Trạng thái đề tài:
Lĩnh vực: Cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải
Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật
Năm: 2024
Ngày nộp đề tài: 21/12/2024
Thông tin nhóm tác giả
Tên tác giả / nhóm tác giả: Nguyễn Xuân Trung, Phan Tại Khương Hoàng, Dương Văn Lập
Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Trường Cao đẳng Giao thông Huế
Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 365 Điện Biên Phủ, thành phố Huế
Tính mới của giải pháp
Xe điện ba bánh điều khiển bằng chân cho người khuyết tật hai tay được thiết kế, cải tạo từ xe lắc tay thông thường (cho người khuyết tật chân). Các phần cải tạo cụ thể là:
- Tháo bỏ phần truyền động lắc tay và cải tạo thành truyền động điện với động cơ điện 36 V - 300 W lắp ở bánh trước; động cơ được cấp điện từ 3 bình ắc quy 12 V - 30 Ah mắc nối tiếp;
- Chế tạo cơ cấu lái dạng thanh điều khiển bằng hai chân, trong đó chân phải điều khiển thêm bàn đạp phanh và chân trái điều khiển thêm bàn đạp ga;
- Lắp thêm 2 bộ phanh tang trống xe đạp vào 2 bánh sau;
- Các bộ phận điều khiển khác gồm công tắc tiến, công tắc lùi, công tắc đèn chiếu sáng và đồng hồ báo điện áp ắc quy.
Xe điện ba bánh điều khiển bằng chân cho người khuyết tật hai tay là giải pháp mới, hoàn toàn chưa được thử nghiệm và sản xuất thương mại ở nước ta. Việc lái khảo nghiệm được ông Huỳnh Văn An, 60 tuổi, trú tại 24/12 Nguyễn Khoa Văn, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, điện thoại 0374842178, một người khuyết tật hai tay thực hiện và đánh giá là hoạt động tốt, điều khiển được bằng hai chân bình thường.
Theo tính toán, quãng đường chạy được là 50 km sau khi nạp đầy ắc quy, vận tốc tối đa 20 km/giờ, trong điều kiện đường nhựa bằng phẳng, trời nắng ráo.
Tính sáng tạo
Xe điện ba bánh điều khiển bằng chân cho người khuyết tật hai tay đã được sản xuất thử nghiệm thành công và hoạt động có hiệu quả trong thực tế: tặng cho ông Huỳnh Văn An - một người bán vé số sử dụng hàng ngày, qua sự giới thiệu của Hội Người khuyết tật - Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, đây là sản phẩm khó thương mại hóa mà chỉ có thể sản xuất vì mục đích từ thiện, bởi số lượng người khuyết tật hai tay tại nước ta rất ít và đa phần họ đều khó khăn. Với giá thành 9 triệu đồng/chiếc, nếu có sẵn chiếc xe lắc thì chi phí còn 5 triệu đồng/chiếc, việc kêu gọi tài trợ là hoàn toàn có thể thực hiện được trên phạm vi toàn quốc.
Hiệu quả kinh tế xã hội
Xe điện ba bánh điều khiển bằng chân sẽ giúp việc di chuyển của người khuyết tật hai tay trở nên dễ dàng hơn và thuận tiện hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng cơ hội giao tiếp xã hội, làm việc, học tập,…
Hạn chế của giải pháp này là chưa có điều kiện thử nghiệm xe với nhiều người, đặc biệt là người không có cả hai cánh tay để đánh giá khả năng vận hành. Đồng thời, cũng chưa có điều kiện để đánh giá an toàn trong giao thông.
Trường Cao đẳng Giao thông Huế sẽ phối hợp Hội Người khuyết tật - Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng dự án, kêu gọi tài trợ cho tất cả những người khuyết tật hai tay trên địa bàn Tỉnh./.