Tiềm năng phát triển du lịch xanh trong khai thác và phát huy giá trị di sản tại Quần thể di tích Cố đô Huế

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thu Sương

Trường Du lịch, Đại học Huế

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nhu cầu bảo tồn văn hóa, du lịch xanh nổi lên như giải pháp chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. Những năm gần đây, du lịch xanh đã trở thành xu hướng của ngành công nghiệp không khói ở nhiều nước trên thế giới, bởi nó có vai trò to lớn trong duy trì, khôi phục đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Với lợi thế là một vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, Thừa Thiên Huế sở hữu một kho tàng di sản UNESCO đặc biệt phong phú và đa dạng, tạo nên một lợi thế độc nhất trong việc phát triển đa ngành. Với 8 di sản thế giới UNESCO, trong đó có 6 di sản độc đáo của riêng mình, Huế nắm giữ vị thế đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á. Sự kết hợp độc đáo giữa di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu tạo ra một hệ sinh thái văn hóa – lịch sử toàn diện, mở ra cơ hội phát triển đan xen và bổ trợ cho nhau giữa các ngành.

Quần thể di tích Cố đô Huế bao gồm nhiều công trình lịch sử, kiến trúc, và văn hóa độc đáo, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993, là một trong những điểm đến du lịch quan trọng của Việt Nam, tạo nên sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc, và những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng, hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh,…. Sự giao thoa này tạo ra một trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở các địa phương khác. Nó không chỉ phản ánh bề dày lịch sử và văn hóa của dân tộc mà còn mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật và tâm linh sâu sắc, là nền tảng để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa và lịch sử. Lợi thế vượt trội của Huế nằm ở sự đa dạng và tính liên kết của các di sản. Điều này mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử. Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo. Những lợi thế này là cơ sở để triển khai các mô hình du lịch xanh nhằm bảo tồn các di tích lịch sử (bằng cách hạn chế các hoạt động gây hại cho môi trường và di tích), thu hút đối tượng du khách quan tâm đến du lịch bền vững (du khách quốc tế ngày càng có xu hướng chọn lựa các điểm đến cam kết bảo vệ môi trường).

Không gian xanh mang đến nhiều trải nghiệm thú vị

Tuy nhiên, dưới tác động của du lịch đại trà, môi trường và giá trị di sản nơi đây đang chịu nhiều áp lực. Trước bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, việc phát triển du lịch xanh được coi là giải pháp hiệu quả để bảo tồn di sản và phát triển kinh tế bền vững. Nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá tiềm năng phát triển du lịch xanh tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, từ đó đề xuất giải pháp phát triển du lịch xanh, khai thác giá trị di sản từ góc nhìn kinh tế du lịch.

II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH XANH TẠI CÁC ĐIỂM DI TÍCH THUỘC QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ nổi bật bởi giá trị lịch sử và văn hóa mà còn có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, dù đã đạt được một số kết quả tích cực.

  1. Thành tựu và nỗ lực trong phát triển du lịch xanh tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế

– Tăng cường bảo tồn di sản: Các cơ quan quản lý nhà nước và Trung tâm BTDT Cố đô đã chú trọng đến việc bảo tồn cảnh quan tự nhiên và môi trường tại các điểm di tích, như Đại Nội, lăng tẩm vua chúa, các chùa cổ và hàng loạt di tích phụ cận khác. Việc trồng cây xanh, bảo vệ các dòng sông, hồ nước trong khu vực di tích (như (sông Hương, sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm…) và duy trì các vườn thượng uyển truyền thống góp phần tạo môi trường cảnh quan trong lành,  xanh mát, hài hòa với di tích.

– Sử dụng năng lượng sạch: Một số khu vực tại Đại Nội và các điểm di tích đã triển khai sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng và vận hành hệ thống chiếu sáng ban đêm. Các tour tham quan bằng xe điện tại Đại Nội và các điểm lăng tẩm đã được triển khai, hạn chế khí thải từ phương tiện giao thông truyền thống.

– Xây dựng hệ thống giao thông xanh: Việc hạn chế xe cộ gây ô nhiễm vào khu vực di tích, khuyến khích sử dụng xe điện hoặc xe đạp, đã được thực hiện ở một số nơi như Đại Nội và một số lăng tẩm như lăng vua Gia Long. Các tuyến du lịch bằng thuyền trên sông Hương đã được cải thiện, với yêu cầu sử dụng các loại thuyền thân thiện hơn với môi trường.

– Tuyên truyền ý thức du lịch xanh: Các chương trình giáo dục, thông tin về bảo vệ môi trường và giáo dục di sản được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương và du khách khi tham quan taị các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô như các chiến dịch “Nói không với rác thải nhựa” hoặc chương trình “Ngày thứ Bảy xanh” tại các điểm di tích.

