Nặng lòng với nhà rường xứ Huế

Ở làng Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) ai cũng ngưỡng mộ ông Lê Văn Trực, 56 tuổi, bởi ông không chỉ giỏi làm kinh tế trở thành “tỷ phú nhà rường” mà còn là người bạn thân thiết, luôn đồng hành với những người nghèo khó, người gắn kết giữa các mạnh thường quân với những số phận hẩm hiu, hoàn cảnh bi đát, éo le ở quê hương ông.

Tuổi thơ đầy “sóng gió”

Lên 4 tuổi thì mất bố, 7 tuổi mẹ đi lấy chồng, ba chị em Trực sống bơ vơ, đói khát trong ngôi nhà tranh vách đất siêu vẹo, được bà cô ruột thương tình đem về nhà nuôi, bữa đói bữa no rau sắn qua ngày và sống âm thầm, lầm lũi phụ giúp công việc đồng áng, vườn tược. Trực được bà cô cho học xong lớp 2 thì nghỉ vì không có tiền đóng học phí, thế là cậu đi giữ trâu thuê cho một người trong làng để kiếm cơm nuôi thân. Suốt 4 năm ròng rã giữ trâu, cắt cỏ, dọn phân, nhiều đêm Trực gác tay lên tráng suy nghĩ: chẳng lẽ cuộc đời mình cứ đi “ở đợ” mãi thế này ư? Không. Không thể như rứa được. Đến năm 13 tuổi Trực quyết định tìm đến ông Bùi Quang Đích – thợ mộc mỹ nghệ giỏi nhất của làng Mỹ Xuyên lúc bấy giờ để xin học nghề thợ mộc. Do chăm chỉ, cần mẫn làm việc và sáng dạ nên sau 1,5 năm “thụ giáo” với thầy giỏi, Trực đã có tay nghề khá vững chắc nên xin tháp tùng với đàn anh, đàn chú trong làng phiêu bạt vào Nam, ra Bắc để hành nghề kiếm sống. 19 tuổi chàng Trực đã mạnh dạn mở xưởng mộc riêng ở Quảng Trị và quản lí 10 thợ trong tay. Thế rồi cũng có lúc thăng-trầm, lên-xuống, làm ăn thất bát ông phải nhiều lần khăn gói lên đường ngược xuôi, đến những vùng đất như: Buôn Mê Thuột, Ninh Thuận, Sài Gòn, Bà Rịa-Vũng Tàu…kiếm kế sinh nhai. Từ một ông chủ nhỏ xuống người thợ làm thuê, vốn liếng có khi tích cóp đến trăm triệu, cũng có lúc…trắng tay rồi trở về quê trong sự chê cười, hắt hủi, dèm pha của bà con xóm làng.

 Đến tỷ phú nhà rường

Hơn 10 năm đi “tha phương cầu thực” dành dụm được một số tiền nhỏ, năm 1998 anh trở về làng quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Lúc đó, mộc mỹ nghệ làng Mỹ Xuyên vẫn đang trong giai đoạn “tranh tối, tranh sáng”, chưa phục hưng như thời kỳ hoàn kim, thế nên anh vừa làm nghề mộc dân dụng kết hợp chăn nuôi heo, gà. Với chủ trương: lấy ngắn nuôi dài, từ lợi nhuận của việc chăn nuôi sau 4 năm cật lực lao động, ông đã tích lũy đồng vốn để đẩy mạnh nghề mộc của mình ngày càng phát triển vươn xa. Năm 2004, UBND huyện Phong Điền quyết định khôi phục lại nghề mộc mỹ nghệ của làng Mỹ Xuyên, với chủ trương này đã thổi một luồng sinh khí mới cho những ai yêu thích, tâm huyết với nghề mộc truyền thống của cha ông. Thế là, ước mơ làm giàu ngay trên chính quê hương của ông Trực đang dần có tính khả thi. Với phương châm “không gì là không thể”, thời cơ thuận lợi đã đến, ông gom hết toàn bộ số tiền mà gia đình dành dụm được và vay thêm 200 triệu từ bạn bè, người thân để mở xưởng mộc lớn ở đường quốc lộ 49B-khu quy hoạch làng nghề. Ông là người thành lập doanh nghiệp tư nhân đầu tiên và trở thành vị giám đốc đầu tiên của làng mộc Mỹ Xuyên. Trong bộn bề gian khó do chưa tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, sản phẩm mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc. Tuy vậy, ông đã có suy nghĩ và cách làm riêng: “Mỹ Xuyên nổi tiếng với nghề làm nhà rường từ xa xưa, đặc biệt là nhà rường mang đậm phong cách, kiến trúc xứ Huế thì kỹ thuật làm không ai bằng thợ làng Mỹ Xuyên. Hơn nữa, cuộc sống ngày càng đi lên nên không ít người sẵn sàng bỏ ra bạc tỉ để được sở hữu cái nhà rường ưng ý”.

