Nghiên cứu về địa chất nhân sinh

Địa chất nhân sinh là một giai đoạn trong lịch sử phát triển của vỏ Trái đất, gắn liền với lịch sử phát triển của loài người. Sự ra đời của loài người đã đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng của lịch sử phát triển Trái đất.

 

Theo tài liệu của các nhà khảo cổ học cho rằng, loài người có thể xuất hiện rất sớm, cách đây 5 triệu năm (Gromov 1969). Hoạt động của loài người gắn liền với địa chất Đệ tứ. Chính vì vậy, thuật ngữ địa chất Nhân sinh – Antropogen được ra đời. Antropogen xuất phát từ chữ Hy lạp có nghĩa là nguồn gốc từ con người, được Palop đề nghị năm 1922, để chỉ cho kỷ mới – kỷ Thứ 4 hay kỷ xuất hiện loài người, được sử dụng rộng rãi ở Liên Xô trước đây. Địa chất nhân sinh ra đời trong thời kỳ băng hà phát triển rất mạnh, nên một số nhà địa chất còn gọi là thời kỳ băng hà. Nó là một giai đoạn phát triển của Địa chất Đệ tứ, từ đó Địa chất Đệ tứ được tách ra thành một hệ trong thang địa tầng Quốc tế.

Trước năm 2000, Đệ Tứ là hệ trên cùng của Kainozoi. Năm 1932 Hiệp Hội Đệ tứ châu Âu đề nghị chia thành bốn thống: cổ (Eopleistocen), giữa (Mezopleistocen), mới (Neopleistocen) và hiện đại (Holocen). Sau đó trong quá trình đo vẽ bản đồ địa chất Đệ tứ (Q) người ta lại phân chia ra các thống: dưới, giữa, trên, hiện đại và các thời kỳ băng hà và tan băng. Năm 1963, Ủy ban Địa tầng của Nga đề nghị sử dụng, phân chia Đệ tứ dưới, giữa, trên và hiện đại. Sự phân chia đó bao gồm cả tầng băng hà và gian băng. Do đặc điểm thời gian địa chất Đệ tứ rất ngắn ngủi nên vào năm 2000, tại Hội nghị Địa chất Quốc tế Brazin, các nhà địa chất đã không để nó một hệ mà cho nó thành một thống thuộc thống Pliocen còn gọi là thống Đệ tứ hay thống Nhân sinh.

Hoạt động địa chất nhân sinh tức là hoạt động của con người vào môi truờng địa chất làm biến đổi môi trường xung quanh. Như chúng ta đã biết, ngay từ khi mới xuất hiện, con người đã tác động ngày càng tích cực vào tự nhiên. Mức độ tác động vào tự nhiên của con người ngày càng gia tăng tùy thuộc vào sự phát triển của xã hội loài người. Theo trình độ sử dụng các công cụ sản xuất, lịch sử loài người được chia thành các thời đại như sau: Thời đại đồ đá (đá cũ và đá mới), thời đại kim khí (gồm đồ đồng và đồ sắt), thời kỳ trung đại và thời kỳ hiện đại. Còn theo hình thức phát triển kinh tế, người ta chia ra 4 thời kỳ : thời kỳ săn bắt và hái lượm, thời kỳ nông nghiệp, thời kỳ công nghiệp và thời kỳ nguyên tử. Việc phân chia ra các thời kỳ như vậy không chỉ nói lên trình độ phát triển kinh tế – xã hội, mà còn cho thấy mức độ tác động vào môi trường tự nhiên của con người.

