Hệ thống sông 3S – Những bài học chia sẻ về quản trị tài nguyên nước cho các cộng đồng

Tác giả: Trần Thị Thanh Tâm

Các con sông thuộc hệ thống sông 3S

Các con sông Sekong, Srepok và Sesan thuộc hệ thống sông 3S không chỉ là những con sông nhánh quan trọng nhất của sông Mekong, mà còn đóng vai trò không thể thiếu trong việc cung cấp nước và trầm tích cho khu vực hạ lưu, đồng thời đóng vai trò như các tuyến đường chính cho sự di chuyển của cá.

Lưu vực sông 3S có diện tích rộng lớn lên đến 78.650 km2, nằm ở hạ nguồn của sông Mekong và được chia sẻ bởi ba quốc gia là Lào (29%), Việt Nam (38%) và Campuchia (33%). Mặc dù chỉ chiếm 10% diện tích toàn bộ lưu vực sông Mekong, nhưng nó góp phần quan trọng với 23% lượng nước của sông Cửu Long hàng năm.

Hệ thống sông 3S trên bản đồ.

Sông Serepôk (sông Đăk Krông) là dòng sông lớn nhất ở Đắk Lắk. Đây là một phụ lưu quan trọng của sông Mekong. Đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk được gọi là sông Đăk Krông. Sông được hình thành hoàn toàn trên địa phận Đăk Lăk và được hợp thành từ hai dòng sông nhỏ là sông Krông Ana và sông Krông Nô (sông Mẹ và sông Bố). Sông chảy qua các huyện Krông Ana, Buôn Đôn và Ea Súp của Đăk Lăk. Sông Serepôk có nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn tương đối hoang sơ như: thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H’linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh… là những điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch.

Sông Sê San là chi lưu lớn của sông Mekong bắt nguồn từ Bắc và Trung Tây Nguyên rồi chảy sang lãnh thổ Campuchia và nhập vào sông Serepok gần Stung Treng. Sông Sê San có lưu vực rộng 17.000 km². Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Sê San nằm trên hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với tổng chiều dài sông chính là 237 km, diện tích lưu vực là 11.450 km².

Sông Sekong bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, đoạn ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ở đây, nó được gọi là sông A Sáp. Toàn bộ lưu vực của Sekong rộng 29.750 km² trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam là 750 km² (quanh sông A Sáp và một chi lưu nhỏ của Sekong bắt nguồn từ Kontum), phần trên lãnh thổ Lào là 23.000 km², trên lãnh thổ Campuchia là 5.400 km².

Ngoài việc cung cấp nguồn nước, hệ thống sông 3S còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp một loạt các dịch vụ sinh thái quan trọng. Nó mang lại sự phong phú và đa dạng cho sông Cửu Long, vùng đồng bằng ngập nước hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long. Hệ sinh thái của sông 3S là một môi trường sống độc đáo và quan trọng cho nhiều loài động và thực vật, đồng thời cung cấp nguồn thức ăn và nguồn sống cho hàng triệu người dân sinh sống dọc theo sông.

Tuy nhiên, lưu vực sông 3S cũng đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề môi trường. Sự phát triển không bền vững, khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm nước, sự suy giảm của hệ sinh thái và sự thay đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự sinh tồn của khu vực này. Việc bảo vệ và quản lý bền vững lưu vực sông 3S là một nhiệm vụ cấp bách, để bảo vệ không chỉ nguồn nước quý giá mà còn cả sự đa dạng sinh học và cuộc sống của những người dân phụ thuộc vào sông này.

Sông Srêpốk – Đăk Lăk – Tây Nguyên, Việt Nam và mục tiêu của chuyến tham quan

Sông Srêpốk là một nhánh của dòng chính Mekong, bắt nguồn từ tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam và chảy sang tỉnh Ratanakiri  và  Stung Treng  của Campuchia, hội lưu với dòng chính tại tỉnh Stung Treng. Lưu vực sông Srêpốk có diện tích lưu vực là 12.030 km2 trong địa phận Việt Nam và dòng chính dài khoảng 290km.

