Người dân thoát nghèo từ cây Mướp đắng trái vụ

Hiện nay mướp đắng là một loại rau quả trồng và bán được quanh năm trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn, vì vậy, nông dân của huyện Quảng Điền đã tiến hành trồng mướp đắng trái vụ. Nhờ ứng dụng các biện pháp chăm sóc tốt nên mướp đắng trồng trái vụ đã giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Năm nay, gia đình ông Văn Đức Cường ở thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền đưa vào trồng 4 sào mướp đắng trái vụ. Đến nay, mướp đắng của gia đình ông đang trong thời kỳ thu hoạch. Theo ông Cường cho biết, trước đây những diện tích này gia đình chỉ trồng mướp đắng chính vụ và trồng rau màu nên mức thu nhập trên đơn vi diện tích khá thấp. Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, ông đã nghiên cứu tìm tòi đưa vào trồng thử nghiệm mướp đắng trái vụ. Theo ông Cường trồng mướp đắng trái vụ gặp rất nhiều khó khăn so với trồng chính vụ. Bởi lẽ trồng mướp đắng trái vụ diễn ra trong thời gian từ tháng 11 năm này đến tháng 3 năm sau, đây là thời điểm thời tiết diễn ra rất phức tạp khó chăm sóc, nhưng bù vào đó giá cả bán ra khá cao. Với 4 sao mướp đắng trái vụ gia đình ông có thu nhập trên 30 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác trên vùng đất cát xã Quảng Thái. Được biết, gia đình ông Cường đã liên tục 6 năm trồng mướp đắng trái vụ. Cũng theo ông Cường cho biết, sau khi trồng trái vụ, gia đình sẽ tiếp tục trồng chính vụ và trồng hoa màu, các diện tích sẽ được trồng luân phiên quanh năm, nhờ vậy mức thu nhập được nâng lên, gia đình từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Từ hiệu quả trồng mướp đắng trái vụ của gia đình ông Văn Đức Cường, hiện nay ở thôn Tây Hoàng xã Quảng Thái đã có 30 hộ tham gia trồng mướp đắng. Không riêng gì Quảng Thái, hiện nay các xã Quảng Lợi, Quảng Thọ và thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền đã chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng mướp đắng trái vụ. Cùng thời điểm tại xã Quảng Thọ gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở thôn Phước Yên đã đưa vào trồng 1.000m2 mướp đắng trái vụ. Nhờ năm bắt quy trình kỹ thuật nên cây mướp đắng trái vụ của anh rất sái quả, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Hiện nay toàn huyện Quảng Điền đưa vào trồng 22 ha tập trung ở xã Quảng Thái. Theo nhiều người dân cho biết, thời điểm thu hoạch mướp đắng trái vụ diễn ra những ngày trước trong và sau tết, bình quân mỗi ha mướp đắng cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu/ha.

“Để mô hình trồng mướp đắng nói chung, cây mướp đắng trái vụ nói riêng trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương, huyện Quảng Điền đã có những chính sách phát triển trồng cây mướp đắng như phối hợp với trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng mướp đắng và phát triển diện tích trồng mướp đắng trái vụ lên trên 30 ha vào năm tiếp theo. Đặc biết, sẽ xây dựng thương hiệu cho cây mướp đắng để cây mướp đắng vươn ra trên thị trường” ông Hoàng Vọng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết.

Công Cường

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email