Tác giả: TS. Phan Thanh Hải
1.Quá trình ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây đối với kiến trúc cung đình Huế
Quần thể kiến trúc cung đình Huế hiện còn được bảo tồn ở cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện nay chủ yếu đều là kiến trúc thời Nguyễn (1802-1945), ngày 11 tháng 12.1993, quần thể kiến trúc này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Kiến trúc cung đình Huế vừa mang bản sắc văn hóa kiến trúc truyền thống Việt Nam, vừa có những đặc điểm chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây, đặc biệt là một số công trình kiến trúc được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Vua Gia Long (1802-1820) là vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn. Trong công cuộc phục quốc và thống nhất đất nước cuối thế kỷ XIX, ông đã tiếp cận và dựa vào thế lực quân sự của người Pháp để đánh bại đối thủ (triều đại Nguyễn Tây Sơn, 1788-1801). Chính vì vậy, ông là người hiểu biết khá sâu sắc về sức mạnh quân sự của phương Tây, bao gồm cả các loại vũ khí, thuyền chiến, thành trì… Cũng chính vua Gia Long là người cho áp dụng kiểu thành quân sự Vauban của phương Tây vào việc xây dựng Kinh thành Huế (khởi công vào năm 1805, hoàn thành năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng).
Kinh thành Huế được xây bằng gạch đá và đắp đất ở bên trong, bình diện gần như hình vuông, mỗi cạnh hơn 2,2km, chu vi 10km, có 24 pháo đài chia đều ở 4 mặt, trên thành có tường bắn, pháo nhãn để đặt đại bác phòng ngự, ngoài có thành giai, hộ thành hào, phòng lộ, hộ thành hà bao quanh. Kiến trúc Kinh thành Huế thể hiện đặc điểm kiến trúc thành Vauban rất rõ.
Tuy nhiên, từ đó cho đến cuối thế kỷ XIX, kiến trúc cung đình Huế vẫn chủ yếu mang bản sắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, ít chịu ảnh hưởng kiến trúc phương Tây.
Tháng 7 năm 1885, quân đội Pháp chiếm trọn kinh đô Huế sau khi cuộc phản công của triều đình Nguyễn do phe chủ chiến khởi xướng thất bại. Người Pháp đưa vua Đồng Khánh, một vị vua trẻ có xu hướng thân phương Tây lên làm vua. Vua Đồng Khánh trị vị được gần 4 năm (1885-1888), từ thời điểm này trở đi đến thời các vua Thành Thái (1889-1906) và Duy Tân (1907-1915), do ảnh hưởng của người Pháp và văn minh phương Tây, một số công trình kiến trúc được tái thiết hay xây dựng mới đã bắt đầu sử dụng vật liệu nhập khẩu từ phương Tây, đặc biệt là những công trình do người Pháp xây dựng theo phong cách kiến trúc thuộc địa ở bờ nam sông Hương, đối diện với kinh thành Huế như khách sạn Morin, cầu Trường Tiền, nhà Ga xe lửa Huế, trường Quốc học… Công trình đầu tiên của kiến trúc cung đình chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc thuộc địa là Cơ Mật Viện, xây dựng năm 1903, sau đó là phủ Phụ Chính (1906-1907)…
Tuy nhiên, phải từ thời vua Khải Định (1916-1925) và sau đó là Bảo Đại (1926-1945), các công trình sử dụng vật liệu mới và chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc phương Tây mới trở nên phổ biến. Vua Khải Định là vị hoàng đế đầu tiên sử dụng vật liệu xây dựng nhập khẩu từ phương Tây như xi măng, sắt thép, đĩa bát gốm sứ phương Tây vào xây dựng lăng mộ của Vua cha (tức vua Đồng Khánh) và ông nội (Kiên Thái Vương). Ông cũng dùng vật liệu mới để xây dựng các công trình kiến trúc bên trong Hoàng cung như cửa Chương Đức (1921), cửa Hiển Nhơn (1923), cửa Trường An (1921), lầu Kiến Trung (1921-1923). Đặc biệt, từ năm 1917-1918, ông còn cho xây dựng một biệt cung riêng ở bờ nam sông Hương, bên bờ sông An Cựu (một chi lưu của sông Hương), đó là cung An Định, mang phong cách của một lâu đài kiểu châu Âu. Thời vua Bảo Đại thì chủ yếu là trùng tu, củng cố các công trình kiến trúc do vua Khải Định để lại.
