Bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng hiện đang được Tỉnh quan tâm thực hiện nhằm đạt mục tiêu có từ 25 – 40% nhà vườn Huế đặc trưng được trùng tu trong giai đoạn 2015 – 2020 theo Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Kết quả bước đầu
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 150 nhà vườn Huế có giá trị lịch sử và văn hóa, trải qua thời gian nhiều nhà vườn đã xuống cấp trầm trọng và không còn giữ nguyên trạng; nhiều nhà vườn đã bị biến đổi diện tích hoặc tháo dỡ, xây dựng mới. Việc giảm số lượng và thay đổi kiến trúc cũng như chuyển nhượng của các chủ nhà vườn Huế đã làm ảnh hưởng rất lớn đến giá trị văn hóa kiến trúc Huế.
Phó chủ tịch UBND thành phố Huế Trần Song cho biết, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, hầu hết các chủ nhà vườn không có điều kiện thực hiện tu bổ và trùng tu nhà vườn của mình.Trong giai đoạn 1 (2015 – 2017), 14 nhà vườn Huế đặc trưng có giá trị lịch sử và văn hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ trùng tu. Đến nay, thành phố Huế đã thực hiện hỗ trợ trùng tu được 8/14 nhà vườn Huế với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,2 tỷ đồng; trong đó, đã có 4 nhà vườn hoàn thành, 4 nhà vườn đang thực hiện, dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành.
Một trong những Chủ nhà vườn tham gia Đề án, ông Hồ Xuân Doanh phấn khởi cho biết, việc trùng tu, tôn tạo nhà vườn có giá thành rất cao và khó đảm bảo thực hiện bài bản nên việc hỗ trợ của Tỉnh đã giúp cho những Chủ nhà vườn cổ có cơ hội thực hiện trùng tu và tôn tạo nhà vườn của mình, giữ gìn những giá trị truyền thống qua bao đời của gia tộc để lại và có cơ hội để phát triển du lịch – dịch vụ.
Tại làng cổ Phước Tích, có 25 nhà vườn đã đăng ký tham gia Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Từ đầu năm 2017, huyện Phong Điền đã thực hiện hỗ trợ trùng tu 3 nhà với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng, hiện nay 3 nhà đã hoàn thành. Ngoài ra, huyện Phong Điền cũng đã lập dự án kinh tế – kỹ thuật 2 nhà vườn làng cổ Phước Tích theo nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (mỗi căn nhà được hỗ trợ 750 triệu đồng). Năm 2018, sẽ thực hiện hỗ trợ trùng tu 5 nhà và thực hiện trùng tu 2 nhà sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt từ nguồn Chương trình mục tiêu văn hóa.
Tại buổi họp Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” vào ngày 6/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, đề nghị thành phố Huế tiếp tục rà soát để thực hiện hỗ trợ hết toàn bộ các nhà vườn đã được đưa vào danh sách trùng tu trong giai đoạn 2018 – 2020 và có thể mở rộng nhiều một số nhà nếu đáp ứng đủ các điều kiện và hiện đang xuống cấp nặng.
Ngôi nhà vườn của ông Hồ Xuân Doanh ở 51 – Thanh Nghị, phường Thủy Biều được trùng tu sau khi tham gia Đề án
Gắn kết nhà vườn với du lịch
Hiện ở thành phố Huế có 05 nhà vườn đang phối hợp với một số đơn vị lữ hành khai thác du lịch tham quan nhà vườn nhưng doanh thu chưa cao. Riêng nhà vườn Hoàng Xuân Bậc tại 34 Phú Mộng, phường Kim Long có kết hợp dịch vụ ẩm thực, vào mùa khách du lịch cao điểm doanh thu mỗi tháng đạt trên 100 triệu đồng.
Ông Hồ Xuân Đài, Chủ nhà vườn Xuân Đài tham gia vào tour du lịch mới “Sáng Thủy Biều – Chiều Tam Giang” của Công ty du lịch Huetourist cho biết: “Thủy Biều là nơi được thiên nhiên ưu đãi với nhiều vườn cây ăn trái sum suê, nhà vườn cổ 150 năm của gia đình đã đón tiếp rất nhiều khách du lịch đến tham quan, ngoài trải nghiệm du khách còn tĩnh dưỡng ngâm chân bằng lá thảo mộc, tham gia nấu nướng cùng người dân, với mô hình mới này sẽ giúp nhiều du khách được trải nghiệm nhiều hơn cũng như tăng thêm nguồn thu nhập cho các nhà vườn.
Quyền giám đốc Sở Du lịch, ông Lê Hữu Minh cho biết, để phát huy tiềm năng và đảm bảo tính bền vững loại hình du lịch Homestay tại các nhà vườn Huế cần phải xây dựng một mô hình quản lý chung để từng Chủ nhà vườn căn cứ vào đó thực hiện. Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành khảo sát hiệu quả mô hình du lịch Homestay để đưa ra mô hình chung về tổ chức, đồng thời mở rộng thêm mô hình du lịch này tại nhiều nhà vườn khác cũng như mời thêm các đơn vị lữ hành du lịch tham gia vào thực hiện mô hình du lịch này.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, về quản lý hệ thống nhà vườn và mô hình như thế nào, thành phố Huế cần xem xét cụ thể điều kiện để thành lập Ban quản lý và tổ chức hoạt động đồng bộ, có thể bán vé tham quan nhằm tăng thu nhập cho các Chủ nhà vườn. Trong năm 2018, thành phố Huế phải có ít nhất 09 ngôi nhà được triển khai trùng tu, ngoài ra cần rà soát nhu cầu hỗ trợ đầu tư kinh doanh du lịch của các Chủ nhà vườn để tỉnh cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị cùng với vận động người dân tham gia các mô hình du lịch, nhất là đối với các nhà vườn đã được hỗ trợ trùng tu, ngành Du lịch và các địa phương cần mời gọi các Công ty du lịch, đơn vị lữ hành mở rộng loại hình tua tuyến và tham gia vào các hoạt động du lịch tại nhà vườn Huế. Nhất là cần đánh giá và tổ chức hiệu quả loại hình du lịch Homestay để khách du lịch không chỉ đến tham quan, ăn ở tại nhà vườn mà còn mua sắm các sản phẩm của nhà vườn và các sản phẩm, đặc sản đặc trưng của Huế; đồng thời phải tham gia và tập trung khai thác tốt Trang thông tin điện tử nhà vườn Huế; việc xây dựng Lôgô nhà vườn Huế và biểu tượng tại từng nhà vườn cũng cần phải xem xét thực hiện ngay.
ĐINH VĂN CHUNG