Những điều nông dân cần biết về bệnh đạo ôn và cách phòng trừ hại lúa

Bệnh đạo ôn hại lúa là bệnh gây hại phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng lúa. Đối với bệnh đạo ôn, biện pháp hữu hiệu để quản lý bệnh là phát hiện bệnh sớm và phun phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, bón phân cân đối hợp lý cũng là yếu tố hạn chế bệnh phát sinh gây hại trên đồng ruộng.

Thời tiết âm u, ít nắng, có mưa phùn kéo dài, ẩm độ không khí cao, sương mù,..kết hợp ruộng lúa gieo cấy mật độ dày, bón mất cân đối, thừa phân đạm là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát triển mạnh và gia tăng mức độ gây hại trên diện rộng. Theo quy luật về thời tiết, bệnh đạo ôn thường phát sinh phát triển mạnh ở vụ Đông -Xuân tập trung giai đoạn lúa con gái – đứng cái – làm đòng. Để giúp người nông dân chủ động phòng trừ, giảm tối đa thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, sau đây là một số hướng dẫn kỹ thuật bà con cần biết để áp dụng:

Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây nên. Nấm Pyricularia oryzae phát sinh mạnh khi trời nhiều mây, số giờ có nắng dưới 2 giờ/ngày, mưa phùn, sương đêm, sương mù, ẩm độ không khí cao trên 90%, nhiệt độ từ 18 – 20 độ C. Bệnh cũng thường xảy ra trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, nhất là đối với những giống lúa mẫn cảm với bệnh. Ngoài ra một số biện pháp canh tác không phù hợp cũng góp phần làm bệnh phát triển như sạ quá dày hoặc bón thừa đạm dẫn tới làm giảm tính chống chịu, cây lúa yếu ớt, tạo ra tiểu khí hậu thuận lợi cho bệnh. Nguồn nấm gây bệnh tồn tại chủ yếu trong rơm, gốc rạ, hạt lúa bị bệnh và cỏ dại trên ruộng như cỏ chỉ, cỏ mần trầu, cỏ cú…

Những triệu chứng cơ bản của bệnh đạo ôn:

Giai đoạn mạ – đẻ nhánh, bệnh hại chủ yếu tấn công hại trên lá, gọi là đạo ôn lá hay cháy lá. Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, mầu xám xanh giống như bị nước sôi, sau chuyển sang màu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng. Nếu bị nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành mảng lớn, có thể làm lá bị khô cháy, cây lúa lụi tàn, gây thất thu năng suất nghiêm trọng.

Giai đoạn đứng cái – làm đòng trổ, nấm bệnh tấn công trên cổ bông, được gọi là đạo ôn cổ bông hay thối cổ gié. Nấm tấn công làm cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi bông, nuôi hạt, hạt lúa sẽ bị lép lửng. Vết bị bệnh lúc đầu có màu xám xanh, sau chuyển dần sang màu nâu, nâu đậm. Nếu ẩm độ không khí cao, chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, dễ bị gẫy, làm ruộng lúa trở nên xơ xác. Nếu bệnh tấn công sớm có thể làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn, gây thất thu năng suất rất lớn.

Biện pháp phòng trừ:

Để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân này, bà con nông dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm triệu chứng bệnh để kịp thời phòng trừ bệnh.

– Tăng cường chăm sóc, quản lý cỏ dại, bón phân cân đối: Ruộng lúa cần làm cỏ, phát bờ tạo sự thông thoáng trên đồng ruộng. Giữ mực nước đầy đủ trên mặt ruộng tùy theo nhu cầu nước từng giai đoạn của cây lúa, tránh để ruộng khô hạn khi có bệnh xảy ra. Ngoài ra, vệ sinh đồng ruộng, diệt lúa chét, làm sạch cỏ bờ… hạn chế mầm bệnh lưu tồn và lây lan.

Bón phân cân đối NPK, không nên bón đạm tập trung vào trước thời kỳ cuối đẻ nhánh, làm đòng và trước, sau trỗ. Khi cây lúa bị bệnh. Đặc biệt, tuyệt đối không được bón đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng khi lúa đã nhiểm bệnh. Cần chú ý phân biệt các triệu chứng cháy lá do bệnh đạo ôn với các vết cháy do các nguyên nhân khác gây ra như bị cháy lá do ảnh hưởng của việc phun thuốc không đúng kỹ thuật, cháy lá do bón phân KCl khi lá lúa đang còn sương ướt…

– Phòng, trừ bệnh kịp thời và sử dụng thuốc hiệu quả:

Tiến hành phun phòn trừ bằng các thuốc như Beam 75WP, Bamy 75 WP, Fuji – one 40 WP, Fu- army 40 EC, Nativo 750WG …khi thời tiết nắng ráo. Sau 2 – 3 ngày kiểm tra kết quả phòng trừ, nếu vết bệnh vẫn tiến triển, có vết bệnh mới xuất hiện phải phun lại lần 2 để ngăn ngừa bệnh lây lan gây hại nặng. Đối với những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, do nguồn bệnh đã có sẵn trên ruộng, thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh phát triển và gây hại khi điều kiện thời tiết phù hợp, do vậy cần phun phòng bằng cách phun kép 2 lần với các loại thuốc nêu trên, lần 1 khi lúa trổ lác đác, lần 2 khi lúa trổ xong.

Tuân thủ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên ghi trên bao bì và thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc 4 đúng.

Hồ Thành

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email