Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 có ba nội dung lớn: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân và nói đi đôi với làm. Các nội dung này có mối liên hệ mật thiết, biện chứng, thực hiện tốt sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách con người nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Trong đó, nội dung “nói đi đôi với làm” là những biểu hiện hằng ngày, có tác động trực tiếp đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Cuối tháng 7 vừa qua, Chi bộ Văn phòng cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) đã tổ chức buổi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm” với sự tham gia của toàn bộ đảng viên trong Chi bộ và cán bộ Văn phòng cơ quan Liên hiệp hội. Các ý kiến đã khẳng định sự cần thiết và cấp bách về nâng cao nhận thức đối với việc “nói đi đôi với làm”. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm thực hiện Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Biểu hiện cụ thể của bệnh “Nói không đi đôi với làm” có thể nhận diện ở nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: Nói một đằng làm một nẻo; nói mà không làm, hứa mà không thực hiện; nghĩ một đằng, nói một đằng; lúc đương chức nói thế này, khi về hưu nói thế khác; trong cuộc họp nói khác với khi ở ngoài cuộc họp; nói thì hay, làm thì dở… Ở một cấp độ cao hơn, nói không đi đôi với làm chính là thiếu trung thực, bệnh “thành tích”, bệnh giáo điều, thói “háo danh”, nói dối, khai man… nhằm động cơ vụ lợi, tham nhũng. Tác hại của nói không đi đôi với làm rất nghiêm trọng ở chỗ nó làm xói mòn niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
Để khắc phục và đẩy lùi nguy cơ do căn bệnh nói không đi đôi với làm gây ra, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức cần thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. “Nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc, đạo đức, lẽ sống mà còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trong sáng của mỗi con người. Vì thế, nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không được “nói một đằng, làm một nẻo”. “Nói đi đôi với làm” phải thực hiện đồng bộ, nhất quán từ trên xuống dưới, đề cao vai trò người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức và đơn vị. Vì vậy, cần phát hiện và nhân rộng điển hình, gương người tốt, việc tốt đi đôi với ngăn chặn các biểu hiện xuống cấp đạo đức trong gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi tập thể, tổ chức vừa đóng vai trò giám sát, vừa tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, đảng viên hoàn thiện nhân cách. Cùng với đó tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách, không tạo kẽ hở cho thói thiếu trung thực len lỏi trong đời sống xã hội.
Do vậy, nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân là để đem lại kết quả trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng nhiều hơn, thiết thực hơn trong đời sống xã hội, đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay. Nhằm thực hiện tốt việc này, trước hết cần sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo tiền đề để cấp dưới học tập, noi theo.
Có thể thấy rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng lối sống trung thực, thẳng thắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lời nói đi đôi với việc làm trong cán bộ, đảng viên là công việc rất quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp liên quan đến sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị và đất nước, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với sự tồn vong của chế độ. Do đó, cần phải thực hiện một cách quyết liệt, với quyết tâm chính trị của toàn Chi bộ, của mỗi cán bộ đảng viên và cán bộ trong Liên hiệp hội. Có như vậy, việc học tập và làm theo Bác mới thiết thực, thường xuyên, đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa rộng lớn.