Hạn chế thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI vừa kết thúc, là một thành viên Ban tổ chức và Hội đồng chấm thi, tôi ấn tượng nhất là công trình sáng tạo của em Hồ Thị Kim Ly, học sinh lớp 7, trường THCS Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Đó là đề tài “Hạn chế thương vong khi xẩy ra tai nạn giao thông”.

Mô hình hạn chế thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông

Khi được hỏi xuất phát từ đâu em có ý tưởng này, em cho biết, qua thông tin đại chúng, em được biết, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông hàng đầu thế giới. Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông có rất nhiều. Đó là sự hiểu biết còn hạn chế về an toàn giao thông, về các hành vi lái xe không an toàn, môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn… Đồng thời , việc người dân sử dụng rượu bia, nồng độ cồn trong máu quá mức cho phép cũng là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn không đáng có. Trong đó, việc lái xe xử lí không tốt những khúc cua cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu giải quyết được nguyên nhân này chắc chắn rằng sẽ giảm thiểu được tai nạn giao thông một cách đáng kể.

Để giảm thương vong khi đâm vào dải phân cách. Ở các dải phân cách của các con đường, thay vì sử dụng vật liệu bê tông cốt thép, em đã đưa ra giải pháp sử dụng vật liệu có tính chất đàn hổi, xốp, dẻo…để hạn chế hiện tượng quán tính khi người lái xe đâm vào dải phân cách này. Từ đó, trong trường hợp vì một nguyên nhân nào đó, có thể do lái xe không làm chủ tốc độ, không quan sát kỹ hoặc thiếu tầm nhìn quan sát nếu tông trực tiếp vào dải phân cách này sẻ giảm được tỉ lệ thương vong rất lớn.

Tại khúc cua của con đường, cụ thể trong nửa bán kính của khúc cua, thay vì sử dụng rào chắn là các tấm lá sắt, thép, khối bê tông, giải pháp của em là sẽ sử dụng những trụ là những con lăn hình viên bi, các con lăn hình viên bi này sẽ lăn trên các trục của trụ; đồng thời, các trụ này được liên kết với nhau bằng vật liệu mang tính đàn hồi. Trong trường hợp vì một lí do nào đó, xe lỡ vượt ra khỏi làn đường và tông vào hệ thống rào chắn này thì chiếc xe sẽ lăn trên các con lăn hình viên bi, xe duy trì được quán tính, giữ và giảm vận tốc xe đồng thời giữ cho xe di chuyển đúng làn đường, không bị văng ra khỏi rào chắn. Từ đó, sẽ hạn chế được tai nạn giao thông và giảm hẳn thương vong xảy ra.

Hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thương vong khi xảy ra tai nạn chính là do hiện tượng quán tính. Theo quán tính xe đang chạy, nếu xe dừng lại một cách đột ngột thì sẽ gây ra một lực rất lớn, không chỉ phá hủy hư hỏng xe mà còn nghiêm trọng hơn là tính mạng con người. Và chắc chắn rằng nếu chúng ta hạn chế được nguyên nhân trên thì giảm thương vong là rất đáng kể.

Đề tài này chưa hề có ở nước ta. Đây mới chỉ là ý tưởng của một học sinh lớp 7 của vùng gò đồi phía tây, huyện Phong Điền. Tuy nhiên, Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng lần thứ XI đánh giá rằng, đề tài có khả năng áp dụng trong thực tế rất cao, mang lại hiệu quả tốt, an toàn và hoàn toàn áp dụng được cho các loại đường khác nhau. Do vậy, đề tài của em Hồ Thị Kim Ly đã được trao giải Nhất lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường.

Giải Pháp

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email