Hoạt động Khoa học và Công nghệ của Đại học Huế phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội

Đại học Huế là đại học đa ngành lớn bao gồm 7 trường đại học thành viên, 3 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Du lịch, Khoa Luật, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Ngoài ra, Đại học Huế còn có các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học: Trung tâm Đào tạo từ xa, Viện Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ, Viện Công nghệ sinh học, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Trung tâm Học liệu, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trung tâm Phục vụ Sinh viên và Nhà Xuất bản.

Hiện nay, Đại học Huế có 102 ngành đào tạo trình độ đại học cấp văn bằng cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ; 66 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 27 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Về đội ngũ, tính đến quý 2 năm 2014, Đại học Huế có 3700 cán bộ viên chức. Số lượng giảng viên là 2753, trong đó có 2085 giảng viên cơ hữu, 359 bán cơ hữu, 309 giảng viên thỉnh giảng trong và ngoài nước. Đội ngũ cán bộ khoa học của Đại học Huế có chất lượng cao, trong số 2085 giảng viên cơ hữu có 11 giáo sư và 178 phó giáo sư; 450 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 1184 thạc sĩ. Ngoài ra, Đại học Huế còn có 25 Giáo sư danh dự là các nhà khoa học đầu ngành của cac trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế đang tham gia vào các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường thành viên và khoa trực thuộc.

Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ

Trong thời gian qua, trên cơ sở các kết quả đã đạt được, các trường đại học thành viên, trung tâm và viện nghiên cứu trực thuộc Đại học Huế đã chú trọng phát triển hệ thống đào tạo đại học, sau đại học theo hướng hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực, đa hệ đa cấp và đã có những đóng góp rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, triển khai nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Chỉ tính trong giai đoạn 2008-2014, cán bộ, giảng viên Đại học Huế đã chủ trì thực hiện 76 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 255 nhiệm vụ cấp Bộ, 66 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và 3025 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp cơ sở.

Qua số liệu thống kê, tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN của Đại học Huế trong khoảng thời gian 1994-2014 từ nguồn ngân sách KH&CN là khoảng 195 tỉ đồng, trong đó kinh phí tăng dần theo mỗi giai đoạn (1994-2000: 15 tỉ đồng; 2001-2007: 55 tỉ đồng; 2008-2014: 125 tỉ đồng) thể hiện sự tăng trưởng về chất và lượng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên thuộc Đại học Huế.

Cùng với sự phát triển về chất và lượng của đội ngũ, số lượng các đề tài cấp Nhà nước đã tăng lên nhanh chóng. Nếu trong giai đoạn 1994-2000, cán bộ giảng viên Đại học Huế tham gia vào các nhiệm vụ cấp Nhà nước dưới hình thức chủ trì các đề tài nhánh thuộc các chương trình KH&CN cấp Nhà nước thì ở giai đoạn 2001-2007, đã có các đề tài độc lập cấp Nhà nước, nhiệm vụ Nghị định thư do các nhà khoa học của Đại học Huế chủ trì thực hiện.

Đặc biệt, ở giai đoạn 2008-2014 có 14 nhiệm vụ cấp Nhà nước được triển khai thực hiện với tổng kinh phí 36 tỷ 340 triệu đồng, trong đó có 06 đề tài độc lập (15 tỷ 600 triệu đồng), 3 dự án sản xuất thử nghiệm (5 tỷ 100 triệu đồng) và 5 nhiệm vụ nghiên cứu hợp tác với nước ngoài theo Nghị định thư (8 tỷ 740 triệu đồng); 62 nhiệm vụ NCCB (6 tỷ 900 triệu đồng).

Các kết quả trên đây cho thấy hoạt động KH&CN của Đại học Huế trong những năm qua đã theo đúng định hướng lớn của Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu theo Nghị định thư để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu giữa các nhà khoa học của Đại học Huế và các nước có nền khoa học phát triển.

Các dự án Sản xuất thử nghiệm (SXTN) cấp Nhà nước và đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh đã góp phần nâng cao trình độ đội ngũ, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn của địa phương và đó cũng chính là những bước đi đầu tiên thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm KH&CN của Đại học Huế.

