Xây dựng phong cách lãnh đạo của người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hoạt động thường xuyên, nề nếp trong mỗi tổ chức đảng, cơ quan đơn vị; trong mỗi cán bộ, đảng viên và là mệnh lệnh từ mỗi trái tim của mỗi con người Việt Nam. Năm 2018 Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với chủ đề “Xây dựng phong cách, tác phong của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên” là yêu cầu, trách nhiệm của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần triển khai học tập.

Dâng hương tưởng niệm và báo công với Bác về những kết quả đạt được của Đảng bộ Khối tỉnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng dân tộc vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc. Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và Thời đại Hồ Chí Minh.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Hơn lúc nào hết, hiện nay, vấn đề tư tưởng, phương pháp, phong cách, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý tư tưởng, nhận thức, thế giới quan, phương pháp luận trong Đảng và trong nhân dân trở thành nhu cầu sống còn. Kế thừa giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hoá nhân cách đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh hệ thống quan hệ xã hội hiện nay.

Xây dựng phong cách lãnh đạo của người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đóng vai trò hết sức quan trọng. Khái niệm “người đứng đầu”, sinh thời Bác Hồ thường dùng khái niệm: “Người phụ trách”, “thủ trưởng”. “Phụ trách” là nhận gánh vác, chịu trách nhiệm về một nhiệm vụ, công tác nào đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức là người lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cao nhất của cơ quan, tổ chức đó. Phong cách của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho Đảng ta và dân tộc. Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách lãnh đạo, tác phong công tác của của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhằm phát huy tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của người lãnh đạo, quản lý, từ đó nâng cao chất lượng thực hiện vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong tình hình hiện nay.

Phong cách lãnh đạo là tổng hợp những phương pháp, biện pháp, cách thức riêng, tiêu biểu mà người lãnh đạo sử dụng hằng ngày để thực hiện nhiệm vụ của mình. Phong cách được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất, tri thức, điều kiện chính trị và điều kiện sống của người lãnh đạo. Có một số yêu cầu trong phong cách lãnh đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nhắc tới, đó là: phong cách dân chủ, nhưng quyết đoán; lãnh đạo sâu sát, quyết đoán; khéo dùng người, trọng dụng người tài; cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo:

Phong cách dân chủ, quần chúng: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó. Người có phong cách dân chủ là thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, đó cũng là cách “để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người”. Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh được biểu hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Phong cách lãnh đạo dân chủ thì phải dựa vào quần chúng.

Phong cách lãnh đạo sâu sát, quyết đoán: Phong cách lãnh đạo là phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biết được những băn khoăn, trăn trở của dân để kịp thời uốn nắn và tháo gỡ cùng dân. Người khẳng định: nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Phong cách lãnh đạo sâu sát là thực hiện tốt công việc kiểm tra, kiểm soát, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Theo Người, sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ, tệ quan liêu còn “nồng”. Theo Người, phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.

Theo Hồ Chí Minh, trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra những quyết định đúng. Trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết… điều đó liên quan trực tiếp đến việc tận dụng được thời cơ. Người từng dạy: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”.

Khéo dùng người, trọng dụng người tài: Là người lãnh đạo giỏi thì phải khéo dùng người và trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Người cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”.

Phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, điều chủ chốt trong phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo là phải: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.

Nhiệt tình cách mạng là yếu tố cơ bản trong phẩm chất của người cán bộ đứng đầu, người lãnh đạo. Nhiệt tình cách mạng chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi nó được thống nhất với các tri thức khoa học và trên cơ sở khoa học. Nhiệt tình cách mạng sẽ trở thành duy tâm, duy ý chí nếu thiếu tri thức khoa học. Thực tiễn cho thấy, có nhiệt tình mà thiếu tri thức khoa học sẽ dẫn tới sai lầm, chệch hướng, làm hỏng đường lối, chính sách, hành động trái quy luật, thậm chí dẫn đến phá hoại vô ý thức. Những chương trình, dự án, kế hoạch với những ý tưởng tốt đẹp, nhưng do thiếu tri thức dẫn đến thất bại, gây ra tổn thất nặng nề.

Những nội dung xây dựng phong cách lãnh đạo nêu trên không nằm ngoài những quy định chung trong phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, đồng thời, có yêu cầu cao hơn, thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trên cương vị lãnh đạo. Những nội dung chủ yếu của phong cách lãnh đạo, quản lý cần có của người lãnh đạo, người đứng đầu đó là:

– Kết hợp giữ vững nguyên tắc với thực hiện các biện pháp quản lý linh hoạt, mềm dẻo. Cùng với kiên định về nguyên tắc, những vấn đề chiến lược, thì sách lược cách mạng, các hình thức, phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với thực tế để có thể đạt kết quả cao nhất. Điều đó thuộc về bản lĩnh của người lãnh đạo, thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến”, thể hiện sự linh hoạt trong hoạt động lãnh đạo của mình.

– Kết hợp tính cách mạng với tính khoa học. Tính cách mạng, lòng yêu nước, thương dân là động lực lớn thôi thúc người lãnh đạo, quản lý chuyên tâm, lo toan, tận tuỵ, say mê với công việc. Đồng thời, người lãnh đạo, quản lý phải có sự tìm tòi sáng tạo, đề xuất được những ý kiến hay, những phương án tối ưu để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Để có tri thức khoa học, người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ về chính trị, văn hoá, nghiệp vụ cũng như nắm được tình hình trong và ngoài nước.

– Kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, thực hiện trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu. Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Phải có cách làm việc tập thể để phát huy được trí tuệ của tập thể, của đông đảo quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành sự nghiệp của một tập thể, một đơn vị hay địa phương mà chỉ riêng người cán bộ lãnh đạo, quản lý không làm nổi. Cá nhân phụ trách là nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, người quản lý. Kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, thực hiện trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu để khắc phục những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân…, làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý của người cán bộ lãnh đạo.

– Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói với làm. Người cán bộ lãnh đạo phải nắm chắc lý luận, sự vận động của các quan điểm lý luận trong thực tiễn, qua đó dự báo được những biến đổi của tình hình, của nhiệm vụ cách mạng, thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng. Phong cách lãnh đạo phải gắn tư tưởng với hành động, nói đi đôi với làm, nhất là nói đạo đức phải đi đôi với thực hành đạo đức. Khi có mục tiêu phương hướng công tác rồi, phải có biện pháp và quyết tâm thực hiện, và thực hiện có hiệu quả.

Xây dựng phong cách, tác phong của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên không những là yêu cầu, là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi một cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam.

Hồ Thành

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email