Phát huy trách nhiệm tư vấn, phản biện và giám định xã hội của trí thức

Đến nay, đã sau 8 năm, kể từ năm 2004 là năm có quy định của UBND tỉnh về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh nhưng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội vẫn chưa khởi sắc.

Cơ sở pháp lý

Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến vai trò của tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tại Chỉ thị 35-CT/TW (1988), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao cho Liên hiệp hội Việt Nam nhiệm vụ “tư vấn về chính sách khoa học – kỹ thuật và kinh tế – xã hội cho Đảng và Nhà nước,…Tiếp theo là Chỉ thị 45-CT/TW (1998), Thông báo 145-TB/TW (2004), Đảng đã tin cậy và giao cho Liên hiệp hội Việt Nam “tổ chức phối hợp tốt hơn nữa lực lượng trí thức khoa học và công nghệ để tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với những dự án lớn, có tính liên ngành, liên vùng”.

Các chủ trương của Đảng về tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã được thể chế hóa thành chính sách cụ thể của Nhà nước. Chỉ thị 14/2000/CT-TTg chỉ rõ: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương chính sách, các chương trình, dự án khoa học – công nghệ, môi trường và phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện”. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội khoa học và kỹ thuật đã được quy định cụ thể và chi tiết hơn tại Quyết định 22/2002/QĐ-TTg.

Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. UBND tỉnh ta đã ban hành quyết định số 700/QĐ-UB ngày 16/3/2004 về việc qui định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực trạng công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Các chủ trương, chính sách nêu trên ngày càng đi vào cuộc sống là do tính đúng đắn của nó, đặc biệt là do những hoạt động tích cực, sáng tạo, hiệu quả trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam và các Liên hiệp hội nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Liên hiệp hội Việt Nam, các hội ngành trung ương và nhiều Liên hiệp hội địa phương đã triển khai các hoạt động như đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện của Đảng, các dự thảo Luật, góp phần hoạch định các chương trình, các kế hoạch, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương. Các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được triển khai đa dạng, một cách độc lập trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó đáng chú ý là việc tham gia phản biện dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường, xây dựng Luật Trưng cầu dân ý, thẩm định chương trình 1 triệu ha lúa lai, phản biện sách giáo khoa, thẩm định dự án phóng vệ tinh VinaSAT, kiến nghị xử lý xăng dầu chứa aceton, tư vấn, phản biện dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh đoạn qua rừng Cúc Phương,…Những hoạt động trên đã được Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đánh giá cao.

Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn giao hàng tỉ đồng mỗi năm để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhiều dự án phát triển của thành phố. Ngay cả các tỉnh như Bình Thuận, Quảng Ngãi,…lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật mỏng hơn Thừa Thiên Huế nhiều lần nhưng cũng đã thực hiện khá tốt hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội độc lập nhiều dự án phát triển lớn, đa ngành của địa phương.

Trong bối cảnh chung đáng phấn khởi như vậy thì thật đáng tiếc là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các hội khoa học, kỹ thuật ở tỉnh ta chưa khởi sắc, chưa tương xứng với tiềm lực khoa học, công nghệ tại chỗ.

Theo quy định, việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội được chia làm 4 mức: Một là, chia sẻ thông tin tham khảo về nội dung hoặc phương pháp tiếp cận nguồn tư liệu, nguồn chuyên gia,…Hai là, phân tích, đánh giá, đưa ra các ý kiến nhận xét, bình luận hoặc kiến nghị hướng nghiên cứu nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện hoặc bổ sung, sửa đổi từng phần hoặc toàn bộ một đề án đang được chuẩn bị hoặc đang được thực thi. Ba là, phân tích, đánh giá, nghiên cứu toàn diện và đưa ra kiến nghị cụ thể về giải pháp hoặc phương án bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế từng phần hoặc toàn bộ một đề án. Bốn là, chủ trì nghiên cứu soạn thảo toàn bộ hoặc một số phần nhất định của một đề án.