Lưu vực sông bao phủ gần hết diện tích của tỉnh Đăk Lăk, nơi có dân số là 1.874.000 người (theo thống kê 2017). Sông chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao với 195 loài cá và các loài thủy sinh khác, bao gồm cả các loài có giá trị kinh tế và khoa học cao. Nguồn lợi thủy sản cung cấp thức ăn và nghề nghiệp hàng ngày cho hàng ngàn hộ dân ở đây. Dòng sông này có lưu lượng nước rất lớn, hệ sinh thái của sông cũng rất phong phú và đa dạng, tạo nên một nguồn lợi to lớn về thủy sản và thủy điện.

Với sự tương đồng về đặc điểm địa hình, khí hậu và hệ thống lưu vực sông, những kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn là vấn đề có thể học hỏi, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau giữa huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Đăk Lăk.  Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) và Trung tâm tư vấn Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích ứng Biến đổi khí hậu (CEWAREC) trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam” phối hợp tổ chức chuyến tham quan cho 35 người đến từ các ban, ngành và cộng đồng đến từ huyện A Lưới – tỉnh Thừa Thiên Huế trong 2 ngày. Đây là cơ hội cho cộng đồng A Lưới học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu về quy trình kỹ thuật, cách thức quản lý và những hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực thuỷ sản, cách quản trị và khai thác nguồn tài nguyên nước ở các tỉnh Tây Nguyên.

Chuyến đi của sự kết nối, học hỏi và chia sẻ

Trong ngày làm việc đầu tiên, cộng đồng A Lưới đã lắng nghe các tham luận và trao đổi với các chuyên gia về kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước của tỉnh Đăk Lăk, cũng như các mô hình sinh kế và nuôi trồng thủy sản dựa vào tài nguyên nước tại nơi đây của bà con địa phương; Chi cục Thủy lợi – Sở NN& PTNT tỉnh Đăk Lăk chia sẻ Thực trạng và kinh nghiệm Quản lý Tài nguyên nước của tỉnh Đăk Lăk; Chi cục Thủy sản báo cáo về mô hình nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Đăk Lăk và vai trò của phụ nữ ở địa phương.

Đại diện các cấp, ban, ngành của tỉnh Đăk Lăk đã có những chia sẻ liên quan cho đoàn tham quan.

Sau phần chia sẻ của đại diện Chi cục Thủy sản Đăk Lăk, các chuyên gia hàng đầu đã có phần trình bày vắn tắt về sự tham gia của phụ nữ tỉnh Đăk Lăk cũng như các mô hình sinh kế nơi đây. Ông Phạm Tiến San, Chuyên gia Thủy lợi trình bày về sự tham gia của phụ nữ tỉnh Đắk Lắk trong quản trị và khai thác nguồn Tài nguyên nước ở lưu vực Srêpôk. Đại diện Trường Đại học Tây Nguyên thầy Võ Hùng cũng trao đổi nhanh các mô hình sinh kế dựa vào Tài nguyên nước ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài ra, cộng đồng đã được tham quan 2 trong 7 các mô hình sinh kế cộng đồng tại Đăk Lăk để có cái nhìn đa chiều, tổng diện trong quản trị, quản lý tài nguyên nước nơi đây.
Được triển khai từ đầu năm 2016, trong khuôn khổ hoạt động dự án “Quản trị tài nguyên Nước” Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đã hỗ trợ thành lập 7 mô hình sinh kế cộng đồng tại các cộng đồng thôn Ea Tung (huyện Krông Ana), thôn Tân Phú và Na Wer (huyện Buôn Đôn), xã Yang Tao (huyện Lắk) và Thị trấn Ea Sup (huyện Ea Sup).

Mô hình nhóm thủy sản Ea Tung – xóm 4 thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krong A Na và nhóm thủy sản Tân Phú, xã Ea Noul, huyện Buôn Đôn tỉnh Đăk Lăk là những mô hình thành công và vẫn duy trì đến nay của dự án.

Mô hình sinh kế của nhóm cộng đồng thôn Ea Tung – Kết nối cùng phát triển.

Nhóm sinh kế được thành lập vào năm 2017 với 16 thành viên, trong đó có 12 phụ nữ.

