Bệnh do sán lá gan lớn

 

Tác giả: PGS. TS Trần Xuân Chương

Chi hội Truyền Nhiễm – HIV/AIDS

 Sán lá gan lớn có 2 loài có thể gây bệnh cho con người: Fasciola hepatica và F. gigantica. Loài F. hepatica hay gặp hơn và phân bố toàn thế giới trong khi F. gigantica chủ yếu gặp ở các nước nhiệt đới. Cả hai loại đều lưỡng tính, có chu kỳ sống tương tự nhau và bệnh cảnh lâm sàng giống nhau. Người là vật chủ tình cờ của sán lá gan lớn.

Sán lá gan lớn F. hepatica trưởng thành dẹt, lớn, màu nâu, hình chiếc lá, dài 2,5 đến 3cm, rộng 1-1,5 cm. Phần trước rộng và bọc bởi các gai giống như vảy. Sán lá gan lớn trưởng thành sống ở ống mật chủ và các ống gan của người hay động vật.

F.gigantica liên hệ mật thiết với F. hepatica, nhưng sán trưởng thành và trứng lớn hơn, đo được đến 7,5 cm chiều dài và 190 đến 90µm chiều rộng. Các động vật có vú ăn cỏ là vật chủ chính và các loại ốc thuộc bộ Lymnaea là vật chủ trung gian như F. hepatica. Người là vật chủ tình cờ.

DỊCH TỄ

    Bệnh do sán lá gan lớn khá phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Số lượng người nhiễm ước tính 71 triệu, phân bố trên hơn 60 quốc gia, số lượng người có nguy cơ hơn 180 triệu người trên toàn thế giới.

    Con người thường nhiễm sán lá gan lớn khi ăn các thực vật thủy sinh ở những vùng nuôi cừu. Các thực vật nước ngọt khác cũng có thể giúp lây truyền sán lá gan lớn như rau diếp nước, bạc hà, linh lăng, ngò tây. Người cũng có thể bị nhiễm tình cờ khi uống nước không sôi có chứa ấu trùng.

Vòng đời

Cừu và trâu bò là những vật chủ xác định quan trọng nhất của F. hepatica; ngoài ra dê, ngựa, lạc đà, hươu, lợn và thỏ cũng có thể nhiễm. Trong vật chủ, sán trưởng thành trú tại các ống mật chính và phóng thích trứng. Trứng sẽ di chuyển qua cơ vòng Oddi, vào ruột và thải ra ngoài theo phân. Trứng tiếp tục phát triển trong nước thành ấu trùng bậc 1 (miracidia) và chui khỏi vỏ trứng ra ngoài sau khoảng 9 đến 15 ngày. Ấu trùng bậc 1 sau đó chui vào một số chủng ốc đặc biệt (bộ Lymnaea) là vật chủ trung gian.

Các ấu trùng cercariae chui ra khỏi ốc và nhanh chóng biến thành dạng kén bám vào các thực vật thủy sinh, phát triển thành ấu trùng bậc 2. Khi các động vật ăn cỏ hay người ăn phải, các ấu trùng này vào hệ tiêu hóa, chui khỏi kén. Ấu trùng sẽ xuyên qua thành ruột vào ổ bụng, rồi xuyên qua bao gan và nhu mô gan đế xuống đường mật. Chúng phát triển thành sán trưởng thành ở đường mật, khoảng 12 tuần sau khi nhiễm trùng, và sán lại tiếp tục tạo trứng, tiếp tục vòng đời.

Các ấu trùng phá hủy nhu mô gan trên đường xuyên qua gan đến đường mật gây hoại tử và sau đó tạo sẹo xơ hóa. Mức độ tổn thương gan tùy thuộc vào số lượng ký sinh trùng. Sán lá gan lớn trưởng thành có thể gây nghẽn không hoàn toàn đường mật, làm dày thành, giãn và xơ hóa đường mật đoạn gần trên gan. Bệnh do sán lá gan lớn lạc chỗ đến các vị trí khác ngoài đường gan mật thường gây phản ứng thâm nhiễm các tế bào ưa axid và tế bào đơn nhân đến vùng đó và gây tổn hại các mô.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Bệnh lý điển hình nhiễm sán lá gan lớn có thể chia thành các giai đoạn: giai đoạn cấp ở gan, giai đoạn mạn ở đường mật và sán lá gan lạc chỗ.

Giai đoạn cấp ở gan

Trong giai đoạn đầu khi ký sinh trùng xâm nhập vào gan, có thể có sốt, đau hạ sườn phải và gan lớn. Các triệu chứng cơ năng thường bắt đầu trong vòng 6 đến 12 tuần sau khi ăn phải ấu trùng. Có thể có thêm các triệu chứng khác như chán ăn, buồn nôn, nôn, đau cơ, ho và phát ban. Đôi khi còn có vàng da. Thỉnh thoảng ở giai đoạn này còn có biến chứng chảy máu đường mật hay u máu dưới bao gan. Các triệu chứng cấp mất đi sau vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên khi nhiễm sán nhiều có thể có hoại tử gan lan rộng.

