Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2015, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học – công nghệ; giáo dục và đào tạo. Bộ Chính trị đã thống nhất với chủ trương “Đại học Huế là Đại học Quốc gia”. Để xứng tầm với một “Đại học Quốc gia” cần phải có các Trung tâm khoa học, công nghệ có khả năng giải quyết tốt các vấn đề quốc gia và khu vực.
Với phương châm: “Lấy khoa học và công nghệ để phát triển các nghiên cứu có tính khả thi cao, giải quyết các vấn đề cho phát triển kinh tế xã hội, an toàn biển, hội nhập phát triển và thích ứng biến đổi khí hậu. Tích cực nâng dần tỷ trọng các đề tài triển khai, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho các cở sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục phát triển một số Viện, Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở Ươm tạo, chuyển giao công nghệ của Đại học Huế, từng bước xứng tầm với thời đại”.
Tiềm năng khoa học và công nghệ
Trong giai đoạn từ năm 1994 đến nay, cán bộ, giảng viên Đại học Huế đã chủ trì thực hiện 356 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 1.104 nhiệm vụ cấp Bộ, 123 nhiệm vụ cấp tỉnh và 6.380 nhiệm vụ cấp cơ sở. Bên cạnh những thành tích trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cả một chặng đường 20 năm qua của Đại học Huế, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn lớn:
Đại học Huế có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tốt và tiềm năng cho việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ NCKH và phát triển công nghệ. Nguồn nhân lực này sẽ mang đến những lợi ích không chỉ cho các hoạt động khoa học và công nghệ, mà còn cho giáo dục và đào tạo lâu dài. Với tỷ lệ cao giảng viên có trình độ sau đại học cao (1.552/2.026 chiếm tỷ lệ 76,6%), tiềm năng KH&CN của cán bộ và giảng viên Đại học Huế rất lớn, sẽ có nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị và tạo ra nhiều tài sản trí tuệ cho xã hội. Cộng thêm, chúng ta có khoảng 49.000 sinh viên chính quy và nhiều bậc đào tạo trên đại học là nguồn nhân lực lớn cho KH & CN và đặc biệt sự sáng tạo của tuổi trẻ.
Với cơ sở vật chất phục vụ không ngừng được hoàn thiện, hỗ trợ đắc lực cho việc tăng cường năng lực nghiên cứu thông qua chính sách đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm. Hiện nay, Đại học Huế có trên 50 phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác đào tạo và NCKH với nhiều trang thiết bị hiện đại, có thể giải quyết được những nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu…góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, phục vụ cho công tác đào tạo đại học và sau đại học, đồng thời xây dựng mô hình gắn kết NCKH phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, gắn chức năng NCKH của trường ĐH với các cơ sở SX kinh doanh trên địa bàn. Có chính sách cụ thể hỗ trợ cho các đề tài có thể triển khai ứng dụng và tạo ra sản phẩm. Bước đầu xây dựng thị trường KH & CN nhằm tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn giữa 3 bên: Quản lý-NCKH-Doanh nghiệp. Bước đầu triển khai hình thành các trung tâm nghiên cứu và dịch vụ theo hướng hình thành các Viện và Doanh nghiệp trong trường ại học: Viện Tài nguyên Môi trường và ọong nghệ Sinh học (Đại học Huế); Trung tâm Nghiên cứu Y học lâm sàng (Trường Đại học Y-Dược); Trung tâm NCKH và Phát triển công nghệ Nông Lâm Nghiệp, Trung tâm Tin học ứng dụng Nông nghiệp (Trường Đại học Nông Lâm).
Thách thức và khó khăn
Đổi mới các hoạt động khoa học công nghệ của quốc gia vừa là cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức, đó là các nghiên cứu và sản phẩm nghiên cứu được xã hội quan tâm hay không? Khả năng thương mại các sản phẩm đó như thế nào?. Việc đăng kí các tài sản trí tuệ (TSTT) và phát huy các giá trị đó vào thực tiễn để khẳng định hay xác lập quyền sở hữu hoặc sở hữu hợp pháp là cần thiết cho các nghiên cứu bao gồm cả xuất bản thông tin (bài báo xuất bản hay khoá luận, luận văn, luận án), kết quả đào tạo… Tất cả đều tuân thủ theo các quy chế hay luật định. Các nghiên cứu cơ bản cần phải khám phá các vấn đề mới có tính thời đại và kết quả phải đăng tải ở những tạp chí khoa học, có IP cao hơn 1.00. Ngoài ra, nghiên cứu cơ bản là cơ sở và mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo. Nghiên cứu cần tổ chức theo dạng kết hợp nhiều ngành, lĩnh vực để giải quyết các vấn đề chung của xã hội nhưng cần có các hợp phần để giải quyết các vấn đề cụ thể với các thành phần khác nhau.
Hội nhập kinh tế với các cơ chế hợp tác Á-Âu (ASEM); Thành viên WTO; ký kết BTA với Mỹ; các FTA song phương; đang đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các đăng ký ISO cho các doanh nghiệp đang đòi hỏi, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho chúng ta trong việc đề xuất các nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, sự cạnh tranh trong nghiên cứu ngày càng gay gắt và đòi hỏi cao.