Như vậy, kiến trúc phương Tây đã có ảnh hưởng đến kiến trúc cung đình thời Nguyễn ở Huế từ đầu thế kỷ XIX, nhưng mới chủ yếu là kiểu xây thành quân sự, phải từ đầu thế kỷ XX, kiến trúc phương Tây mới ảnh hưởng sâu sắc vào kiến trúc cung đình Huế.
2.Một số công trình kiến trúc cung đình chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc phương Tây ở Huế
– Cơ Mật Viện:
Được vua Thành Thái cho xây dựng vào năm 1903 trên nền cũ của chùa Giác Hoàng (là 1 trong 4 ngôi quốc tự của thời Nguyễn), ở phía đông Hoàng thành, làm nơi hội họp, bàn tính công việc cho Hội đồng cơ mật của triều Nguyễn. Công trình cao 2 tầng, tầng dưới 1 gian 2 chái, tầng trên 1 gian, tường xây gạch thay cho bộ khung gỗ của kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói âm dương, nóc mái vẫn trang trí các con giống theo phong cách truyền thống. Về sau, ở 2 bên phía trước, triều đình cho xây dựng thêm 2 ngôi nhà dài, cũng xây tường gạch, mái lợp ngói liệt, phía trước có bình phong, cổng tam quan xây gạch, trang trí kiểu truyền thống, đặc biệt là bình phong trang trí tứ linh (long, lân, quy, phụng), ghép sành sứ rất độc đáo. Tòa chính Cơ Mật Viện sau năm 1945 có cải tạo, mở rộng không gian tầng hai, tuy nhiên về cơ bản vẫn bảo tồn phong cách kiến trúc kiểu thuộc địa.
– Phủ phụ chính:
Cũng nằm phía đông Hoàng thành, phía trước Lục bộ đường. Công trình được xây dựng khoảng cuối thời Thành Thái đến đầu thời Duy Tân (khoảng từ 1906-1907), toàn bộ phần móng, tường xây bằng gạch, kể cả tường ngăn, mái lợp ngói liệt, phong cách kiểu kiến trúc thuộc địa. Đây là nơi làm việc của Hội đồng Cơ mật, sau là nơi làm việc của quan Phụ chính đại thần thời Duy Tân.
– Khâm Thiên Giám:
Nằm ở phía nam phủ Phụ Chính, được xây dựng vào năm 1918 thời vua Khải Định. Công trình có kiểu kiến trúc pha trộn giữa phong cách truyền thống Huế và kiểu thuộc địa, kiểu nhà 3 gian, vẫn sử dụng bộ khung gỗ nhưng xây tường gạch chịu lực, mái lợp ngói liệt, nóc mái trang trí các con giống truyền thống. Đây là nơi làm việc của các quan thuộc nha Khâm Thiên Giám cho đến năm 1945.
– Cửa Chương Đức:
Đây là cửa phía tây của Hoàng thành Huế, vốn được xây dựng bằng gỗ kiểu tam quan từ năm 1804. Năm 1921, vua Khải Định cho triệt giải, xây lại 1 tam quan 3 tầng theo kiểu hoàn toàn mới. Vật liệu xây là gạch vồ, đắp mảnh sành sứ với các hình trang trí theo các mô típ truyền thống Việt Nam như tứ linh, tứ quý, tứ thời, bát bửu…
– Cửa Hiển Nhơn:
Là cửa phía đông của Hoàng thành, ban đầu cũng xây dựng kiểu tam quan gỗ như cửa Chương Đức. Năm 1923, vua Khải Định cho triệt giải tam quan gỗ và cho xây dựng một chiếc cổng tam quan 3 tầng tương tự như của Chương Đức.
