Cần phát huy vai trò của khoa học và công nghệ để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong giai đoạn hiện nay, khoa học và công nghệ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vấn đề khoa học, công nghệ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi là quốc sách hàng đầu. Văn kiện Đại hội XII của đảng đã khẳng định: “Khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại.Trong quá trình thực tiễn xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được xác định: nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp cần tiến hành trong suốt quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó có nhiệm vụ “ Phát triển nhanh nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn” và “ Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”.

KH&CN với vai trò “quốc sách hàng đầu” là nội dung rất cần được ưu tiên trong hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương. Nhưng chính hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đời sống là một trong những nội dung quan trọng, mang tính quyết định đối với hiệu quả của hoạt động của KH&CN. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển Nông thôn, KH&CN đã trở thành yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng. KH&CN được coi là “xương sống” để ngành nông nghiệp nâng cao giá trị cho nông sản. Không chỉ phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, KH&CN còn là lời giải cho bài toán tái cơ cấu ngành trồng trọt và xây dựng mô hình nông thôn mới trên cả nước.

Đến nay đã có một số chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển nông thôn, trong đó phải kể đến chương trình khoa học và công nghệ quan trọng là “Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn miền núi”. Các đề tài, chương trình này đã có nhiều kết quả nghiên cứu phục vụ xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó nhiều kết quả đã được chuyển giao cho địa phương, nông dân. Tuy nhiên, các kết quả này còn hạn chế ở mặt ứng dụng, nhiều đề tài, dự án sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất, các kết quả áp dụng cho xây dựng nông thôn mới chưa nhiều. Để khắc phục, theo Bộ NN&PTNT, phải xây dựng một chiến lược phát triển KHCN cho nông nghiệp và nông thôn để từ nay đến năm 2020 các thành tựu KHCN sẽ đóng góp từ 40-50% GDP nông nghiệp, trong đó sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện xây dựng nông thôn mới thành công là cần đưa ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng và nhân dân ta và người nông dân chính là chủ thể của nông thôn, là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới. Nông dân là số đông trong cơ cấu cư dân sống ở nông thôn, nhưng họ cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ðảng và Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, tạo ra các giá đỡ cho họ,và nâng dần vị thế kinh tế – chính trị của họ để họ thực sự là chủ thể của nông thôn mới. Để nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông đạt được mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới, cần phải có quyết tâm, nguồn lực và thời gian.

Yếu tố khoa học, công nghệ là một trong những nguồn lực quan trọng nếu chủ thể xây dựng nông thôn mới được nắm bắt, tiếp cận và được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Với tầm quan trọng đó, Ngày 12/01/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Nhằm mục tiêu xây dựng một số mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, từ đó đánh giá hiệu quả để tổ chức nhân rộng trên phạm vi cả nước; đồng thời, nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới,…Trong đó, Chương trình quy định thực hiện 05 nội dung cụ thể, như sau:

1. Nghiên cứu, khảo sát các mô hình tổ chức xã hội nông thôn ở Việt Nam và một số nước trên thế giới; những bài học kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời gian qua để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, lộ trình, vai trò của các chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam gắn với đô thị hóa văn minh trong hội nhập quốc tế đến năm 2020 và trong giai đoạn tiếp theo.

2. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới.

3. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ để xây dựng nông thôn mới.

4. Xây dựng một số mô hình trình diễn về nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các thành tựu, giải pháp khoa học và công nghệ.

5. Xây dựng nội dung và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực nắm bắt, ứng dụng khoa học và công nghệ cho các đối tượng có liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyển giao công nghệ, nông dân và doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình này tập trung vào mục tiêu xúc tiến xây dựng nông thôn kiểu mẫu, trong đó có ba nhóm tiêu chí cơ bản là kinh tế và tổ chức sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; môi trường nông thôn và an toàn thực phẩm; an ninh nông thôn; đồng thời đề ra một số giải pháp phối hợp triển khai các đề tài, dự án giữa chương trình với các địa phương trong vùng, các cơ quan quản lý; xây dựng nông thôn mới kết hợp với các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững; tìm các giải pháp thu hút vốn ngoài nhà nước, vốn nước ngoài… Áp dụng khoa học công nghệ để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có thương hiệu; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp…

