi chi phí ra đã lãi 50 đồng/cây, thu lợi 75 triệu từ mô hình này. Đây là hiệu quả rất lớn từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa cúc.
Rời khu trồng hoa tập trung của dự án, chúng tôi tìm đến hộ ông Lê Văn Lự – một trong những hộ đi đầu về trồng hoa của HTX. Chỉ vào 2 vồng đất dài trước mặt nhà, Phó Chủ nhiệm HTX Phú Mậu II – Dương Thống – nói: Chừng đó thôi mà vừa rồi thu được 7 triệu từ hoa cúc đó. Với sự cần cù chịu khó, nhà ông Lự là hộ đầu tiên trong xã được HTX hỗ trợ để trồng thử nghiệm hai giống hoa đồng tiền và hoa lys trong nhà lưới – đây là hai loại hoa cao cấp mà HTX sẽ hướng tới sau hoa cúc. Ông Lự bảo: Hoa địa phương chỉ trồng được 4.000-5.000 cây/sào, trong khi hoa cúc mới trồng được 10.000-12.000 cây/sào, 1 sào chia 5 lứa, mỗi lứa trồng 100 m2 thì tháng nào cũng có hoa để bán. Loại cúc mới lại sinh trưởng được quanh năm nên rất dễ trồng. Nhưng không thể chỉ trồng hoa cúc mãi, vì đời sống giờ ngày càng đi lên. Huế lại là nơi tổ chức nhiều lễ hội, và giờ người ta đi thăm thú nhau cũng tặng hoa quý nên tôi muốn thử trồng loại hoa cao cấp này. Với suy nghĩ đó, ông Lự đã bỏ ra số vốn 6 triệu đồng để mua giống đầu tư trồng hoa lys.
Chủ nhiệm HTX Hà Út khẳng định: Hiệu quả lớn nhất của dự án là HTX đã chủ động được nguồn giống để cung cấp cho nhu cầu trồng hoa trên địa bàn. Nhiều nông dân cũng đã được tập huấn về kỹ thuật và giờ 10 hộ trong xã đã tự nhân giống được. Tôi cho đó là thành công lớn nhất bởi từ chỗ phải mua giống giờ họ đã tự quyết khâu giống của mình. Tuy nhiên hiện chúng tôi mới chỉ chủ động được 50% nhu cầu giống, số còn lại vẫn phải mua ngoài. Do vậy, hướng tới, HTX sẽ mở rộng mô hình trồng cúc bằng cách giúp kỹ thuật để bà con tự làm. Đồng thời, sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng các loại hoa cao cấp như loa kèn, lys, đồng tiền,…
Bài và ảnh: Thái Ngọc