Một số đặc điểm về thổ nhưỡng và thảm thực vật ở lưu vực sông Hương tỉnh Thừa Thiên Huế

Về thổ nhưỡng, đất đai ở khu vực sông Hương phân bố trên địa hình phức tạp với nhiều loại đá mẹ khác nhau. Đất rất đa dạng, phong phú, gồm các nhóm đất khác nhau.

 

Nhóm đất phù sa phân bố chủ yếu ở địa hình vùng thấp trũng và ven các con sông. Hiện nay loại đất này được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng khác nhau mà trong đó chủ yếu là lúa và các loại cây hoa màu.

Nhóm đất đỏ vàng phát triển trên sản phẩm phong hóa của đá phiến sét, đá granit…phân bố rộng khắp toàn tỉnh, đặc biệt là ở khu vực đồi núi. Phần lớn các loại đất thuộc nhóm này đều chua, khả năng hấp thụ không cao nên độ no bazơ thấp và quá trình tích lũy sắt nhôm tương đối cao do rữa trôi mạnh kim loại kiềm và kiềm thổ.

Nhóm đất dốc tụ chủ yếu là loại đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ, phân bố ở địa hình trũng, đây là sản phẩm tích tụ của quá trình rửa trôi bề mặt. Trên loại đất này rất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa cho năng suất cao.

Nhóm đất mùn vàng đỏ trên đá magma axit chủ yếu là đất mùn vàng đỏ trên đá granit, phân bố trên các đỉnh núi cao thuộc dãy Bạch Mã. Loại đất này ở trên núi nên tỷ lệ mùn khá cao nhưng do độ dốc lớn nên ít có khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp, chỉ có thể phát triển các loại cây bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn nước.

Đất xói mòn trơ sỏi đá phân bố chủ yếu trên đất có độ dốc nhỏ hơn 25 độ, lớp mùn mỏng, lẫn nhiều đá. Đây là kết quả của sự xói mòn, là hậu quả của nạn phá rừng và canh tác không đúng kỹ thuật. Diện tích này cần được phủ xanh bởi các chương trình phát triển lâm nghiệp.

Về thảm thực vật, với đặc diểm khí hậu mang tính chất chuyển tiếp giữa hai miền Nam – Bắc, nên thực vật ở đây rất phong phú. Khu vực này là nơi giao lưu giữa hai luồng thực vật từ phía bắc xuống và từ phía nam lên.

Luồng thực vật từ phía bắc xuống gồm những loài thuộc các họ đậu, họ Dẻ, họ Re, họ Trầm…còn luồng thực vật từ phía nam lên phần lớn là những loài thuộc họ Dầu như: Kiền Kiền, Chò đen, Dầu đọt tím phân bố ở độ cao từ 200 – 800 m.

Thảm thực vật tự nhiên gồm: rừng kín thường xanh á nhiệt đới phân bố trên độ cao >750 m ở dãy núi Bạch Mã, Hải vân. Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới phân bố ở độ cao <750 m.

Thảm thực vật nhân tạo gồm: rừng trồng nằm rãi rác ở khu vực đồng bằng và đồi, diện tích rừng này có được là nhờ công tác phủ xanh đồi núi trọc trong những năm gần đây. Lương thực gồm hai loại cây lúa nước và hoa màu. Trong đó hoa màu với các loại cây như: ngô, khoai và sắn; còn cây lúa nước được phân bố đều khắp ở đồng bằng và là loại cây trồng chiếm diện tích lớn nhất trong thảm thực vật nhân tạo. Vườn tạp gồm chủ yếu là rau các loại, đậu, dưa, ớt, cây ăn quả… phân bố trong vườn nhà và khu vực lân cận dọc theo hai bên bờ sông, các đường quốc lộ và tỉnh lộ.

 

Bùi Thắng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email