Từ nguồn ngân sách của dự án, nhóm sinh kế Ea Tung với sự hỗ trợ của CSRD đã được thành lập năm 2017. Số tiền ban đầu được hỗ trợ là khoảng 24.000.000đ để thực hiện nuôi cá trong ao, loại cá chính nuôi trong ao là cá hồng. Nhóm đã đóng góp, đối ứng thêm 36.000.000đ vào quỹ hoạt động chung. Quỹ này đã được sử dụng hiệu quả với cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng giữa các thành viên khi họ thu lợi từ việc bán cá. Các thành viên trong nhóm tiến hành nuôi cá trong ao theo hình thức luân phiên ao nuôi, công và các đóng góp được ghi chép và chi trả cho những thành viên theo mức tương ứng. Các quy định của nhóm được xây dựng và áp dụng nghiêm ngặt bao gồm cả các vấn đề bảo vệ môi trường và phương pháp nuôi cá thân thiện với môi trường, bền vững.

Ông Lê Văn Trọng – trưởng nhóm sinh kế chia sẻ về quá trình hình thành và hoạt động của nhóm cho đoàn tham quan

Sự thành công của nhóm sinh kế Ea Tung không chỉ trong việc duy trì, tạo ra thu nhập từ mô hình kế mà còn là việc các cá nhân cùng nhau gắn kết làm việc, sinh hoạt trong một tập thể. Điều này là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng để học hỏi đối với các nhóm sinh kế cộng đồng tại A Lưới trong những hoạt động nhóm sau này. Việc tương tác, đưa ra những ý kiến trao đổi giúp cá nhân các thành viên nâng cao khả năng giao tiếp, khả năng quan sát và đưa ra những ứng xử phù hợp,hướng đến việc hoàn thành mục tiêu của nhóm một cách hiệu quả và nâng cao nhận thức cho từng cá nhân.

Tính đến năm 2023, mô hình của nhóm vẫn được nhóm duy trì thực hiện. Ngoài nuôi cá trong ao, nhóm còn phát triển thêm mô hình nuôi lợn rừng giống lai tại nhà ông Lê Văn Trọng.

Nhóm thủy sản Tân Phú, du lịch sinh thái Thiên Phú – Kết nối, mở rộng và lớn mạnh

Trong ngày thứ hai của chuyến đi, đoàn tham quan đã được đến thăm thôn Tân Phú , Buôn Đôn, Đăk Lăk để cùng tìm hiểu về 2 mô hình sinh kế đang vận hành. Bên cạnh đó, đoàn còn được tham quan mô hình HTX Nông nghiệp Du lịch Phú Nông – mô hình HTX kết nối các nhóm sinh kế tại thôn Tân Phú do chính người dân trong thôn xây dựng và phát là điểm nhấn quan trọng của chuyến tham quan lần này.

Nhóm thủy sản Tân Phú đang sử dụng lòng hồ thủy điện Serepok 3 để nuôi cá trong lồng với số tiền 15.000.000đ hỗ trợ từ CSRD, nhóm đóng góp 45.000.000đ và gây quỹ từ chính quyền địa phương với số tiền khoảng 60.000.000đ. Nguồn quỹ chung này chi vào mục đích vận hành và hoạt động phát triển sinh kế cho 07 thành viên và một lồng cá chung.

Cùng lắng nghe chia sẻ của người dân trong các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên lòng hồ thủy điện Serepok – Đăk Lăk.

Các lồng cá ở đây nuôi chủ yếu là loại cá Diêu Hồng. Giá bán thành phẩm của cá này là 60.000đ – 70.000đ/kg. Nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện khai thác được tiềm năng, lợi thế của mặt nước của các hồ thủy điện. Ngoài thức ăn là cám tổng hợp, các hộ dân còn tập dụng nguồn thức ăn có sẵn (cá nhỏ, tôm, tép,…) đánh bắt được trên lồng hồ chế biến thức ăn cho cá, giúp giảm chi phí sản xuất, chất lượng thịt cá ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Việc liên kết trong nuôi cá lồng bè tạo ra một số lượng lớn sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường đầu ra khả quan, sản phẩm sạch cung cấp rộng rãi ở siêu thị, trường học, nhà hàng, sự kiện,…

Nuôi cá Diêu Hồng trong lòng hồ thủy điện ở thôn Tân Phú, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk.

Nhóm du lịch sinh thái Thiên Phú được thành lập vào năm 2018, bao gồm 15 hộ thành viên.

