Tác giả: Khánh Phong
Sáng ngày 23/11, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã diễn ra Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế”.
Đến dự có bà Phạm Thị Minh Huệ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Phan Thiên Định, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế; bà Nguyễn Thị Ái Vân, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; ông Phan Quý Phương, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành, các huyện, thị xã và thành phố Huế, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế, may đo áo dài ở Huế và một số địa phương trong nước.
Ngày 09/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Tri thức may, mặc áo dài Huế”. Hôm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức sự kiện đón nhận danh hiệu cao quý này.
Tại buổi lễ, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã giới thiệu về lịch sử áo dài. Sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa – giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở những vùng miền khác.
Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.
Không gian trưng bày Áo dài trong ngày đón nhận danh hiệu
Ở Huế, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô. Đó còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của người phụ nữ Huế.
Các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung tại các vùng Gia Hội – Chợ Dinh, Kim Long, Vỹ Dạ, Phủ Cam hoặc trên các tuyến phố Mai Thúc Loan, Lê Huân, Đặng Thái Thân, Đinh Tiên Hoàng. Đây là những vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế.
Ngày nay, truyền thống may, mặc áo dài được nâng lên, tô điểm thêm bởi những nhà thiết kế, nhà may áo dài Huế nổi tiếng. Các khâu kỹ thuật cắt, may, luồn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.
Huế tự hào là địa phương đầu tiên của Việt Nam tổ chức một lễ hội để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài trong kỳ Festival Huế 2002. Từ đó đến nay, liên tục và đều đặn các lễ hội áo dài được tổ chức không chỉ trong các kỳ Festival. Cũng nhờ vậy, công chúng biết đến vẻ đẹp của áo dài nhiều hơn. Áo dài Huế là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hóa để phục vụ du lịch.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đề án “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam” theo quyết định của UBND tỉnh, đây là cơ sở pháp lý cho việc triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế – Kinh đô áo dài. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của Áo dài trong cuộc sống hiện tại. Đồng thời sẽ tiến hành xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Thiết kế, may đo áo dài vừa là một ngành nghề thủ công lại vừa là một ngành thiết kế sáng tạo đặc biệt, tạo nên những sản phẩm ấn tượng và có tính phổ biến rất cao. Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.