Giai đoạn mạn ở đường mật

Giai đoạn ở đường mật thường không có triệu chứng, nhưng sán trưởng thành có thể gây nghẽn đường mật. Giai đoạn mạn thường xảy ra 6 tháng sau nhiễm sán và có thể kéo dài trên 10 năm. Nhiễm sán mạn tính có thể dẫn đến cơn đau quặn gan, viêm đường mật, sỏi ống mật chủ và vàng da tắc mật. Nhiễm sán nặng và kéo dài có thể gây viêm đường mật và xơ gan mật. Đau thượng vị và hạ sườn phải, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, suy mòn, gan lớn và vàng da là những triệu chứng có thể gặp ở giai đoạn này.

Bệnh do sán lá gan lớn lạc chỗ

Vị trí ngoài gan hay gặp nhất là mô dưới da ở thành bụng, nhưng có thể gặp ở phổi, tim, não, cơ, đường niệu dục và da các vùng khác. Đau có thể gặp khi ấu trùng xâm nhập kèm theo các nốt đau, ngứa và đỏ ở da và có đường kính 1-6 cm. Có thể dẫn đến áp-xe nhỏ tại chỗ..

Các biểu hiện lâm sàng phổ biến là:

– Người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu.

– Đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau (chiếm 70-80 % các trường hợp), hoặc đau vùng thượng vị hoặc và mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, đau từng cơn, đau tức.

 – Sốt cao, rét run đôi khi sốt kéo dài.

–  Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt. Gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài.

–  Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.

–  Một số người bệnh có biểu hiện lâm sàng của biến chứng: tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa….

– Gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau.

– Phản ứng viêm: đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da.

– Có mẩn ngứa ngoài da, dị ứng da gặp ở 20-30 % người bệnh, biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, bứt rứt, khó chịu.

– Ho, khó thở…

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán dựa trên tìm thấy trứng sán lá gan lớn trong phân, trong dịch tá tràng hay dịch mật. Xét nghiệm máu có bạch cầu ưa acid tăng cao. Siêu âm bụng hay chụp CT thấy có hình ảnh tổn thương gan, kích thước thay đổi tùy tình trạng bệnh.

Có thể chẩn đoán dựa vào các tiêu chuẩn sau:

Trường hợp bệnh nghi ngờ:

– Yếu tố dịch tễ: Người bệnh sống trong vùng sán lá gan lớn lưu hành.

– Có tiền sử ăn sống các loại rau thủy sinh và uống nước chưa hợp vệ sinh.

– Bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng hướng tới bệnh sán lá gan lớn.

Trường hợp bệnh xác định: Trường hợp bệnh nghi ngờ và có các xét nghiệm sau:

– Xét nghiệm phân hoặc dịch mật tìm thấy trứng sán lá gan lớn.

– Chẩn đoán miễn dịch học: ELISA phát hiện có kháng thể kháng sán lá gan lớn trong huyết thanh.

– Có hình ảnh tổn thương của sán lá gan trên siêu âm/CT/MRI

– Bạch cầu ái toan tăng cao

ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG

Triclabendazole là thuốc có hiệu quả để điều trị sán lá gan lớn. Dạng viên 250 mg. Liều dùng 20mg/kg trong 1 đến 2 ngày.

Phòng bệnh bằng cách tránh ăn rau sống thủy sinh ở vùng có dịch sán lá gan lớn lưu hành. Điều trị các động vật ăn cỏ có bệnh cũng giúp kiểm soát được nhiễm sán lá gan lớn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2022), Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn, Ban hành kèm theo QĐ số 1203/QĐ-BYT, ngày 16.5.2022.
  2. Bộ môn Truyền Nhiễm – Lao, Trường ĐH Y Dược Huế (2021), Bệnh do sán lá gan lớn, Giáo trình Bệnh học Truyền Nhiễm, NXB Đại học Huế.
  3. CDC, Fasciola, https://www.cdc.gov/parasites/fasciola/epi.html
  4. Chang Wong MR, Pinto Elera JOA, Guzman Rojas P, Terashima Iwashita A, Samalvides Cuba F. Demographic and clinical aspects of hepatic fascioliasis between 2013–2010 in National Hospital Cayetano Heredia, Lima, Peru. Rev Gastroenterol Peru. 2016;36(1):23–28.
  5. Maria Alejandra Caravedoand Miguel Mauricio Cabada, Human Fascioliasis: Current Epidemiological Status and Strategies for Diagnosis, Treatment, and Control Res Rep Trop Med. 2020; 11: 149–158.
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email