Viêm nhiễm sinh dục và thai nghén

Viêm nhiễm đường sinh dục dưới ở phụ nữ là một bệnh thường gặp, ở Việt Nam với tỷ lệ mắc bệnh khá cao (50-60%). Bệnh có thể là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng như viêm dính vùng tiểu khung do nhiễm trùng ngược dòng, vô sinh, thai ngoài tử cung .v.v.

 

Ðặc biệt khi có thai, viêm nhiễm đường sinh dục dưới có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như sẩy thai, nhiễm trùng ối, vỡ ối non, vỡ ối sớm, đẻ non. Sau sinh bệnh gây nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng sơ sinh làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh, tốn kém chi phí điều trị. Nhiễm nấm trong thai kỳ có thể gây sẩy thai tự nhiên và lây truyền sang trẻ sơ sinh gây viêm da, viêm phổi. Bảo vệ sức khoẻ cho mẹ và thai là việc làm hết sức cần thiết nhưng khi mang thai tâm lý thai phụ lại lo cho sự phát triển của thai mà bỏ qua các triệu chứng nghèo nàn biểu hiện bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục dưới, trong khi đó tác nhân gây bệnh lại đa dạng, phương thức lây lan của bệnh lại phức tạp.

Âm đạo là một ống đi từ cổ tử cung đến âm hộ, nằm sau bàng quang và trước trực tràng, Âm đạo dài độ 8cm, là phần tiếp xúc trực tiếp trong giao hợp, hệ thống dẫn kinh nguyệt từ buồng tử cung ra ngoài âm hộ, do đó nếu vệ sinh không tốt khi giao hợp, khi kinh nguyệt hay khi mang thai, hoặc thay đổi môi trường sinh lý của âm đạo có thể tạo điều kiện thuận lợi cho viêm nhiễm.

Khí hư là một chất dịch không màu chảy ra từ cơ quan sinh dục, chất dịch màu trắng như sữa, trong và hơi đặc, lượng ít, nguồn gốc từ các tuyến Bartholin ở âm hộ, từ các tuyến và nút nhầy ở cổ tử cung, từ biểu mô âm đạo bong ra, không chảy ra ngoài âm hộ, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người phụ nữ. Khi chất dịch sinh lý này thay đổi tiết ra nhiều, chảy ra ngoài âm hộ làm cho người phụ nữ khó chịu phải để ý tới là bất thường, là khí hư bệnh lý.

Khi có thai cơ thể người phụ nữ có những thay đổi lớn về giải phẩu, sinh lý và sinh hóa. Nhiều thay đổi của người phụ nữ xảy ra sớm ngay sau khi thụ tinh và tiếp tục trong suốt thời kỳ thai nghén. Khi có thai, khí hư âm đạo tăng nhiều lên, và mức pH của âm đạo thường 3,5 – 4,5, tạo điều kiện thuận lợi cho 1 số tác nhân gây bệnh phát triển.

Các loại viêm nhiễm đường sinh dục dưới.

– Viêm âm đạo do nấm.

Các nghiên cứu cho thấy có 75% phụ nữ ít nhất bị một lần viêm âm hộ âm đạo do nấm. Nấm gây bệnh ở niêm mạc âm đạo chủ yếu là Candida Albicans, nó chiếm 85% – 90% các chứng viêm âm hộ âm đạo do nấm. Môi trường acid của âm đạo khi mang thai thích hợp cho sự phát triển của nấm.

Các triệu chứng của viêm âm hộ – âm đạo do nấm gồm ngứa âm hộ kèm với huyết trắng từng mảng đục như sữa. Huyết trắng có thể loãng hay đặc. Ðau âm đạo, giao hợp đau, nóng rát âm đạo và ngứa. Có thể bị tiểu rát khi nước tiểu tiếp xúc với âm hộ và biểu mô tiền đình bị viêm.

– Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis: Là một trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ngoài ra có thể do nguồn nước tắm giặt mà bệnh nhân đang dùng bị nhiễm bẩn. Ngứa và rát ở âm đạo, đôi khi ngứa ở hậu môn. Khí hư loãng đục, ửng xanh lơ, thường có bọt. Phụ nữ có thai bị viêm âm đạo do Trichomonas có nguy cơ cao bị ối vỡ sớm và sinh non.

– Viêm âm đạo do các vi khuẩn thường: Khí hư vàng như mủ, có thể lẫn ít máu. Âm đạo đỏ.

– Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis: Khí hư có mùi tanh cá, sản phụ có cảm giác ngứa. Khí hư màu xám và thường lát một lớp mỏng ở thành âm đạo. pH âm đạo 4,7 – 5,7

Viêm nhiễm đường sinh dục dưới là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ðối với thai phụ, ngoài các triệu chứng làm cho khó chịu như ra khí hư nhiều, ngứa, v.v. bệnh còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai.

Bệnh được phát hiện thông qua khám phụ khoa trên các đối tượng đến khám thai bình thường, các sản phụ đến với cơ sở y tế không phải nhằm mục đích khám và điều trị bệnh phụ khoa, mà bệnh thường được phát hiện do đề nghị thăm khám của cán bộ y tế.

Thai phụ ở thành phố có môi trường sinh hoạt và điều kiện lao động tốt hơn so với thai phụ ở các vùng lân cận khác nên tỷ lệ viêm thấp hơn so với ở nông thôn. Trình độ nhận thức của thai phụ ở nông thôn còn kém, không được cung cấp đầy đủ kiến thức về bệnh, khái niệm về bệnh còn mơ hồ, khi nói về bệnh còn e ấp, bí mật xem như đó là điều thầm kín cần phải che dấu. Môi trường sống còn nhiều ô nhiễm, nguồn nước sạch sinh hoạt còn hạn chế ở một số vùng ở nông thôn. Thai phụ có trình độ văn hoá, hoặc cán bộ công nhân viên thì hiểu biết và chấp hành tốt chủ trương kế hoạch hoá gia đình, thường chỉ có 1-2 con thì tỷ lệ mắc bệnh thấp. Nhóm sinh con từ đứa thứ 3 trở lên, với quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” thường rơi vào nhóm thai phụ có trình độ văn hoá thấp, làm ruộng, không quan tâm đến việc chăm sóc quản lý thai nghén, tỷ lệ đi khám thai thấp nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao.

Vệ sinh khi quan hệ vợ chồng là những chủ đề hết sức tế nhị và chưa được đề cập đến nhiều trong lĩnh vực sức khoẻ sinh sản, cần vệ sinh trước và sau khi quan hệ vợ chồng, cần chú ý chu đáo hơn trong việc vệ sinh này. Số lần vệ sinh âm đạo ít, tỷ lệ bệnh càng cao. Vệ sinh âm đạo 1 lần/ngày tỷ lệ mắc bệnh là 80.82 % Theo Bà Maxine A.Whitaker, một chuyên gia phụ khoa hiện cũng đang nghiên cứu về VNÐSDD ở Việt nam cũng như một số nước Châu Á khác cho biết nên rửa âm đạo 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối.

Phần lớn chị em phụ nữ mang thai cần phải có nhận thức được rằng không nên phơi áo quần những chỗ kín, ẩm thấp.

Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ cần đi khám phụ khoa một cách có hệ thống, định kỳ để phát hiện bệnh sớm, chính xác mầm bệnh, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra cho mẹ và thai nhi và chi phí điều trị không cần thiết.

 

TS. Lê Lam Hương

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email