– Cửa Trường An:
Là cửa chính của cung Trường Sanh, cung điện nằm ở góc tây bắc trong Hoàng thành, làm nơi ăn ở sinh hoạt cho Thái thoàng thái hậu (bà nội vua). Cửa được xây dựng vào năm 1923, theo lối tam quan, 3 tầng, vật liệu xây bằng gạch vồ, đắp vữa trang trí sành sứ các mô típ truyền thống. Đây là một trong các tam quan xây dựng theo kiểu mới và có giá trị cao về mỹ thuật.
– Lầu Kiến Trung:
Đây là công trình kiến trúc có quy mô lớn, được xây dựng ngay trên trục Dũng đạo của Kinh thành Huế, điểm cuối của Tử Cấm Thành. Vốn xưa vị trí này triều Nguyễn xây dựng một tòa lầu 3 tầng khung gỗ, gọi là lầu Minh Viễn, đến cuối thế kỷ XIX, lầu bị triệt giải. Thời Duy Tân, triều Nguyễn cho dựng 1 ngôi lầu 2 tầng, gọi là lầu Du Cửu. Nhưng đầu thời Khải Định, nhà vua lại cho triệt giải để xây dựng lầu Kiến Trung bằng vật liệu và kiểu thức mới. Đây là công trình xây dựng theo phong cách kiến trúc thuộc địa, vật liệu sử dụng là đá, gạch vồ, các loại gạch hoa của Pháp, lợp ngói ác đoa, nhưng trang trí các mô típ truyền thống Huế. Mặt nền công trình rộng hơn 930 m2…
– Lăng Khải Định:
Tên chữ là Ứng lăng, được vua Khải Định cho xây dựng từ tháng 9/1920, đến năm 1931 mới hoàn thành. Lăng có bình diện 117m x 45,5m, nằm trên một ngọn núi, cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía nam. Cấu trúc lăng khác hẳn các lăng tẩm hoàng đế triều Nguyễn trước đó (vốn có diện tích không gian rất rộng, công trình kiến trúc xây bằng gạch ngói, gỗ), vật liệu xây dựng cũng chủ yếu nhập từ châu Âu về, bao gồm cả gạch lát nền, ngói lợp, xi măng… Nhìn trên tổng thể, Ứng lăng trông giống một tòa lâu đài châu Âu giữa một vùng núi đồi hùng vĩ.
Các công trình kiến trúc trong lăng từ cổng, hàng rào, tả hữu trực phòng, nhà bia cho đến điện thờ chính là cung Thiên Định đều mang phong cách hiện đại kiểu châu Âu. Tuy nhiên, các mô típ trang trí trên thân, mái các công trình chủ yếu vẫn sử dụng các mô típ trang trí truyền thống Huế.
Lăng Khải Định là một công trình có giá trị cao về kiến trúc, mỹ thuật,
3. Cung An Định- một lâu đài phương tây ở kinh đô Huế
Tổng giám đốc Unesco thăm cung An Định
Di tích kiến trúc nghệ thuật cung An Định tọa lạc tại số nhà 97 đường Phan Đình Phùng, tổ 21 khu vực 3, phường Vĩnh Lợi, thành phố Huế, ở tọa độ kinh tuyến 107035’22”, vĩ tuyến 10026′. Công trình được xây dựng vào năm Đinh Tỵ (1917), hoàn thành sau hơn 1 năm. Nguyên vào năm 1902, Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định sau này) khi lập ra phủ riêng bên bờ sông An Cựu đã đặt tên cho phủ của mình là AN ĐỊNH. Đến năm 1917 trên cơ sở của nền móng phủ cũ, vua cho xây dựng lại mới thành cung khang trang to đẹp hơn, theo kiểu kiến trúc tân kỳ vững chãi nhưng vẫn giữ tên cũ.