Ông Lê Văn Trực bên ngôi nhà rường của mình

     Số tiền bán được từ các mặt hàng mỹ nghệ như bàn, ghế, giường, tủ…ông gom hết mua gỗ với số lượng lớn để làm nhà rường, mỗi chiếc nhà rường tiêu tốn hàng chục khối gỗ, ông ròng rã mấy tháng trời cưỡi “ngựa sắt” đi nhiều nơi tìm mua nguyên liệu. Mặc dù chỉ trình độ văn hóa lớp 2 nhưng ông không cam chịu thua thiệt, quyết chí tự học, tự tìm tòi học qua sách báo, mạng intenet, tự trang bị kiến thức nghề nghiệp cho bản thân và trở thành vị giám đốc có tiếng như ngày nay. Hiện doanh nghiệp Thường Trực của ông có đến hàng chục thợ mộc giỏi làm việc quanh năm, ông đã giải quyết việc làm cho 20- 30 lao động địa phương, với mức lương ổn định từ 8-10 triệu/người/tháng. Nói về bí kíp, tinh anh nghề nghiệp, ông Trực chia sẻ: “Nhà rường xứ Huế có kết cấu kiểu 3 gian 2 chái truyền thống, với hệ thống liên hoàn gồm cột, kèo, kẻ, bẫy, xuyên, trến, bao lam…Làm nhà rường khó nhất là phần hai chái, đòi hỏi người thợ phải dốc hết kinh nghiệm nghề nghiệp, tập trung cao độ chuyên môn, phải tỉ mỉ đến từng chi tiết một. Sở dĩ tôi đặt tên doanh nghiệp là “Thường Trực” để nhắc nhở mình phải luôn có mặt, phải thường trực cùng anh em ở những công đoạn khó, đòi hỏi tính kỹ thuật cao”. Sản phẩm những cái nhà rường của công ty Thường Trực hiện đã “vươn vòi” đến nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Tp.HCM. Tháng 12/2018 ông đã bàn giao một ngôi nhà rường bằng gỗ mít, với kiến trúc 3 gian 2 chái, đúng nguyên bản nhà rường Huế cho một chủ nhân ở huyện Long Thành (Đồng Nai) với giá 2 tỷ đồng. Mới đây, chúng tôi ghé thăm ông “Trực nhà rường” thấy ông tất bật chuẩn bị đưa 10 thợ giỏi của doanh nghiệp vào lắp ráp 2 cái nhà rường ở quận 12 (Tp.HCM), dự kiến thời gian lắp ráp là 15 ngày, với giá thành 1,5 tỉ đồng/cái. Ngoài chi phí các khoản như: gỗ, điện sản xuất, phí vận chuyển, trả lương cho công nhân…thì doanh nghiệp tư nhân Thường Trực có doanh thu lên đến vài tỉ đồng/năm là có thật.

Ông Trực (bìa phải) đang hướng dẫn thợ làm một công đoạn khó

     Vị giám đốc giàu lòng nhân ái

Là giám đốc bận điều hành doanh nghiệp với bộn bề công việc, đơn đặt hàng gần xa, vừa làm Trưởng ban Quản lí làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, ông phải thường xuyên đi dự họp ở huyện, tỉnh; dự hội nghị xúc tiến làng nghề, gặp gỡ làm việc với các đối tác. Tuy vậy, ông vẫn luôn quan tâm đến những người có hoàn cảnh khốn khó, bệnh tật, già cả neo đơn ở địa phương. Nhiều năm qua, ông đã kết nối với Hội đồng hương ở Tp.HCM xin nhà cho người nghèo, giúp đỡ một phần kinh phí cho những người bệnh tật nan y, mổ tim, chạy thận, lọc máu; cấp phát học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tặng quà Tết cho các hộ nghèo trong thôn, xã. Điển hình, năm 2017 ông xin được một căn nhà cấp bốn cho bà Bùi Thị Hiền có hoàn cảnh neo đơn ở thôn Can Cư Nam, xã Phong Hòa với số tiền là 50 triệu đồng; vận động các mạnh thường quân giúp cho 1 trường hợp mổ tim ở làng Mỹ Xuyên và 1 trường hợp chạy thận ở làng Can Cư Nam, với số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng/1 trường hợp. Tháng 4/2017 ông Trực đã vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp là người làng Mỹ Xuyên làm ăn thành đạt ở khắp nơi để đúc 250m đường bê tông vào chốn tâm linh nghĩa trang làng Mỹ Xuyên với kinh phí 250 triệu đồng; vận động hỗ trợ các xóm nghèo trong thôn xây 600m đường bê tông với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Tháng 12/2018 ông đã vận động được 2 cá nhân là ông Lê Đăng Tự (Tp.HCM) và bà Dư Cẩm Bình (Đài Loan) để xây một ngôi nhà tình thương cho bà Lê Thị Hường với trị giá 52 triệu đồng… Khi được hỏi vì sao ông vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vừa chú tâm làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, giám đốc Trực tâm sự: “Thuở nhỏ tôi sống cảnh nghèo đói, bơ vơ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương và được nhiều người trong xã hội cưu mang, đùm bọc. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tôi hứa trong tâm là khi nào mình làm ăn thành đạt thì sẽ cố mà trả ơn đời. Hôm nay tôi đã thực hiện được một phần tâm nguyện đó”. Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa đánh giá: “Anh Trực là công dân tiêu biểu của địa phương chúng tôi, là người tiên phong đầu tư mở xưởng từ những ngày gian khó, góp phần đưa đến sự khởi sắc của làng mộc như hôm nay. Đặc biệt, anh không những giỏi làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Những trường hợp nào gặp khó khăn về nhà ở hay bệnh tật hiểm nghèo anh đều ra tay cứu giúp. Chúng tôi rất trân trọng những nghĩa cử cao đẹp, việc làm giàu tính nhân văn của giám đốc Lê Văn Trực”.

NHẬT MINH

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email