Tác giả: Tường Văn
Đặt vấn đề
Đại học Huế, tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập ngày 01/3/1957. Sự ra đời của Viện Đại học Huế là một mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của nền giáo dục đại học Việt Nam: đây là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên ở miền Trung được khai sinh và cũng là một trong những Viện Đại học có bề dày truyền thống, có quá trình xây dựng lâu dài ở nước ta. Những ngày đầu thành lập, Viện Đại học Huế có 4 phân khoa: đó là: Khoa học, Sư phạm, Văn khoa và Luật khoa. Hai năm sau (1959), một phân khoa mới được thành lập là Y khoa.
Sau khi đất nước được hoàn toàn thống nhất (năm 1975), Viện Đại học Huế có sự thay đổi về mô hình tổ chức và quản lý. Tổ chức Viện không còn, thay vào đó là mô hình trường độc lập trực thuộc các bộ chủ quản gồm Trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y khoa.
Ban Giám đốc Đại học Huế tặng giấy khen cho các thủ khoa tại Lễ khai giảng năm học 2024-2025
Sau 18 năm hoạt động, để phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của đất nước trong giai đoạn mới, ngày 04/4/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/CP về việc thành lập Đại học Huế trên cơ sở tổ chức lại 5 đơn vị đào tạo độc lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; với nhiệm vụ chính được giao là đào tạo trình độ đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, công nghệ và triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; với mục tiêu phát triển đại học phù hợp với xu hướng phổ biến của thế giới là đại học đa lĩnh vực, phát huy thế mạnh của mô hình quản lý mới, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, để đại học vùng mạnh lên so với tổng thể các trường riêng lẻ. Từ năm 1994 đến nay, sau 30 năm tái lập và phát triển, Đại học Huế đã phát triển không ngừng, vững chắc xứng danh vị thế của đơn vị đào tạo đại học, trình độ đại học của mô hình đại học vùng.
30 năm phát triển bền vững
Trong hai năm đầu thực hiện Nghị định số 30/CP, Đại học Huế xác định chủ trương nhanh chóng thống nhất công tác quản lý chuyên môn trên cơ sở phát huy thế mạnh của các Trường, đồng thời nghiên cứu để sớm có sự quản lý thống nhất ở một số lĩnh vực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ, của cơ sở vật chất và kinh nghiệm quản lý. Từ tháng 9/1994, Đại học Huế đã tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình giảng dạy trình độ đại học giai đoạn I theo 7 chương trình chung và chương trình giai đoạn II, tập hợp đông đảo giảng viên thuộc các ngành khoa học cơ bản của tất cả các Trường tham gia và hoàn thành đúng thời hạn, kịp triển khai đào tạo từ năm học 1994-1995. Tiếp đó, các Trường đại học thành viên đã kịp hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học giai đoạn II và tiến hành đào tạo từ học kỳ II năm học 1995-1996. Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Khoa học, chương trình giai đoạn II có sự liên thông (khoảng 50 đến 80 đơn vị học trình, không kể những học phần chung). Đại học Huế đã mở thêm một số ngành đào tạo mới (Giáo viên tiểu học, Luật, Kiến trúc, Mỹ thuật công nghiệp, Phát triển nông nghiệp, Địa lý, Kinh tế du lịch, Quản trị kinh doanh …).
Trên cơ sở những kết quả đạt được, từ năm 1996 đến năm 2000, công tác đào tạo của Đại học Huế tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các hệ đào tạo trình độ đại học có xu hướng ngày càng tăng. Đến cuối năm 2000, Đại học Huế có 56 ngành đào tạo đại học (tăng 18 ngành so với năm 1995) với số sinh viên chính quy là 11.530 (năm 1995 là 6.000). Hằng năm, danh sách đăng ký dự thi vào Đại học Huế đều có học sinh của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Do số lượng người học tăng nhanh, Đại học Huế tiếp tục đa dạng hóa loại hình, đồng thời mở rộng ngành đào tạo. Ngoài đào tạo chính quy, Đại học Huế còn phát triển thêm các loại hình đào tạo như chính quy hợp đồng, đào tạo giáo viên cho các địa phương, cao đẳng, trung cấp… Nếu tính tất cả các hệ và các cấp đào tạo, trong năm học 2000-2001, Đại học Huế có 47.819 sinh viên, học viên.