Cung An Định được xây dựng trên khu đất có diện tích là 23.463,15m2, quay mặt về hướng Nam, phía trước có con sông đào Lợi Nông (tức sông An Cựu). Bốn phía của khu đất này được bao bọc bởi hệ thống tường thành xây gạch cao 1,8m, dày 0,50m, bên trên có hàng rào chấn song sắt. Từ ngoài vào trong theo trục Nam Bắc, toàn bộ cung (trước năm 1945) có các công trình kiến trúc được bố trí xây dựng theo thứ tự sau:
- Bến thuyền
- Cửa Cung
- Trung Lập Đình, sân trước và bồn hoa
- Khải Tường Lâu
- Cửu Tư Đài
- Nhà ngang
- Chuồng thú, hồ nước và vườn cung
- Cổng hậu
Trải qua bao biến đổi thăng trầm của thế sự, nay còn lại các công trình đáng chú ý là:
- Cửa cung
- Trung Lập Đình
- Khải Tường Lâu
– Lầu Khải Tường
Đây là công trình kiến trúc chủ yếu và quan trọng nhất của cung An Định. Lầu gồm có 3 tầng, chiếm diện tích là 745m2, thể hiện rõ lối kiến trúc lâu đài mô phỏng theo kiểu châu Âu. Vật liệu xây dựng chủ yếu là vôi vữa, xi măng, sắt thép, mái lợp ngói liệt, nền lát gạch hoa, tường dày 0,40m và được thực hiện bằng phương pháp kỹ thuật xây dựng mới tường, dầm chịu lực và cấu trúc bê tông. Vật liệu gỗ truyền thống sử dụng hạn chế, chỉ còn dùng làm cửa lớn, cửa sổ hoặc trang trí đóng viền cho các bức tranh, làm cầu thang lên xuống hay giá đỡ. Cửa ra vào và cửa sổ (trừ cửa giả); đều có 2 lớp; cửa gỗ ở ngoài và cửa chớp bằng gỗ và kính ở trong. Bộ phận phía trên các cửa có hình vòm cung đắp nổi hoa lá hình hổ phù cách điệu, có khi chỉ là hình tròn có hoa lá vây quanh. Toàn bộ tòa nhà có 2 hệ thống đường ống thoát nước nổi và ngầm từ tầng 3 xuống, thông với hệ thống thoát nước ngầm dưới mặt đất, chảy ra hầm chứa nước nằm ở sau vườn cung.
Nội thất tầng 1 có 7 phòng. Nổi bật ở phòng chính (sảnh đường) là 6 bức tranh trang trí đồ họa trên các mảng tường. Những tranh bích họa này được vẽ trực tiếp bằng sơn dầu lên mặt tường trát xi măng có khung gỗ chạm khắc hoa mai, lá sen cách điệu thếp vàng khổ 1,80m x 1,10m và 1,60m x 1,40m.
Tầng 2: Bên ngoài mặt trước có ban công, 1 cửa chính ra vào và 8 cửa sổ. Tầng 2 có 8 phòng thông với nhau bằng nhiều cửa và hành lang được dùng làm nơi ở. Phía sau có 1 sân thượng nhìn ra vườn cung.
Tầng 3: Mặt ngoài chính giữa là bình phong đắp nổi 6 cột tròn (4 cột có chân đỡ), hình mặt trời có tia sáng bao quanh 2 bên là 2 bình hoa. Kế đến là 4 cột, mỗi bên phía trên cột có 4 bầu rượu cách điệu. Mặt bên trong bình phong nơi có hành lang lại được trang trí theo một phong cách khác như một tấm bia thế kỷ XIX. Trán bia hình bán nguyệt cao 1m, ngang 2,50m khảm hình hổ phù và dòng chữ Hán: “Cung quy tổng xuất ngự chế” (Khuôn khổ cung và tiền bỏ ra xây dựng chung do vua làm). Bình phong chiều cao đo được 1,75m, bề ngang 3m, có 2 đường diềm khảm sứ hoa văn cách điệu. Lòng bình phong đắp nổi chữ Hán bài: “Ngự chế An Định Cung dẫn” (xem phần Phụ lục). Lầu 3 có 3 phòng chính và 4 phòng nhỏ ở 2 phía đầu hồi. Phía sau có sân thượng nhìn ra vườn Cung.
Các công trình khác
-Nhà hát Cửu Tư Đài:
Nguyên đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, có bình diện tới 50m x 22,3m, nằm ngay phía sau lầu Khải Tường. Cũng như ngôi lầu trước đó, công trình này được xây dựng theo phong cách Tân-Cổ điển với các hình thức trang trí rất công phu. Cửu Tư Đài là nơi tổ chức các cuộc vui chơi, xem biểu diễn nghệ thuật của gia đình vua Khải Định. Đáng tiếc là công trình này đã bị phá hủy hoàn toàn vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1946). Vừa qua, từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2003, Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp vơí Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tổ chức thám sát Khảo cổ học toàn bộ phần nền móng công trình này.
