Nhiệm vụ nghiên cứu ô nhiễm cho mỗi vùng lãnh thổ đều đòi hỏi sản phẩm cuối cùng là bản đồ phân vùng cảnh báo ô nhiễm. Bản đồ này một mặt thể hiện những kết quả chính của chuyên đề qua nghiên cứu đánh giá các yếu tố dẫn đến ô nhiêm, mặt khác cung cấp một cái nhìn tổng thể về nguy ô nhiễm trên toàn khu vực. Một bản đồ phân vùng nguy cơ tốt có ý nghĩa lớn trong việc định hướng sử dụng hợp lý vùng lãnh thổ.
Nguyên tắc chung nhất trong phân vùng nguy cơ ô nhiễm là đánh giá dựa trên số lượng các yếu tố tác động và mức độ tác động của từng yếu tố. Những yếu tố này ở giai đoạn trước cách mạng tin học được đánh giá bằng kỹ thuật chồng ghép tay các bản đồ thành phần. Việc sử dụng các tư liệu khác bổ xung cho nghiên cứu và đánh giá các yếu tố tác động cũng như xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trong hệ thông tin địa lý hiện nay đã tạo ra một khả năng rộng lớn cho các nhà nghiên cứu trong việc tích hợp các bản đồ thành phần để xây dựng bản đồ cảnh báo gần hiện thực nhất.
Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ ô nhiễm ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai được xây dựng trên cơ sở của các phép phân tích không gian trong phần mềm chuyên dụng ILWIS. Để có thể tiến hành được các phép phân tích không gian đòi hỏi phải xây dựng được một hệ cơ sở dữ liệu trong hệ thông tin địa lý. Các bản đồ yếu tố gây ô nhiễm sau khi phân cấp và cho điểm được tiến hành số hóa và quản lý trong Mapinfo. Các bản đồ trước khi số hóa đã được đăng ký hệ tọa độ của hệ qui chiếu VN2000 của nước ta.
Bản đồ ô nhiễm giá trị số là một bản đồ có rất nhiều giá trị khác nhau. Vì vậy, ở dạng nguyên thủy nó không thể đặc trưng như một bản đồ cảnh báo ô nhiễm. Để hình thành bản đồ cảnh báo nguy cơ ô nhiễm ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cần thiết phân cấp bản đồ ô nhiễm giá trị số trên. Việc lựa chọn số lượng cấp cần phân chia có ý nghĩa thực tế và thường được quyết định đến ô nhiễm được phân chia thành từ 3- 5 lớp (bậc, cấp) thành tố nhỏ hơn. Việc xác định ảnh hưởng của các thành tố phụ thuộc vào mối tương quan của từng lớp thành tố đó đối với ô nhiễm. Giá trị của mỗi lớp (mối liên quan với ô nhiễm) được đánh giá bằng thang điểm thống nhất: 1,3,5,7,9; tương ứng với các mức độ nguy cơ thấp, trung bình và cao. Như vậy, giá trị của lớp càng lớn thì có cấp độ nguy cơ ô nhiễm càng cao. Việc xác định, đánh giá trị của mỗi lớp được tiến hành dựa trên phương pháp chuyên gia kết hợp với so sánh, đánh giá bằng phân tích khu vực chìa khoá, cũng như sử dụng các kết quả nghiên cứu đã có trước trong khu vực của các tác giả khác nhau.
Bản đồ cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai Thừa Thiện Huế được thành lập trên cơ sở hợp 4 bản đồ nguy cơ ô nhiễm theo 4 yếu tố quyết định nói trên (bản đồ canh báo nguy cơ ô nhiễm thành phần) dựa vào công nghệ GIS. Giá trị trọng số bản đồ cảnh báo nguy cơ ô nhiễm ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai được xác định bằng phương pháp phân tích cấp bậc Saaty và giá trị LSI được tính như sau:
LSI = 0,450 x Bđ – Đbts + 0,350 x Bđ – Ntts + 0,150 x Bđ – Cctxd + 0,050 x Bđ – Shccn.
Kết quả xử lý tích hợp bằng phần mềm ILWIS là bản đồ giá trị số với mỗi pixel diện tích có một giá trị LSI tương ứng theo công thức trên. Để xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, cần phân chia các giá trị LSI trên bản đồ giá trị số thành các cấp nguy cơ phù hợp (ví dụ thành 3 cấp nguy cơ khác nhau). Nguyên tắc và phương pháp nhân chia các cấp nguy cơ từ các giá trị LSI như sau: Ngưỡng để phân cấp bản đồ ô nhiễm giá trị số được lựa chọn sau khi thực hiện xử lý thống kê bản đồ giá trị số (trong phần mềm ILWIS), kết quả cho ta đường cong tích luỹ xác suất. Từ các thông số thống kê, đường cong tích luỹ xác suất trên cho phép lựa chọn 3 cấp để phân chia nguy cơ ô nhiễm trong khu vực với giá trị số sau: Cấp nguy cơ thấp, trung bình, cao.
Với các khoảng giá trị LSI như trên, bản đồ cảnh báo nguy cơ ô nhiễm ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai được trình bày trên Hình 4.1. Từ bản đồ cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, sử dụng các phép xử lý thống kê cho phép xác định những vùng ô nhiễm chung. Trên sơ đồ phân vùng nguy cơ ô nhiễm tỷ lệ 1:50000 ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cho thấy, có 3 cấp nguy cơ ô nhiễm điển hình: vùng có nguy cơ ô nhiễm cao, trung bình và thấp.
Nhiều khu vực trong đầm phá ô nhiễm diễn ra với cường độ, tần xuất và quy mô lớn.
Vùng có nguy cơ ô nhiễm cao phân bố ở các khu vực bao gồm: khu vực thuộc địa phận xã Phong Hải, huyện Phong Điền; xã Phú Thanh và thị trấn Thuận An huyện Phú Vang; xã Vinh Hà và xã Lộc Bình huyện Phú Lộc.
Vùng có nguy cơ ô nhiễm trung bình phân bố ở rải rác các khu vực: khu vực xã Quãng Ngạn, Quãng Vinh huyện Quãng Điền; khu vực xã Phú Xuân huyện Phú Vang.
Vùng có nguy cơ ô nhiễm thấp phân bố ở các khu vực: khu vực xã Phú Mỹ huyện Phú Vang; khu vực xã Vinh Hưng, Vinh Hải, xã Lộc Điền huyện Phú Lộc.
Thống kê nguy cơ ô nhiễm theo đơn vị hành chính có đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Bảng 1.).
Bảng 1. Thống kê mức độ nguy cơ ô nhiễm ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên Huế
TT | Phân vùng nguy cơ ô nhiễm theo địa phương
có đầm phá Tam Giang – Cầu Hai |
Mức độ nguy cơ ô nhiễm |
1 | Xã Phong Hải, huyện Phong Điền; xã Phú Thanh và thị trấn Thuận An huyện Phú Vang; xã Vinh Hà và xã Lộc Bình huyện Phú Lộc. | Nguy cơ ô nhiễm cao |
2 | Xã Quãng Ngạn, Quãng Vinh huyện Quãng Điền; khu vực xã Phú Xuân huyện Phú Vang, xã Vinh Thanh, Vinh Hưng, Lộc Điền huyện Phú Lộc | Nguy cơ ô nhiễm trung bình |
3 | Xã Quảng Thọ, Quảng Phước huyện Quảng Điền, Phú Mỹ huyện Phú Vang, xã Lộc An huyện Phú Lộc. | Nguy cơ ô nhiễm thấp |
BÙI THẮNG