Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trang thông tin điện tử: Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ

Khai thác nhân lực tại chỗ nhưng tăng cường tập huấn nghiệp vụ báo chí để họ dù nghiệp dư nhưng làm việc chuyên nghiệp là một trong số những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác biên tập tin, bài và quản lý các trang tin điện tử trong hệ thống Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Giải pháp trên được đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và nâng cao chất lượng tin, bài trên các trang tin điện tử thuộc hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam” vừa diễn ra tại thành phố Huế với sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ phụ trách trang thông tin điện tử của Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, phổ biến kiến thức là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội Việt Nam nói chung. Cùng với các báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử vusta.vn của Liên hiệp Hội Việt Nam ra đời từ năm 2002 và cùng với đó hầu hết các liên hiệp hội tỉnh, thành phố đều có trang tin điện tử đã đóng góp đáng kể vào công tác tuyên truyền về hoạt động của hệ thống và phổ biến kiến thức khoa học tới độc giả. Hội thảo được tổ chức là cơ hội để các liên hiệp hội địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động của trang tin điện tử trong điều kiện con người còn thiếu, còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh phí eo hẹp.

Hiện nay, hầu hết các liên hiệp hội địa phương đều có trang tin điện tử với các nội dung phong phú như Tin tức – Sự kiện, Gương hoạt động khoa học và công nghệ, Diễn đàn, Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Thông tin, phổ biến kiến thức khoa học…

GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế, cho biết, qua 11 năm đi vào hoạt động, Trang tin của Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã trở thành kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức rộng rãi được bạn đọc không chỉ ở tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn nhiều nơi khác truy cập với số lượng lớn và thường xuyên từ 800 – 1000 lượt/ ngày, đến nay, tổng số lượt người truy cập đã lên tới con số hơn 3 triệu lượt truy cập. Tuy nhiên, GS. Dàng cũng thừa nhận trang web của cơ quan còn một số nhược điểm cần thay đổi như giao diện trang tin được thiết kế mở theo chiều dọc nên khó nhìn, khó tìm kiếm, tra cứu. Hình thức chưa được thay đổi, cải tiến nên chưa hấp dẫn. Về công nghệ kỹ thuật, trang tin được xây dựng từ năm 2011 – 2012 đến nay bộc lộ nhiều hạn chế, khả năng tương tác và tích hợp chưa cao… Chất lượng tin bài chưa cao chủ yếu là do đội ngũ cộng tác viên chưa có nghiệp vụ viết tin, bài; lượng thông tin giữa các mục chưa đồng đều,…Tin tức đăng tải trên trang tin nhiều khi còn chậm so với thời gian diễn ra sự kiện, chưa đảm bảo được tính thời sự và nhanh nhạy. Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý, vận hành trang tin còn mỏng, cán bộ làm kiêm nhiệm nhiều công tác khác…

Còn ông Trần Quốc Tuấn, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Đà Nẵng, chia sẻ: Ban biên tập trang tin điện tử của Liên hiệp Hội Đà Nẵng là những người kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian để chăm lo cho trang tin. Về kinh phí, hiện nay, mới chỉ có phụ cấp cho thành viên Ban biên tập, chưa có kinh phí dành cho hoạt động của trang tin, các tin bài không được trả nhuận bút, do đó hầu hết tin, bài do Ban biên tập viết và đăng tải, chưa khai thác tối đa các hoạt động của Liên hiệp hội, các hội thành viên để viết tin bài và cũng chưa có điều kiện đặt hàng các bài viết để đăng tải. Ông Tuấn cho biết, nhằm nâng cao chất lượng trang web Liên hiệp hội Đà Nẵng, Ban biên tập đã đề xuất lãnh đạo Liên hiệp Hội phương án nâng cấp nâng cấp giao diện, bổ sung thêm các chức năng “thích” và “chia sẻ” bài viết trên các trang mạng xã hội cá nhân như facebook, tweet, google +, hay gửi qua tin nhắn messenger. Đây là những kênh có số lượng người tham gia rất lớn, và từ đó quảng bá rộng rãi được trang tin điện tử. Về nhân sự, Ban biên tập sẽ tập trung củng cố, tăng cường thêm cán bộ có chuyên môn sâu để có thể đáp ứng nhu cầu thông tin. Về kinh phí sẽ đề xuất có mức chi cho những bài viết có chất lượng, nhất là các bài do Ban biên tập đặt hàng…

Đại diện Liên hiệp hội Quảng Ngãi cho biết, điều khó khăn nhất hiện nay là kinh phí, nhuận bút cho các tin, bài trên trang tin điện tử của Liên hiệp hội Quảng Ngãi thuộc dạng xuất bản phẩm không kinh doanh nên quy định chế độ nhuận bút từ ngân sách địa phương là rất thấp, không thu hút được lực lượng cộng tác viên. Bên cạnh đó phóng viên, biên tập viên của Liên hiệp hội Quảng Ngãi cũng không có tư cách pháp nhân (thẻ nhà báo) khi hoạt động thu thập thông tin nên đã hạn chế rất nhiều khi tác nghiệp.