-Nhà ngang:
Gồm hai tòa nhà bố trí vuông góc với nhau ở bên phải nhà hát Cửu Tư Đài. Hai công trình này có quy mô, kiểu dáng và diện tích tương đương nhau và đều xây theo kiểu nhà cấp 4. Nhà số 1 bình diện 10,75m x 21,6m, diện tích 232m2. Nhà số 2 bình diện 10,26m x 21,6m, diện tích 222m2.
Cả 2 công trình được xây dựng kiểu hiện đại với tường chịu lực, hệ thống cửa, cửa sổ theo kiểu Pháp nhưng hệ mái, dù đã dùng kết cấu thép làm khung chịu lực chính nhưng vẫn dùng đòn tay gỗ và lợp bằng ngói liệt. Hiện nay hai tòa nhà này đang được lập dự án cải tạo để làm nơi ăn nghỉ cho các chuyên gia nước ngoài khi đến Huế làm việc (xem dự án kèm theo).
Ngoài hai nhà ngang này, trong khu vực cung còn có một số căn nhà cấp IV mới được xây dựng sau năm 1975.
-Hồ nước:
Gồm hai nửa hồ nằm đối xứng nhau qua trục trung tâm Bắc-Nam của toàn khu vực cung. Mỗi nửa hồ có kích thước 28,2m x 65,3m, tổng diện tích của hồ là 3683m2 . Sau khi thực hiện giai đoạn 1, dự án tu bổ cung An Định, hồ đã được nạo vét và kè đá lại toàn bộ phần bờ; xây lại hệ thống lan can thấp xung quanh (xem chi tiết tại bản dự án kèm theo hồ sơ)
-Hệ thống tường rào:
Quanh khu vực cung có hệ thống tường rào bảo vệ. Sau khi thực hiện giai đoạn 1, dự án tu bổ cung An Định, hệ thống tường rào này đã được tu bổ lại.
*
Trong số các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Khải Định, cung An Định là một công trình bề thế có diện tích mặt bằng quy mô rộng lớn, được khởi công xây dựng và hoàn thành sớm hơn cả. Nó đánh dấu mốc mở đầu thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế tiếp xúc và chịu ảnh hưởng Tây phương. Đó là thời kỳ mà một tác giả người Pháp ông L.Bezaci gọi là thời kỳ tân cổ diển (néo – classique) từ năm 1916 trở đi. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Tây phương song mỹ thuật Huế với tư cách là một trung tâm mỹ thuật thời Nguyễn nổi tiếng vẫn giữ gìn và tiếp tục phát huy những nội dung và tính chất mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Cung An Định đã chứng tỏ cho thấy rõ điều này không chỉ ở tổng thể công trình kiến trúc mà còn ở từng chi tiết trang trí trên các bộ phận riêng lẻ. Là một chứng tích tiêu biểu cho quá trình phát triển mỹ thuật Nguyễn trên đất Huế trong giai đoạn cuối cùng từ đầu thế kỷ XX đến 1945, bên cạnh sự kế thừa các giá trị mỹ thuật cổ truyền mang phong cách chung của triều Nguyễn, cung An Định còn có phong cách mỹ thuật riêng ở chỗ đã kết hợp một cách hài hòa, rõ nét sự giao thoa giữa các nền mỹ thuật Đông Tây kim cổ, của các nền văn hóa Á – Âu. Do vậy, giá trị nổi bật của cung An Định chính là ở lĩnh vực mỹ thuật và đã được thể hiện một cách sinh động, cụ thể thông qua bàn tay vàng của các nghệ nhân người Việt tài danh đương thời trên các phương diện nghệ thuật kiến trúc, trang trí, hội họa, điêu khắc và nghệ thuật khảm nổi sành sứ.
