Nhiệm vụ của trí thức khoa học trong thời gian tới

“Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam dự Đại hội Đại biểu lần thứ III của Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế, GS.TSKH Trần Ngọc Hiên đã phát biểu ý kiến chỉ đạo. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu của Giáo sư (Đầu đề của bài do Ban biên tập đặt).

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận tỉnh Thừa Thiên – Huế;

Thưa quý vị đại biểu và tất cả các nhà khoa học dự Đại hội !

Hôm nay, tôi rất vui mừng được thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam dự Đại hội đại biểu lần thứ 3 của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế – một trong 3 trung tâm khoa học kỹ thuật và văn hóa lớn nhất của nước ta.

Trước hết, tôi xin chúc mừng những thành công của các nhà khoa học trong Liên hiệp Hội tỉnh nhiệm kỳ 2. Đây là một bước tiến đáng kể cho Liên hiệp Hội.

Tôi biết rõ những thành công này trước hết là do sự nỗ lực của Ban Chấp hành Liên Hiệp hội và các Hội đã tổ chức thu hút trí thức trong tỉnh thực hiện các chương trình phát triển của tỉnh. Những thành công này cũng không tách rời sự quan tâm của Tỉnh uỷ và Uỷ ban đã tạo môi trường và điều kiện cho các nhà khoa học đóng góp sức mình. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Đoàn Chủ tịch gửi lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đã ngày càng quan tâm đến việc phát huy lực lượng trí thức trong tỉnh.

Thưa các đồng chí,

Nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ hoạt động trong không gian và thời gian có thể sẽ khác nhiều so với trước đây. Nhìn trước những vấn đề đặt ra sẽ giúp chúng ta chủ động trước tình hình mới. Khẩu hiệu mà Đại hội hướng theo là mục tiêu Phát triển. Nhưng nội hàm của Phát triển là gì trong giai đoạn hiện nay là vấn đề mới ở nước ta.

Báo cáo của Đại hội đặt mọi hoạt động trong yêu cầu Phát triển bền vững là đúng đắn. Nhưng cần hiểu như thế nào là phát triển bền vững ?

Xu hướng thời đại hiện nay là chuyển lên thời kỳ Phát triển theo hướng “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Sự phát triển đồng thời 3 lĩnh vực đó được coi là Phát triển bền vững. Xu hướng này đang tạo ra một sức ép ngày càng tăng khi khuynh hướng chạy theo tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ vấn đề xã hội và môi trường đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Các mô hình kinh tế này hầu như đều thất bại ở các nước đang phát triển.

Lịch sử đang đặt ra vấn đề phải thay đổi định hướng phát triển, từ chạy theo mục tiêu của cải sang phát triển vì tiến bộ xã hội và con người. Và may thay, lịch sử cũng tạo ra khả năng mới giải quyết vấn đề ấy. Đó là sự phát triển kinh tế tri thức. Chỉ có kinh tế tri thức mới có điều kiện phát triển bền vững.

Vì vậy, vai trò của lực lượng trí thức, cũng như trách nhiệm của họ đang đặt ra một cách trực tiếp trước xã hội hiện nay.

Nước ta sau hơn 20 năm đổi mới đã có sự tăng trưởng khá cao về số lượng phát triển kinh tế. Năm 2008 cho thấy hướng phát triển này đã tới giới hạn, cần chuyển sang hướng phát triển đồng thuận giữa kinh tế với xã hội và môi trường. Đòi hỏi này trở nên cấp bách khi vấn đề xã hội và môi trường ở nước ta đã tích tụ nhiều hậu quả của sự phát triển phiến diện.

Hơn nữa, sự biến đổi khí hậu với những hậu quả khôn lường mà Việt Nam là một trong số ít nước chịu hậu quả nặng nề trước tiên.

Lực lượng trí thức nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đứng trước nhiệm vụ nặng nề trong thời gian tới.

Để phù hợp với yêu cầu giai đoạn mới, Liên Hiệp hội chúng ta cần sớm chuẩn bị cho mình về Tầm nhìn và Phương pháp hoạt động có tính hệ thống, tính hiệu quả cao trong mọi hoạt động cụ thể như Tư vấn, Phản biện các dự án; như hoạt động nghiên cứu, đào tạo. Các Hội phải hợp tác với nhau có tính chất liên ngành. Ở tỉnh ta, chưa có Hội khoa học kinh tế là tổ chức đáng quan tâm trong hoạt động liên ngành. Có một đặc điểm đáng chú ý trong Liên Hiệp hội Thừa Thiên Huế là cần khai thác những trí thức đã có tuổi, vì họ đã tích lũy được nhiều tri thức và kinh nghiệm. Đây là một tiềm năng cần khai thác để phát triển nhanh lực lượng trí thức trẻ.

Tầm nhìn mới với Phương pháp hệ thống nên thể hiện trước hết ở Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, để trong nhiệm kỳ này ghi được dấu ấn đổi mới sâu sắc hơn.

Huế, ngày 20 tháng 2 năm 2009

GS.TSKH Trần Ngọc Hiên

Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email