Theo quan điểm truyền thống, con người là một hợp phần thuộc sinh quyển. Cùng với sự tiến hóa và sự phát triển của mình, con người càng ngày càng chủ động đáng kể đến các thành tố thuộc các quyển môi trường. Trừ con người ra, tất cả các thành tố, các quá trình thuộc các quyển môi trường đều có mối liên kết, tác động qua lại lẫn nhau một cách vô thức và khách quan. Ngược lại, mọi hành vi và hoạt động của con người tác động đến các thành tố và các quá trình thuộc các quyển môi trường nói chung đều diễn ra một cách chủ quan và có ý thức. Hay nói cách khác con người hoàn toàn có thể điều khiển được các hành vi tác động của mình tới các thành tố và quá trình môi trường khác một cách chủ động và theo ý muốn của mình, phục vu cho các mục đich khác nhau của mình. Do vậy để rõ ràng hơn trong công tác nghiên cứu môi trường nhằm mục đích phục vụ hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển bền vững của con người, hoàn toàn có thể và rất nên tách con người và các hoạt động của con người thành một quyển môi trường riêng và được gọi là nhân sinh quyển. Con người đang ngày càng trở thành nhân tố chính hình thành các cảnh quan địa lí, tạo nên các cảnh quan nhân sinh hay cảnh quan văn hóa, qua sự biến đổi, cải tạo các thành phần tự nhiên và sự xây dựng các công trình nhân tạo mới như tiêu diệt một số loài thực vật và động vật, thuần dưỡng gia xúc, lai tạo các giống mới, phân bố lại tài nguyên nước qua tưới tiêu, thay đổi vi khí hậu, xây dựng thành phố, đường xá, cầu cống….Có thể nói ngày nay nhiều nơi không còn cảnh quan hoàn toàn tự nhiên hay nguyên sinh, mà chỉ là các cảnh quan nhân sinh ở những mức độ khác nhau.

Tác động của hoạt động địa chất nhân sinh là các tác động của con người vào môi trường địa chất làm biến đổi môi trường xung quanh. Tác động của con người có ảnh hưởng rất lớn đến các tai biến địa chất cũng như các tai biến thiên nhiên khác. Con người sinh sôi nảy nở và sự phát triển nhanh của cộng đồng dân cư trên thế giới. Mặt khác, với sự phát triển của khoa học công nghệ và tốc độ công nghiệp phát triển rất mạnh, tác động của hoạt động địa chất Nhân sinh ngày càng làm biến đổi mạnh đến môi trường xung quanh. Sự gia tăng tần suất và cường độ của các vụ tai biến trong thời gian gần đây là một phần là kết quả của sự can thiệp ngày càng gia tăng của con người vào tự nhiên. Một trong nhữg tác động của con người cóp ảnh hưởng lớn tới biến động môi trường ở quy mô toàn cầu là các hoạt kinh tế không hợp lý đã dẫn đến làm tăng quá mức hàm lượng các khí nhà kính đặc biệt là trong vòng khoảng một thế kỷ vừa qua. Kết quả là, khí hậu toàn cầu đang nóng lên do hiệu ứng nhà kính dẫn đến làm tăng ở hai cực và trên núi cao đang tan dần. Sự tan băng sẽ làm cho mực nước biển tăng lên làm ngập lụt các vùng đất thấp và gây tai biến về môi trường. Hơn nữa, mực nước biển dân cao sẽ dẫn đến gốc xâm thực cơ sở bị nâng lên, làm tăng độ dốc. Khi đó hoạt động xói lở bờ sẽ diễn ra để đạt tới một trắc diện cân bằng mới và làm biến đổi môi trường xung quanh. Do đó, việc nghiên cứu tác động của hoạt động địa chất nhân sinh đến môi trường, hay nói cách khác đây chính là vấn đề Địa chất môi trường.

Địa chất môi trường (ĐCMT) ở đây có sự hiện diện của hai cụm từ riêng biệt, đó là: cụm từ Địa chất và cụm từ môi trường. Hai cụm từ này là nói về khái niệm của hai loại vấn đề khác nhau, đó là: vấn đề địa chất và vấn đề môi trường.