Trong 5 năm qua, có thể nói các sản phẩm đã được giải thưởng KHCN và đăng ký sở hữu trí tuệ, song thiếu các hành lang pháp lý để sản phẩm nhanh chóng phục vụ cho phát triển sản xuất như Glucosamine, Bokashi trầu, Nano-Ag, nhóm các loại nấm, kể cả các sản phẩm có khả năng làm dược liệu hay các thuốc có nguồn gốc từ thực vật cho điều trị bệnh… đều gặp trở ngại khi thương mại hóa. Sự lựa chọn khá gắt gao và có chọn lọc của người sản xuất, đời sống đối với các sản phẩm và các loại dược liệu có trên thị trường, đặc biệt yêu cầu có hiệu quả khi sử dụng là vấn đề cần được quan tâm và phản hồi đến các nhà nghiên cứu. Môi trường kinh doanh khoa học và sự cạnh tranh bằng các loại sản phẩm có tính chất kích thích hiệu quả về sinh trưởng, tăng trọng và màu sắc đã làm cho người tiêu dùng hấp dẫn sử dụng từ các doanh nghiệp chế biến thức ăn, chế phẩm… Cạnh tranh về giá thành sản phẩm của các công ty nước ngoài cũng lấn át cả các sản phẩm quốc nội, gây nên tâm lý thích dùng của ngoại ở người tiêu dùng và người sản xuất. Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế khác: Năng lực và cạnh tranh trong đấu thầu và đăng ký các nhiệm vụ KHCN. Thiếu chức năng nhiệm vụ và thiếu các phòng thí nghiệm có tính pháp lý cho đấu thầu và tham gia kiểm nghiệm, hành nghề đúng luật. Thiếu cán bộ và chuyên gia chuyên nghiệp theo các lĩnh vực chuyên sâu. Hành lang, pháp lý để tăng khả năng tiếp cận các cơ hội nghiên cứu KHCN…
Một số giải pháp phát triển khoa học và công nghệ ở Đại học Huế
Trong những năm tới, Đại học Huế cần tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu đa ngành đủ mạnh để gắn kết với các cơ sở hay các doanh nghiệp phát triển và giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra của xã hội. Tích cực đề xuất các nghiên cứu có sự phối hợp giữa nông lâm ngư, sức khoẻ cộng đồng và an toàn thực phẩm; phát huy bản sắc văn hoá dân tộc vùng ven biển để bảo vệ vùng lãnh hải, phát triển kinh tế và xây dựng an toàn biển. Bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường thích ứng vùng biển và đồi núi thích ứng biến đổi khí hậu. Mỗi năm có ít nhất 01 chương trình KH & CN cấp Bộ để giải quyết các vấn đề chung cho vùng miền. Có từ 10-15 nhiệm vụ khoa học cấp bộ; 2-3 đề tài/dự án cấp nhà nước và 02 đề tài liên kết các bộ khác. Tạo lập và xây dựng môi trường gắn kết giữa khoa học và công nghệ của Đại học Huế và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, trước hết tập trung nguồn nhân lực cùng với các địa phương thiết kế các nghiên cứu, phát triển các công nghệ phục vụ cho phát triển kinh của các doanh nghiệp, đầu tư nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh; Tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu – phát triển và thiết kế thử nghiệm của các doanh nghiệp có tầm quan trọng đối với nền kinh tế của các địa phương. Bênh cạnh đó, Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý khoa học và công nghệ, tạo lập thị trường công nghệ. Chủ động đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý Khoa học và Công nghệ bao gồm: đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ chế xây dựng các nhiệm vụ và tổ chức xét duyệt các nhiệm vụ. Ưu tiên các nhiệm vụ tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ trực quan và các tài sản trí tuệ có tiềm năng. Tổ chức triển lãm và trưng bày các sản phẩm KH & CN, trao đổi và hình thành thị trường, mà trước hết là trao đổi và chuyển giao các “Công nghệ và thiết bị” “các quy trình sản xuất, đào tạo, văn hoá xã hội và phát triển cộng đồng”; hình thành cơ chế vận hành thị trường công nghệ. Từng bước hình thành cơ quan tư vấn thị trường công nghệ, đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ, sỡ hữu trí tuệ, thẩm định các dự án và hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập với các cá nhân, tổ chức có công nghệ và địa phương hay doanh nghiệp, tư nhân có nhu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thông qua việc áp dụng chế độ khuyến khích và khen thưởng các nhà nghiên cứu, áp dụng chế độ biên chế linh hoạt để phát triển nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện quản lý Khoa học và Công nghệ bằng pháp luật, chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Đại học Huế; bằng phân bố các nguồn lực theo kế hoạch đầu tư, theo hợp đồng thông qua đấu thầu; bằng tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Thay đổi cơ chế tài chính cho hoạt động Khoa học và Công nghệ, xây dựng cơ chế xây dựng và triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ, Thay đổi cách thức quản lý Khoa học và Công nghệ. Đa dạng hóa nguồn kinh phí cho các hoạt động Khoa học và Công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động Khoa học và Công nghệ; Thành lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, hoạt động theo nguyên tắc tài trợ cho các tài sản trí tuệ có giá trị, đầu tư tiếp cho ra sản phẩm KH & CN và phát triển đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau, huy động sự đồng hành của doanh nghiệp và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Quang Linh