Bức tranh về tình hình chung về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế: Chương trình xây dựng nông thôn mới được Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là 1 trong 4 chương trình trọng điểm của nhiệm kỳ. Từ đó, Tỉnh Thừa Thừa Huế đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp tổng hợp để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là: phấn đấu đến năm 2020 có thêm 42 xã và 2 huyện đạt chuẩn. Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động; phát huy được vai trò “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng lợi”. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhiều xã đã phát huy nội lực chỉnh trang, mở rộng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã, thôn được quan tâm. Việc huy động nguồn lực do dân đóng góp đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo báo cáo của tỉnh, hiện đã có 23/104 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 22,12%; 28 xã đạt 15 -18 tiêu chí (26,92%), 47 xã đạt 10 -14 tiêu chí (45,19%), không có xã đạt dưới 7 tiêu chí; bình quân đạt 14,44 tiêu chí/xã. Tổng số hộ nghèo cuối năm 2016 theo chuẩn tiếp cận đa chiều của tỉnh là 20.623 hộ, chiếm tỉ lệ 7,19%; hộ cận nghèo 15.777 hộ, chiếm tỉ lệ 5,5%. Năm 2016, thu nhập khu vực nông thôn toàn tỉnh đạt 24,15 triệu đồng, tăng 4,95% so năm 2015.

Tuy vậyviệc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí còn lúng túng; có địa phương tự thỏa mãn với kết quả vừa đạt được. Một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 không tiếp tục nỗ lực duy trì, phấn đấu đạt theo chuẩn mới. Các tiêu chí về phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất chuyển biến chậm, chất lượng chưa cao và không bền vững. Việc đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập hiệu quả không cao.

Tiềm lực về khoa học và công nghệ: Thừa Thiên Huế có hệ thồng thiết chế khoa học và công nghệ với hơn 50 tổ chức khoa học công nghệ, đại học Huế và các trường thành viên, hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trung tâm, viện đóng trên địa bàn. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ không ngừng phát triển, đội ngũ trí thức tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là đứng thứ nhất khu vực miền Trung – Tây nguyên, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng, chỉ đứng sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 40 nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên và đa dạng về ngành nghề đào tạo. Hiện có trên 250 giáo sư, phó giáo sư, 500 tiến sĩ, hơn 1.500 thạc sĩ, hơn 200 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú… Trí thức Thừa Thiên Huế giàu lòng yêu quê hương, đất nước, cần cù, thông minh, có hoài bão, tinh thần vượt khó, ham học hỏi, say mê tìm tòi, nghiên cứu và giàu sáng tạo…và đầy trách nhiệm.

Về các đề tài dự án khoa học và công nghệ, tỉnh Thừa Thiên Huế: Trong giai đoạn 2010 đến nay có trên 160 đề tài cấp tỉnh và số lượng lớn các đề tài cấp cơ sở và các dự án khoa học và công nghệ được triển khai trên địa bàn tỉnh. Đối với đại học Huế, có trên 2500 đề tài được thực hiện, trong đó: Nghiên cứu cơ bản có gần 1700 đề tài; Nghiên cứu ứng dụng khoảng 600 đề tài.

Hiện thực hóa chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.”, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Giải Thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ và Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng đã khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật, ứng dung khoa học công nghệ đạt được những thành qua hết sức đáng trân trọng: Qua 10 lần tổ chức Cuộc thi, 8 lần tổ chức Hội thi, 8 lần tổ chức Giải thưởng đã có gần 525 mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi; 181 công trình tham gia Giải thưởng và 411 giải pháp tham dự Hội thi, trong đó có 219 mô hình, sản phẩm được trao giải Cuộc thi, 160 công trình được trao Giải thưởng và 280 giải pháp được trao giải thưởng Hội thi cấp tỉnh. Nhiều đề tài khoa học, công trình dự thi đạt giải đã được triển khai ứng dụng rộng rãi góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh

Phát huy vai trò, tiềm lực của khoa học và công nghệ cùng kết hợp các nguồn lực khác của xã hội với quyết tâm hành động cao độ của chủ thể xây dựng nông thôn mới và cả hệ thống chính trị mới hy vọng thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là: phấn đấu đến năm 2020 có thêm 42 xã và 2 huyện đạt chuẩn.

Trí Huế

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email