Hiện nay đã có rất nhiều bệnh nhân mắc phải những chứng bệnh lây qua đường tiêu hóa, nhưng không hẳn tất cả mọi người đều biết nguyên nhân và cách phòng tránh chúng.Theo các cụ ngày xưa thường nói “Bệnh từ miệng vào”, với mục đích chính là nhắc nhở mọi người có ý thức hơn trong việc phòng ngừa các bệnh có liên quan đến ăn uống, các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Chính vì thế, chúng ta cần biết có thể tự mình chủ động phòng tránh những tác hại của bệnh lý gây ra.
Một số bệnh lây qua đường tiêu hóa thường gặp
Bệnh giun sán
Bệnh giun sán (70 – 80%), nhiều vùng lên tới 100% (chủ yếu là giun đũa, sán dây lợn, dây bò) nhiều người mắc không cảm thấy mình bị bệnh nên không chú ý tới việc phòng và chữa bệnh. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt kém vệ sinh, thực phẩm ô nhiễm mầm bệnh là nguyên nhân chính gây bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Bệnh tiêu chảy
Đây là một bệnh lý thường gặp vào mùa hè với nguyên nhân chính là do ruồi nhặng và việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các nguyên nhân nhiễm khuẩn đường ruột do các loại Rotavirus, do trực khuẩn E.coli, do các trực khuẩn lỵ, shigella, các phẩy khuẩn tả, những trực khuẩn thương hàn thường gặp. Hoặc do bị viêm nhiễm ngoài ruột như viêm mũi họng hoặc có thể là bị viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị mắc bệnh sởi hay ho gà. Biểu hiện của bệnh được thống kê lại như sau: Số lần đi đại tiện từ 3 lần/ngày trở lên, tuy nhiên đối với trẻ sơ sinh chưa cai sữa thì sẽ là trên 5 lần/ngày. Với những biểu hiện thường gặp khác đó là bị đi ngoài sống phân, sền sệt, lỏng hoặc toàn nước, đôi khi lẫn máu, màng nhầy như đờm.
Bệnh tả
Trong số những bệnh lây qua đường tiêu hóa thường gặp thì bệnh tả là một bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính rất nguy hiểm dễ lây lan qua đường tiêu hóa và rất dễ phát triển thành đại dịch. Biểu hiện đi đại tiện liên tục, từ 20 đến 50 lần/ ngày, phân có mùi tanh rất khó chịu, có khi lại là toàn nước hay phân trắng đục như nước vo gạo. Bệnh nhân không may mắc phải bệnh này rất dễ bị sốc do bị mất quá nhiều mất nước và điện giải. Do đó, cần có những kiến thức để có thể cấp cứu kịp thời.
Bệnh lỵ trực khuẩn
Bệnh lỵ trực khuẩn là một bệnh lý nhiễm trùng cấp tính đường tiêu hoá, chủ yếu gây ra những tổn thương ở vùng ruột già. Nguyên nhân chính gây nên bệnh là do vi khuẩn Shigella thuộc họ Enterobacteriacae – loại vi khuẩn gram âm gây nên. Bệnh lý này thường sẽ có những dấu hiệu liên quan đến nguồn thực phẩm và nguồn nước mà người bệnh đã sử dụng. Những biểu hiện thường gặp của bệnh đó là: sốt cao, đi tiêu phân lỏng hoặc bị nhầy máu, đi đại tiện nhiều lần, số lần có thể lên tới từ 20-30 lần/ngày, kèm theo đó là mót rặn, đau quặn bụng dọc theo khung đại tràng.
Bệnh lỵ Amip
Vệ sinh an toàn trong ăn uống của chúng ta là vô cùng quan trọng, nếu bạn ăn uống không đảm bảo vệ sinh thì sẽ rất dễ mắc phải bệnh lỵ Amip gây rất nhiều nguy hiểm. Nguyên nhân gây bệnh lỵ Amip là do các ký sinh trùng Entamoeba histolytica. Những triệu chứng của người mắc bệnh này là xuất hiện những cơn mót rặn khi đi đại tiện, bị đau quặn bụng, đi đại tiện ra các chất nhầy lẫn máu.
Bệnh thương hàn
Đây là bệnh nhiễm trùng, gây nhiễm độc toàn thân, bệnh thường lây qua đường tiêu hoá do trực khuẩn Salmonella gây nên. Với những triệu chứng kèm theo của những người mắc bệnh này đó là bị sốt cao kéo dài, bụng đau quặn và đi đại tiện nhiều lần trong cùng 1 ngày.
Khi phát hiện bệnh, cần phải được đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu không kịp thời sẽ rất dễ bị thủng dạ dày và gây nên các biến chứng xấu về xuất huyết tiêu hóa.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường tiêu hóa
Giữ vệ sinh trong ăn uống
Để phòng một số bệnh lây qua đường tiêu hóa thì bạn cần giữ vệ sinh chung trong ăn uống. Xây dựng cho bản thân và gia đình một chế độ ăn uống khoa học và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế như ăn chín uống sôi, rau quả tươi cần sửa sạch sẽ,…Không ăn các loại thức ăn đã bị ôi, thiu, chưa chín; không ăn các loại cá sống, thịt sống; không uống nước lã. Sử dụng nguồn thực phẩm có xuất xứ rõ ràng về nguồn gốc và đạt chất lượng đảm bảo an toàn. Sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống và sinh hoạt.
Thường xuyên rửa tay bằng xà bông với nước sạch, thực hiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Giữ vệ sinh môi trường
Bên cạnh đó, giữ môi trường xung quanh của chúng ta luôn sạch sẽ, thoáng mát là những biện pháp tích cực giúp ngăn ngừa căn bệnh này.
Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh
Cách để phòng ngừa bệnh lây qua đường tiêu hóa đơn giản nhất chính là việc bạn: lựa chọn cho mình các loại thực phẩm giúp bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất, chất dinh dưỡng tự nhiên có nhiều ở rau củ quả. Bên cạnh đó cần có những hạn chế các loại thịt đỏ, tránh các loại thức ăn công nghiệp, tránh các chất có nhiều hóa chất và đường tinh luyện như: những đồ thức ăn nhanh, thức ăn được chế biến sẵn có chứa nhiều dầu. Hạn chế sử dụng đồ ăn đóng hộp, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm để đông lạnh quá lâu, chế biến mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm,…
TS.BS. NGUYỄN ĐỨC HOÀNG