Những đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương

Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và triển khai được nhiều nhà khoa học của Đại học Huế quan tâm. Một số giống cây trồng đã được đưa vào sản xuất như các giống lạc, giống sắn,…và đang mang lại kết quả tốt. Trong chăn nuôi, giống lợn siêu nạc đang được thử nghiệm và bước đầu đã có hiệu quả trong sản xuất. Các giống lợn đang được thực tiễn sản xuất chấp nhận ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi.

Sản xuất, ứng dụng chế phẩm cây thuốc nam – Cây cỏ xước – Achyranthes aspera, phòng trị bệnh tiêu chảy cho lợn con theo mẹ và sau cai sữa góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo sản phẩm thịt lợn sạch.

Kỹ thuật sử dụng củ và lá sắn, lá khoai lang và các loại cây trồng khác làm thức ăn cho gia súc đang được nhân rộng không chỉ ở các tỉnh miền Trung. Các nghiên cứu sử dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương làm thức ăn trong chăn nuôi đang mang lại nhiều kết quả tốt cho người nông dân.

Các nghiên cứu về kỹ thuật sinh sản nhân tạo các loại cá, tôm, mô hình nuôi trồng thủy sản ở các vùng sinh thái khác nhau từ ven biển đến vùng đồi núi đang tạo ra một khả năng thực sự cho sự phát triển nuôi trồng thủy sản ở các địa phương. Các mô hình sản xuất đã được xây dựng vừa kết hợp việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, vừa kết hợp với việc bảo vệ môi trường đã tạo ra sự phát triển bền vững ở các vùng nông thôn.

Hoạt động KH&CN của Đại học Huế đã góp phần tạo ra những sản phẩm khoa học có khả năng thương mại và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhiều sản phẩm đã được giới thiệu trong các Hội chợ TechMart quy mô khu vực và quốc gia, đạt được giải cao trong các Hội thi, Giải thưởng cấp địa phương, khu vực và quốc gia.

Một số sản phẩm tiêu biểu bao gồm: Chế phẩm Pesudomonas phòng trừ các bệnh hại cây trồng; Chế phẩm Bokashi trầu phòng trị bệnh cho tôm, cá; Quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm tôm Rằn; Quy trình bảo quản chuối tiêu sau thu hoạch; Quy trình nuôi thương phẩm cá Vược; Glucosamin đạt tiêu chuẩn dược dụng; Các giống nấm Linh Chi và quy trình nuôi trồng; Các sản phẩm nano bạc; Thiết bị bay QuadRotor lấy không ảnh; Máy SASD-07 phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ; Bài thuốc tiền liệt thanh giải điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt; Bánh điều trị bệnh tiểu đường làm từ củ mài.

Qua số liệu thống kê, trong giai đoạn 2008-2014 đã có trên 500 đề tài các cấp nghiên cứu những vấn đề gắn với các địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có 185 đề tài được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả các đề tài đã góp phần thực hiện các định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, xây dựng các luận cứ khoa học cho các chính sách cụ thể. Với đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo cùng với trang thiết bị hiện đại, các đề tài đã tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của Đại học Huế.

Tóm lại, những kết quả đạt được trong hoạt động KH&CN của Đại học Huế đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học. Đây chính là nhân tố cơ bản góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH. Các kết quả nghiên cứu ngày càng gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng miền. Một số sản phẩm khoa học đã được giới thiệu và bước đầu tiếp cận với các doanh nghiệp.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác về lĩnh vực khoa học và công nghệ

Đại học Huế và các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc và viện, trung tâm nghiên cứu cần chủ động liên hệ với các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ đóng trên địa bàn các địa phương trong khu vực thông qua nhiều hình thức để triển khai ký kết hợp tác, xây dựng và đề xuất những đề tài có quy mô lớn, tập hợp đông đảo nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Một số giải pháp cụ thể:

– Tư vấn và xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ: Quan tâm giới thiệu và động viên, khuyến khích các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu tham gia tham gia vào các hội đồng tuyển chọn, đánh giá và nghiệm thu các đề tài khoa học và công nghệ của địa phương, đặc biệt, tham gia vào việc tư vấn về khoa học và công nghệ, giám định và phản biện các hoạt động liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, hoạch định chính sách của địa phương; Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các trung tâm và viện nghiên cứu trực thuộc, các nhà khoa học triển khai hợp tác với các cơ quan chức năng, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn của địa phương, phối hợp thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của địa phương nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ cho địa phương; Tạo cơ chế ưu đãi cho các nhà khoa học khai thác, sử dụng nguồn nhân lực khoa học, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và trang thiết bị của đơn vị để phục vụ các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ của địa phương, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực khoa học trình độ cao cho địa phương dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.

– Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ: Khuyến khích các nhà khoa học tham gia đề xuất, đăng ký tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong khu vực, hỗ trợ hoặc trực tiếp triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng, dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; Động viên và tạo điều kiện để các nhà khoa học tích cực chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho các cơ quan chức năng, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp của địa phương phục vụ phát triển sản xuất và đời sống với những hình thức, cơ chế phù hợp theo qui định hiện hành của Trung ương và địa phương; Khuyến khích các nhà khoa học tổ chức giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và sản phẩm công nghệ của đơn vị tại các địa phương trong khu vực với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, tọa đàm, triển lãm,…và cùng với các cơ quan ban ngành liên quan phối hợp đề xuất, xây dựng chương trình, hành động cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn theo chiến lược phát triển của địa phương; Trong kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng năm nên có cơ chế ưu tiên tuyển chọn và đề xuất các Bộ chủ quản phê duyệt và cấp kinh phí cho các đề tài, dự án do các nhà khoa học tham gia phối hợp triển khai nghiên cứu với doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ đóng trên địa bàn các địa phương trong khu vực, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện của địa phương, có chính sách, đãi ngộ khuyến khích, tạo môi trường làm việc để thu hút nhân tài. Việc đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương cần phải gắn với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo khả năng khai thác và ứng dụng, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Một số giải pháp cụ thể:

– Xây dựng cơ chế chính sách về khoa học và công nghệ: Tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và các nguồn lực của địa phương để các nhà khoa học triển khai có hiệu quả các hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo mọi điều kiện để có thể thu hút, sử dụng có hiệu quả các chuyên gia tư vấn khoa học do các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực cung cấp, trong đó ưu tiên, ưu đãi về thủ tục, cơ sở hạ tầng…để các trường đại học, viện nghiên cứu có thể thành lập và phát triển các tổ chức khoa học trên địa bàn của địa phương đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực khoa học phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; Xây dựng cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức khoa học, các doanh nghiệp của địa phương tiếp nhận chuyển giao, áp dụng các kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực và tổ chức quốc tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

– Tăng cường tiềm lực về khoa học và công nghệ: Đổi mới phương thức quản lý theo hướng phân cấp cho các tổ chức khoa học và công nghệ quyền tự chủ về tài chính, tổ chức nhân sự, cho phép các nhà khoa học tham gia triển khai đề tài, dự án có quyền tự chủ cao hơn trong sử dụng kinh phí thuộc ngân sách nhà nước, được điều chỉnh nội dung nghiên cứu phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để các nhà khoa học địa phương, cán bộ quản lý đi trao đổi chuyên môn ở nước ngoài và mời chuyên gia nước ngoài vào hợp tác nghiên cứu trong nước; Ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cho địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tạo môi trường hoạt động, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tăng thu nhập chính đáng cho đội ngũ các nhà khoa học của địa phương; Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của địa phương trên các lĩnh vực trọng điểm về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội, tài nguyên môi trường,…Đầu tư nguồn kinh phí thích đáng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ trình đô cao phục vụ cho các ngành kinh tế trọng điểm của địa phương và các lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tin tưởng rằng trong thời gian đến, đặc biệt giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở các định hướng phát triển về khoa học công nghệ và các giải pháp chiến lược tương ứng, Đại học Huế sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh về khoa học công nghệ làm động lực thúc đẩy sự phát triển nguồn lực đội ngũ, khẳng định vị trí của mình về các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp hơn nữa cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực và cả nước./.

PGS.TS. TRẦN ĐẠO DÕNG

Trưởng Ban Khoa học, Công nghệvà Môi trường Đại học Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email