Ý tưởng được phát triển bởi những người dân địa phương sống xung quanh hồ chứa Serepok, nơi có cảnh quan đẹp và nhiều tốt sản vật của địa phương. Chiến lược của HTX là xây dựng các gói tour du lịch sinh thái cho khách du lịch đến ngắm cảnh, tham quan mô hình nuôi cá lồng bè, thưởng thức thực phẩm và trái cây địa phương. Nhóm du lịch sinh thái là nền tảng phát triển và cũng là một phần của HTX Du lịch Nông nghiệp Phú Nông. CSRD thông qua các hoạt động dự án đã hỗ trợ nhóm bằng cách tổ chức các khóa tập huấn về khởi nghiệp và lập kế hoạch kinh doanh.

Từ ý tưởng đến hình thành và phát triển mô hình HTX tại địa phương

HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông – Buôn Đôn được thành lập vào tháng 5/2019 với nhiều lĩnh vực hoạt động trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực nuôi cá lòng bè trên lòng hồ thủy điện Serepok 3 trên cơ sở hoạt động của Tổ nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường đã được hình thành trước đó. HTX đã kết nối mô hình nuôi cá lồng bè Tân Phú và tổ du lịch sinh thái Thiên Phú vào mô hình vận hành của HTX, hình thành chuỗi hoạt động kết nối chặt chẽ giữa các thành viên trong HTX.  HTX sử dụng toàn bộ diện tích mặt hồ đã được tạo điều kiện giao quản lý phát triển du lịch, bảo vệ, phát triển rừng,…để xây dựng và phát triển du lịch.

Bên cạnh chiến lược phát triển du lịch, HTX còn kết nối và đẩy mạnh hoạt động nông nghiệp, thủy sản của các thành viên trong thôn Tân Phú và các địa phương lân cận, tạo thành chuỗi thị trường du lịch – nông nghiệp – thủy sản bền vững, lan tỏa rộng rãi trong toàn tỉnh và cả nước. Hiện tại, HTX cũng đã đón khách du lịch ở các điểm đến của các thành viên khác trong HTX, sử dụng nguồn tài nguyên tại địa phương, kết nối các điểm tiêu thụ từ các thành viên HTX làm nguồn cung ứng cho hoạt động du lịch.

HTX Du lịch Nông nghiệp Phú Nông là một hướng đi đầy mới mẻ, táo bạo và triển vọng của người dân địa phương thôn Tân Phú. Việc tận dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, kết nối cộng đồng, xây dựng và phát triển nông nghiệp, du lịch dựa vào cộng đồng là đích đến quan trọng giúp người dân cũng như các thành viên trong HTX có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển. Điều này là hoàn toàn và có thể học hỏi cũng như áp dụng đối với các thành viên đã và đang xây dựng, vận hành các mô hình sinh kế được hỗ trợ trong khuôn khổ dự tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giá trị của sự kết nối, chia sẻ và học hỏi

Những câu chuyện về các mô hình sinh kế của người dân Đăk Lăk đã trở thành nguồn động lực lớn đối với người dân A Lưới.

Đoàn tham quan đã có những trải nghiệm và học được rất nhiều kiến thức quý giá thông qua chuyến đi.

Chị Nguyễn Thị Hải Lý – thôn Căn Tôm, Hồng Thượng, A Lưới chia sẻ: “Tôi là cá nhân may mắn được tham gia ở cả hai chuyến tham quan. Với Cần Thơ đó là sự bất ngờ, thú vị, sự mới lạ trong cách người dân quản lý và quản trị tài nguyên nước. Với chuyến đi đến Tây Nguyên thì tôi cảm thấy ngưỡng mộ những người dân nơi đây, cách họ kết nối, cách họ cùng nhau xây dựng, phát triển sinh kế cũng như quản lý nguồn tài nguyên. Những gì đã được học hỏi sẽ là tài nguyên quý giá cho chính bản thân tôi trong cuộc sống và các hoạt động sinh kế sau này”.

Sau chuyến đi, người dân A Lưới không chỉ đem về những câu chuyện đầy cảm hứng mà còn thu nhặt được những kiến thức quý báu và kỹ năng quan trọng. Những kiến thức và kỹ năng này trở thành một gói hỗ trợ vô cùng hữu ích cho người dân, giúp họ áp dụng và thực hiện các mô hình mới một cách hiệu quả. Ngoài ra, chuyến đi còn tạo ra những kết nối giữa người dân A Lưới với các chuyên gia, các tổ chức và cộng đồng tại Đăk Lăk, mở ra cơ hội hợp tác và giao lưu, tạo nên một mạng lưới hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email