Tác động của quá trình tự nhiên đến sự hình thành đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Theo các tài liệu nghiên cứu hải dương trên thế giới và trong nước cho thấy mực nước đại dương thế giới trong thời gian gần đây đang dâng cao, trung bình 1mm/năm, mở đầu một chu kỳ biển tiến mới. Ở Việt Nam theo số liệu quan trắc nhiều năm mực nước biển Đông dâng cao trung bình 1 – 2 mm/năm, còn ở vùng biển miền Trung chỉ khoảng 1 mm/năm.

Trong giai đoạn biển tiến hiện đại, bờ biển chịu tác động xói lở là chính. Dải cồn cát phía ngoài đầm phá Tam Giang – Cầu Hai bước vào giai đoạn bị phá hủy. Thực trạng xói lở mạnh đang xảy ra ở Hải Dương, bãi tắm Thuận An, phía bắc cửa Tư Hiền… là biểu hiện của quá trình phá hủy đó. Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cũng như bất kỳ một đầm phá nào ở ven biển miền Trung, đều đã qua giai đoạn phát triển cực thịnh và đang ở giai đoạn chịu tác động mạnh của các quá trình phá hủy với các mức độ khác nhau theo diễn thế chung là: đầm nước lợ → đầm nước ngọt → đầm lầy → đất trũng chứa than bùn → đất cao. Lượng vật liệu trầm tích do xói mòn từ lưu vực sông Hương đổ vào đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là rất lớn. Đó là điều không phủ nhận được, tuy nhiên số liệu đánh giá của các tác giả rất khác nhau. Hoạt động bối tụ, lắng đọng trầm tích ở hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai: khối lượng vật liệu 1,228 triệu tấn/năm, tốc độ lắng đọng trầm tích trong đầm 8mm/năm (Nguyễn Văn Cư, 2001); 1,0 triệu m3/năm (Ngô Đình Tuấn, 2000); hoặc 1,2 triệu tấn/năm (Trần Đức Thạnh, 2000). Với lượng bùn cát như vậy đáy đầm sẽ ngày một nông dần ít nhất cũng khoảng 2 – 3mm/năm. Xói mòn sườn tây đê chắn cát phía biển với những dòng suối cát theo hướng đông – tây đổ vào đầm phá đã tạo nên đồng bằng cát nghiêng thoải về phía đầm. Từ dải cồn cát ở bờ sau, phía tây đầm phá thuộc Quảng Điền, Phú Vang có nhiều rãnh xói và suối nhỏ chuyển cát vào. Ở ven rìa đầm phá đã tạo thành một dải trầm tích cát hạt trung – hạt mịn làm thu hẹp dần kích thước ngang của đầm phá. Dòng bồi tích cát biển do sóng và thủy triều đưa vào đầm qua các cửa biển cũng đóng góp phần đáng kể vào việc lấp đầm phá. Sự tích tụ cát hạt lớn – hạt trung tại vùng cửa Thuận An và cửa Vinh Hiền là minh chứng cho điều đó. Đáng lưu ý là tại cửa Vinh Hiền phía trong đầm Cầu Hai dòng bồi tích cát biển đã tạo nên một bãi triều rất đặc trưng làm cho độ sâu của đầm ở đây chỉ còn 0,3 – 0,2 m. Sự suy tàn của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai còn biểu thị bởi quá trình bồi lấp cửa biển, đóng mở cửa biển với nhịp điệu nhanh dần (cửa Vinh Hiền bị lấp kín vào các năm 1823, 1953, 1979 và 1994). Sau khi cửa biển bị lấp kín (ví dụ 1995), nước đầm Cầu Hai bị ngọt hóa hầu như hoàn toàn vào mùa mưa, tạo điều kiện cho rong, tảo, cỏ nước phát triển mạnh. Lúc đó, chúng đóng vai trò cản trở sự vận chuyển vật liệu trầm tích ra biển, khi lụi tàn, chúng là nguồn cung cấp mùn bã hữu cơ cho trầm tích đáy. Cả hai trường hợp đó đều thúc đẩy quá trình nông dần, với tốc độ lớn, hệ đầm phá càng mau chóng bị lấp cạn.

Cửa Tư Hiền, với biểu hiện lấp cửa liên tục và nhanh chóng chứng tỏ đã đi vào giai đoạn suy tàn thực sự. Động lực biển đã thắng thế, việc lấp kín cửa xảy ra thường xuyên hơn. Dòng bùn cát ở phía bắc cửa Tư Hiền chảy về đã gây nên sự bồi lắng tạo doi cát ở đây, và là nguyên nhân quan trọng của hiện tượng lấp cửa. Việc tự mở cửa biển này chỉ xảy ra trong trường hợp có lũ lớn (như lũ năm 1999), còn nói chung việc mở cửa đòi hỏi phải có sự can thiệp của con người, nhưng tốt nhất là can thiệp vào mùa mưa. Cửa biển Thuận An cũng đang bước dần vào giai đoạn chịu nhiều tác động của các điều kiện tự nhiên, nên diễn biến khá phức tạp. Dòng dẫn có xu thế dịch chuyển dần về phía bắc cửa Thuận An do tác động tổng hợp sông – biển với sự bồi tụ trầm tích ở phía nam cửa và phá hủy bờ biển ở phía bắc cửa. Do đó, luồng cửa Thuận An chia cắt cồn cát từ Hải Dương về phía bắc, tuy nhiên do động lực của dòng sông Hương rất lớn (đặc biệt là trong lũ) nên luồng cửa này không thể kéo dài mãi về phía bắc mà tự nó phải tìm đường ngắn nhất để thoát lũ ra biển. Vì vậy, khi tác động của các điều kiện tự nhiên càng gia tăng thì diễn biến của cửa biển càng phức tạp, hiện tượng đóng mở, bồi tụ, xói lở xẩy ra liên tục và mạnh mẽ hơn.

TS. Bùi Thắng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email