Sinh viên Đại học Sư phạm – Những giáo viên tương lai
Từ năm 2001, sau 07 năm triển khai thực hiện Nghị định 30/CP, Đại học Huế đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, tạo đà cho giai đoạn phát triển vượt bậc tiếp theo. Bắt đầu từ năm 2001, Đại học Huế mở rộng quy mô và loại hình đào tạo chính quy, liên kết, bồi dưỡng giáo viên … trên cơ sở đảm bảo chất lượng, bám sát những yêu cầu thực tiễn của xã hội. Giai đoạn này, Đại học Huế đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ. Quy mô ngành đào tạo trình độ đại học trong giai đoạn này liên tục phát triển. Năm 2001, Đại học Huế có 66 ngành đào tạo cử nhân, đến 2005 có 73 ngành, 2010 có 90 ngành, 2011 có 95 ngành, 2016 có 116 ngành, 2021 có 144 ngành, năm 2024 có 170 ngành. Đặc biệt, năm 2024, tăng vượt trội với 21 ngành mới, tăng 14,1% so với năm 2023.
Đa dạng các mã ngành
Các ngành mới của những năm từ 2001 đến 2015 có thể kể là Bác sĩ y học dự phòng, Cử nhân y tế công cộng, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Việt Nam học, Quốc tế học, Tiếng Nhật, tiếng Hàn… Các ngành mới trong giai đoạn 10 năm trở lại đây có thể kể đến là Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Quản trị và phân tích dữ liệu, quản lý văn hóa, Công nghệ bán dẫn. Các ngành mới được mở vừa bám sát chiến lược, định hướng phát triển của Đại học Huế vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội.
Nguồn nhân lực chất lượng cao từ Đại học Huế
Năm 2024, số lượng sinh viên trúng tuyển hệ chính quy cao nhất trong 30 năm, tăng 17,6% so với năm 2023 và 2,5 lần so với năm 2005, đạt 95% chỉ tiêu tuyển sinh.
Nhiều nhà khoa học từ Đại học Huế được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu hàng năm
Xứng danh vị thế của đại học vùng
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế đã không ngừng mở rộng quy mô và đa dạng hóa các ngành đào tạo, đã đào tạo được hàng trăm ngàn sinh viên với các ngành nghề đa dạng: khoa học kỹ thuật và công nghệ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, nhà nghiên cứu… cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước.
Đại học Huế luôn quán triệt quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được Nhà nước giao phó, trong đó đào tạo tinh hoa, chất lượng cao là trọng tâm, trọng điểm. Với sự phát triển nhanh về số lượng và đảm bảo về chất lượng của các ngành nghề đào tạo, hệ đào tạo, cấp bậc đào tạo, Đại học Huế thu hút được số lượng lớn người học phân bố rộng khắp trên mọi miền đất nước và giờ đây, rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên đã và đang giữ các vị trí, chức vụ quan trọng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tất cả các điều này đã thể hiện chất lượng đào tạo, uy tín của đơn vị đại học vùng, chứng tỏ sự phát triển ổn định và vững mạnh, khẳng định Đại học Huế đã phát huy thành công mô hình quản lý ba cấp, đào tạo trình độ đại học đa ngành qua nhiều giai đoạn phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó định hướng phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, Đại học Huế đã tập trung toàn lực, tích cực thực hiện chiến lược phát triển đào tạo. Với chiến lược phát triển rõ ràng và các thành công đã được thực tế chứng minh, Đại học Huế đào tạo đa ngành, xuyên ngành và song ngành từ các ngành công nghệ cao đến các ngành truyền thống của mình, xứng đáng được công nhận trở thành đại học quốc gia, hướng đến xây dựng một hệ thống đào tạo có chất lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á./.