Nhận xét về nội dung các trang tin điện tử thuộc hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, nhà báo Trần Đình Thảo, nguyên Phó ban Tin trong nước Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, đa số các trang tin tính chuyên nghiệp chưa cao, nên tác dụng hạn chế. Có trang ít thông tin, tin chậm, cũ, không được cập nhật. Bản thảo cộng tác viên không được biên tập đầy đủ. Nhiều tin 4 “không”: không nhanh, không trúng, không đúng, không hay.

Theo ông Thảo, nguyên tắc cao nhất, căn bản nhất của công tác biên tập báo chí là phải đảm bảo tác phẩm của tác giả được chính xác hơn; sinh động-hấp dẫn hơn nhưng vẫn giữ được ý đồ, ý tưởng của người viết. Công việc đầu tiên là đọc nhanh rồi đọc lại để đánh giá phân tích, xác định ngay lập tức việc có sử dụng hay không sử dụng những tác phẩm báo chí này. Phương châm hàng đầu là hãy cứu bằng được dù một tin ngắn, một bài nhỏ khi còn cơ hội. Biên tập viên phải quyết định sử dụng sản phẩm báo chí ở mức độ nào, sử dụng ở toàn tác phẩm hay chỉ sử dụng thông tin để kết hợp thông tin khác trong một tác phẩm hoàn chỉnh, và cuối cùng là quyết định sử dụng vào mục nào, trang nào, số báo nào. Biên tập đầu đề, phân mào đầu, phần thân tin và phần kết thúc sao cho tác phẩm báo chi trở nên hoàn chỉnh, sử dụng được. Trong quá trình biên tập chú ý thực hiện các quy định về văn phong, chính tả, ngữ pháp, số liệu , tiếng nước ngoài: sử dụng ảnh, biểu đồ tranh minh họa thích hợp.

Để khắc phục tạm thời nhược điểm thiếu tính thời sự do thiếu người viết, người viết kiêm nhiệm, các trang tin điện tử của Liên hiệp Hội có thể bám vào ý nghĩa thời sự của sự kiện, nhiệm vụ của biên tập là thổi tính thời sự vào tin, sử dụng những từ như “vừa qua”, “

Nhà báo Trần Đức Thảo cũng cho rằng để thực hiện chức năng phổ biến kiến thức khoa học đến quảng đại quần chúng nhân dân, cần phổ thông hóa những vấn đề khoa học phức tạp để bạn đọc hiểu được. Nếu không hiểu được giá trị khoa học thì hiểu được giá trị thực tiễn. Tránh sa đà vào vấn đề kỹ thuật sâu.

Ông Phạm Văn Được, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết để tạo sức lan tỏa của trang tin điện tử, từ năm 2015, Hiệp Hội đã kết hợp tạo một tài khoản trên mạng xã hội Facebook và đã chuyển tải những thông tin chính từ website của Hiệp Hội lên địa chỉ trên trang Facebook thành một trang thông tin liên kết chính thức với đầy đủ địa chỉ lôgô nhận diện như ở website. Sự kết hợp này đã thu được nhiều kết quả, thực tế đã có sự liên kết cộng hưởng rất tốt về quảng bá trong cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ như những hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt vừa qua ở Hà Tĩnh và Quảng Bình do Hiệp Hội tổ chức được tải lên trang thông tin điện tử và địa chỉ liên kết trên facebook, chỉ trong một thời gian ngắn đã có sự hưởng ứng nhanh chóng của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.

Phần lớn các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, để biên tập tin, bài ở các chuyên mục tin tức về thành tựu khoa học công nghệ, những tấm gương điển hình về hoạt động khoa học và công nghệ, Ban biên tập phải nắm vững kiến thức khoa học công nghệ, xác định nội dung, chủ đề, đối tượng cho phù hợp với chuyên mục. Không chỉ vậy, Ban biên tập phải xác định mục tiêu mà người viết cần hướng tới và có những hiểu biết nhất định đối tượng mà tác giả phản ánh trong tin, bài. Biên tập, xử lý tin, bài một cách khách quan, khoa học, đảm bảo tính thời sự và tính chuyên nghiệp. Thông qua việc chỉnh sửa nội dung và hình thức tin, bài, Ban biên tập làm nổi bật những thành tựu khoa học công nghệ áp dụng vào thực tiễn hoặc những đóng góp cá nhân điển hình trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đó giúp tác giả có thêm thông tin viết bài và đưa tấm gương điển hình hoạt động khoa học công nghệ đến gần hơn với bạn đọc.

Ngoài trao đổi kinh nghiệm hoạt động trang tin điện tử, hội thảo đã dành thời gian để các nhà báo chuyên nghiệp chia sẻ một số kỹ năng biên tập. Theo các đại biểu, những hội thảo – tập huấn như thế này hết sức cần thiết nên cần được tiếp tục tổ chức với những chủ đề chuyên sâu hơn, qua đó góp phần chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng các trang tin điện tử trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam.

Hoàng Anh

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email