Đứng từ xa trông lại, cung An Định hiện ra như một tòa lâu đài nguy nga, thâm nghiêm, cổ kính, mang dáng dấp phong cách kiến trúc châu Âu với những đường nét, mô típ chạm trổ khéo léo mang đặc trưng mỹ thuật châu Âu thời Trung cổ và với việc tiếp thu các vật liệu xây dựng mới, các phương tiện, kỹ thuật hiện đại bổ sung, thậm chí lấn át vật liệu và kỹ thuật cổ truyền. Tuy có dáng vẻ nặng nề, kết cấu phức tạp, nửa Âu nửa Á nhưng nó không tồn tại một cách đơn độc, khô cứng mà hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên cây cỏ, vườn hoa sông hồ, mây nước tạo nên một thế giới phong cảnh riêng, yên tĩnh và hữu tình. Cái làm nên giá trị to lớn cho cung, trước hết và chủ yếu là ở nghệ thuật trang trí nội, ngoại thất đa dạng và phong phú, xuất hiện phổ biến trên khắp công trình, từ cửa cung cho đến nhà ở. Mỹ thuật Huế vốn giàu tính trang trí, ở đây di tích cung An Định càng chứng tỏ cho thấy rõ điều này. Đó là những tác phẩm khảm sành sứ và mảnh chai nhiều màu được các nghệ nhân thi công tỉ mỉ, nhẫn nại, thông minh và sáng tạo. Các tác phẩm điêu khắc tranh tường được sáng tác theo phương pháp cách tân và bằng những vật liệu, chất liệu, kỹ thuật mới mẻ mà trước đó chưa hề có. Đề tài ghi lại trong các tác phẩm này không bó hẹp mà rộng mở có xưa có nay, có truyền thống có hiện đại, có Đông phương lẫn Tây phương. Song đề tài chủ đạo vẫn là truyền thống với những hình ảnh trang trí hoa văn cách điệu, thực vật, động vật, đồ vật theo các chủ đề tứ linh, tứ quý, bát bửu mang ý nghĩa và biểu tượng tôn quân.
Tóm lại, giá trị của cung An Định là ở chỗ nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật trang trí nội ngoại thất và phần nào nghệ thuật phong cảnh. Vì những giá trị cố hữu đó nên di tích cung An Định có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, một bộ phận hợp thành gắn bó chặt chẽ với quần thể di tích Cố đô Huế, di sản văn hóa của nhân loại.
Thay lời kết
Kiến trúc phương Tây đã ảnh hưởng vào kiến trúc cung đình Huế từ đầu thế kỷ XIX nhưng mới là ở kiến trúc quân sự, phải từ đầu thế kỷ XX thì mới có ảnh hưởng rõ ràng đến đến kiến trúc cung điện. Vua Khải Định (trị vì từ 1916-1925) là tác giả của nhiều công trình kiến trúc mang ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây, từ cổng cửa, cung điện đến lăng mộ, trong đó có thể xem cung An Định là một ví dụ điển hình, thậm chí được mệnh danh là 1 cung điện phương Tây ở kinh đô Huế.
Cung An Định dù ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc lâu đài phương Tây nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc- mỹ thuật cung đình thời Nguyễn với kiểu bố cục đăng đối, có trục dũng đạo theo hướng bắc-nam và kiểu “tiền cung hậu uyển” (phía trước là cung điện, phía sau là vườn), các mô típ và chi tiết trang trí vẫn sử dụng kiểu truyền thống với tứ linh, tứ quý, bát bửu, bát tiên…
Có thể khẳng định, sự ảnh hưởng kiến trúc phương Tây đối với kiến trúc cung đình Huế đã tạo ra một loại hình kiến trúc khá đặc biệt (tân cổ điển). Đây là một di sản quý trong di sản văn hóa của cố đô Huế, cần được nghiên cứu và bảo tồn./.
Tài liệu tham khảo:
- Hoàng Đạo Kính (2011), “Huế- đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối”; Tạp chí Quy hoạch, số 05.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, bản dịch của Cao Tự Thanh, Nxb Văn hóa- Văn nghệ.
- Phan Thanh Hải (2002), Dấu ấn Nguyễn trong văn hóa Phú Xuân, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Views: 0