Các vấn đề địa chất ở đây có thể là các hiện tượng địa chất (hiện tượng động đất, hiện tượng núi lửa phun, hiện tượng sụt lún đất, hiện tượng trượt đất…); các hoạt động địa chất nội sinh (kiến tạo, macma, động đất, núi lửa…); các hoạt động địa chất ngoại sinh (phong hóa, xâm thực, xói mòn, trầm tích…); các thực thể địa chất (vỉa, tầng, nếp uốn, đứt gãy, thân khoáng, mỏ khoáng…); các hoạt động địa chất nhân sinh (khai thác khoáng sản, nước ngầm, nhiên liệu khoáng, đất đá…). Các vấn đề này đều được phát sinh, tồn tại và phát triển của chúng được làm rõ bởi các bộ môn khoa học về địa chất.

Các vấn đề môi trường ở đây là tất cả những cái gì bao quanh và có mối quan hệ chặt chẽ với các vấn đề địa chất, bị tác động bởi các vấn đề địa chất và có tác động đến các vấn đề địa chất. Đó là những vấn đề khác ngoài vấn đề địa chất Thạch – Thổ quyển, Khí quyển, Thủy quyển, Sinh quyển… Các vấn đề môi trường đó được nghiên cứu bởi các bộ môn khoa học chuyên ngành tương ứng.

Trong khi đó, nội hàm của hai cụm từ được ghép chung lại với nhau là ĐCMT này lại hoàn toàn khác. Nó không phải là sự cộng lại của tất cả những nội dung trên. Bởi vậy, nội dung nghiên cứu ĐCMT chắc chắn cũng không phải là sự cộng lại của tất cả hai loại nội dung nêu trên.

Chúng ta đã biết rằng, sự phát sinh, tồn tại và phát triển của các vấn đề địa chất hết sức phụ thuộc vào các yếu tố môi trường xung quanh. Ngược lại, trong quá trình phát sinh, tồn tại và phát triển của mình, các vấn đề địa chất lại có những tác động đáng kể đến các yếu tố môi trường xung quanh. Nếu những tác động do các hiện tượng địa chất, các quá trình địa chất, các hoạt động địa chất, các thực thể địa chất… như nói ở trên gây ra mà không được khống chế thì có thể sẽ làm cho môi trường bị đảo trộn và thậm chí bị hủy hoại, và cuối cùng sẽ đe dọa đến sự sinh tồn của con người cũng như các hoạt động phát triển của con người trên Trái đất.

Những tác động của con người tác động vào thiên nhiên làm cho thiên nhiên bị biến đổi cả về lượng và chất. Thiên nhiên, hay nói cách khác, các quá trình địa chất bị biến đổi, bị thúc đẩy thay đổi lại tác động trực tiếp đến sự tồn tại, đến cuộc sống của con người. Môi trường sẽ bị thay đổi theo hướng tiêu cực cho cuộc sống của con người nếu như chúng ta không có giải pháp thích ứng, hoặc chúng ta không hoạt động theo hướng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên lãnh thổ và bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ đặt ra ở đây là phải làm rõ bản chất và mô tả được hình hài của các mối quan hệ giữa các vấn đề địa chất và vấn đề nhân sinh, để từ đó tìm ra được những giải pháp nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của cả hai loại vấn đề này. Đây cũng chính là xuất phát điểm, là cơ sở lý luận để tiến hành nghiên cứu về ĐCMT. Có thể nói rằng điểm then chốt trong nghiên cứu ĐCMT là xem xét tất cả các vấn đề địa chất dưới các góc độ khác nhau về môi trường và nhằm các mục đích về môi trường hay nói cách khác là nhằm các mục đích của con người. Với cơ sở lý luận như trên, có thể khái niệm về Địa chất môi trường là một lĩnh vực khoa học dựa trên những nguyên lý và tri thức đã biết về địa chất để nghiên cứu, xem xét các mối quan hệ, tương tác giữa các vấn đề địa chất thuộc Thạch – Thổ quyển với nhau và sự tác động của các vấn đề đó với các quyển môi trường khác nhằm mục đích khai thác hợp lý Thạch – Thổ quyển, bảo vệ Thạch – Thổ quyển nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung vì sự phát triển bền vững của con người.

TS. Bùi Thắng

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email