Trong thực tế, Liên hiệp hội tỉnh ta, ngoài việc tham mưu để UBND tỉnh ban hành quyết định số 700/QĐ-UB nêu trên, tổ chức một số lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, lập danh sách các chuyên gia chuyên ngành có thể sẵn sàng tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các vấn đề chuyên ngành, Liên hiệp hội mới chỉ tư vấn bằng cách cử đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, nếu được mời là chủ yếu. Đáng ghi nhận là trong năm 2011, Liên hiệp hội đã tiến hành phản biện có chất lượng, được các cơ quan liên quan đánh giá cao ba đồ án quy hoạch. Đó là “Quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, “Quy hoạch cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch chi tiết khu du lịch dịch vụ cao cấp Cồn Hến”.

Các hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành trong tỉnh đã tích cực tham gia nhiều ý kiến cho các đề án, dự án. Tiêu biểu là Hội Khoa học Lịch sử. Hội này đã tham gia ý kiến thẩm định nhiều chương trình, dự án như dự án Khôi phục Tam quan Quốc tử giám (ở Huế), dự án Tôn tạo và phát huy giá trị khu đô thị cổ Gia Hội – Chợ Dinh, dự án Khu du lịch đồi Vọng Cảnh, tư vấn quy hoạch, xây dựng tượng đài Quang Trung, tư vấn vị trí dựng Biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào chống thuế năm 1908, tư vấn lịch sử Lễ hội tái hiện Lễ Đăng quang Hoàng đế Quang Trung tại festival Huế 2008,…Hội Luật gia đã góp ý hàng chục dự luật như như Bộ luật Dân sự sửa đổi, luật Đất đai sửa đổi,…Hội Kiến trúc sư góp ý nhiều đồ án kiến trúc, quy hoạch, được dư luận đánh giá cao. Hội Lâm nghiệp đã tư vấn xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp tỉnh, góp ý Quy hoạch 3 loại rừng,…Hội Thủy lợi tham gia các hội nghị tư vấn thủy điện Tả Trạch, thủy điện Bình Điền, quy hoạch chỉnh trị ổn định sông Hương,…Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị đã tham gia góp ý nhiều đồ án quy hoạch, công trình, xây dựng và phát triển đô thị.

Nhìn chung, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các hội thành viên trong tỉnh chỉ dừng lại ở mức tham gia ý kiến là chủ yếu, hình thức tư vấn, phản biện và giám định xã hội độc lập, ở mức độ cao còn thưa thớt, chưa có tư vấn, phản biện và giám định xã hội thông qua hợp đồng quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Nguyên nhân của tình hình trên có rất nhiều. Nhưng chủ yếu là do cơ chế và thói quen, nếp làm cũ. Trước hết là do quyết định số 700/QĐ-UB chưa quy định dự án có quy mô đến đâu thì bắt buộc phải có tư vấn, phản biện và giám định xã hội bằng văn bản của Liên hiệp hội, các hội thành viên hoặc một tổ chức xã hội độc lập. Các cơ quan nhà nước chưa thấy được ưu điểm và lợi ích tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội nên chưa giao việc, tiếp tục lấy ý kiến tư vấn, phản biện theo cách thông thường đã làm nhiều năm nay là tổ chức hội nghị lấy ý kiến của một số chuyên gia, người đại diện các cơ quan. Mặt khác, năng lực tư vấn, phản biện độc lập của Liên hiệp hội còn hạn chế nên chưa mạnh dạn đề xuất để được giao thực hiện.

Cần chủ động vào cuộc

Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định: “Tạo điều kiện cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”. Chương trình hành động số 01-CTHD/TU thực hiện chỉ thị số 45-CT/? và mới đây nhất, thông báo số ? của UBND tỉnh cũng đa khẳng định “…”

Đây là cơ hội để Liên hiệp hội và các hội khoa học, kỹ thuật trong tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của mình thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Liên hiệp hội tỉnh có đầy đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ này. Thứ nhất, Liên hiệp hội là nơi có ưu thế tập hợp trí tuệ khoa học và công nghệ trong mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Thứ hai, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội bảo đảm tính khách quan và tính độc lập cao. Thứ ba, Liên hiệp hội các tỉnh có sự hỗ trợ đắc lực của Liên hiệp hội Việt Nam.

Trong tình hình mới, Liên hiệp hội và hội khoa học, kỹ thuật tỉnh ta cần chủ động vào cuộc, nhanh chóng khắc phục nhược điểm, phát huy thế mạnh, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế sớm đưa tỉnh nhà trở thành trung tâm khoa học, công nghệ của cả nước, thành phố trực thuộc trung ương.

Nguyễn Văn Quế

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email