  1. Những vấn đề cần quan tâm trong phát triển du lịch xanh tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế

Du lịch xanh là xu hướng phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, và tạo ra giá trị kinh tế lâu dài. Tại Quần thể di tích Cố đô Huế, với giá trị văn hóa – lịch sử đặc biệt, việc phát triển du lịch xanh đang ngày càng được chú trọng. Mặc dù Quần thể di tích Cố đô Huế có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lich xanh, tuy nhiên, thực trạng hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện, đó là:

– Cân bằng giữa phát triển và bảo tồn: Áp lực từ lượng khách du lịch lớn đến tham quan tại các điểm di tích thuộc Quần thể du tích Cố đô, đặc biệt vào mùa cao điểm, áp lực lên cơ sở hạ tầng, môi trường và cảnh quan tự nhiên là rất lớn. Hiện tượng xả rác bừa bãi, ô nhiễm tiếng ồn và phá hoại cảnh quan vẫn xảy ra tại các điểm di tích.

– Thiếu đồng bộ trong hạ tầng xanh: Một số điểm di tích chưa có hệ thống xử lý rác thải hiệu quả, hoặc các tiện ích phục vụ du khách theo hướng bền vững. Việc xả rác bừa bãi tại một số khu vực vẫn diễn ra, đặc biệt là trong các mùa cao điểm du lịch. Thiếu các tiện ích thân thiện với môi trường như nhà vệ sinh sinh thái, khu vực tái chế rác hoặc các trạm cung cấp nước uống miễn phí.

Đưa trải nghiệm  du lịch xanh vào dịch vụ du lịch

– Sản phẩm du lịch xanh chưa đa dạng: Các sản phẩm và dịch vụ du lịch gắn với di sản và môi trường tự nhiên chưa được khai thác hiệu quả, ví dụ như các tour trải nghiệm sinh thái hay các hoạt động văn hóa bền vững. Chưa có các mô hình trải nghiệm xanh hay các trải nghiệm gắn liền với cộng đồng địa phương để tạo dấu ấn đặc trưng.

– Thiếu nguồn vốn đầu tư: Các dự án du lịch xanh tại Huế nói chung và tại Quần thể du tích Cố đô đòi hỏi đầu tư lớn và kinh phí duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hiện nay còn hạn chế.

– Ý thức du khách chưa cao: Một số du khách chưa nhận thức đúng đắn về du lịch xanh, dẫn đến hành vi thiếu trách nhiệm như xả rác, viết bậy lên tường hay bẻ cây, hái hoa tại các điểm di tích.

– Thiếu chiến lược phát triển dài hạn: Du lịch xanh chưa được tích hợp chặt chẽ trong các kế hoạch phát triển du lịch tổng thể của Huế và tại các điểm di tích. Sự phối hợp giữa các bên liên quan (cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng) còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai chưa hiệu quả.

III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH XANH TẠI QUẦN THỂ CỐ ĐÔ HUẾ

  1. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh

– Xây dựng các hệ thống xử lý rác thải, nước thải hiện đại tại các điểm di tích.

– Mở rộng các tuyến giao thông xanh như xe điện, xe đạp, và thuyền sinh thái.

  1. Giáo dục và nâng cao nhận thức

– Triển khai các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ về du lịch xanh, từ đó thay đổi hành vi của người dân, doanh nghiệp và du khách.

– Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng và kiến thức về du lịch xanh cho cộng đồng và nhân viên tại các điểm di tích.

Gắn sản phẩm du lịch xanh với di sản

  1. Phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với cộng đồng

– Tạo các tour du lịch trải nghiệm kết hợp giữa tham quan di tích và khám phá các làng nghề truyền thống, trải nghiệm ẩm thực địa phương. Phát triển các tour du lịch sinh thái: Kết hợp tham quan di sản với trải nghiệm văn hóa – tự nhiên như chèo thuyền trên con sông, hồ của các điểm di tích như sông Ngự Hà, đạp xe qua các điểm di tích, lăng tẩm.

– Khuyến khích xây dựng các mô hình trải nghiệm xanh, sử dụng vật liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường.

  1. Ứng dụng công nghệ hiện đại

Sử dụng công nghệ để quản lý lượng khách tham quan, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản, như hệ thống camera giám sát, bán vé trực tuyến tại các điểm di tích nhằm hạn chế lượng khách tập trung quá đông tại một thời điểm.

  1. Tăng cường hợp tác công – tư

– Thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển các dự án du lịch xanh như năng lượng tái tạo, phương tiện thân thiện với môi trường tại các điểm di tích.

– Hợp tác với các tổ chức quốc tế để nhận hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho các dự án bảo tồn di sản.

  1. Giám sát và xử phạt nghiêm minh

Tăng cường lực lượng kiểm soát để giám sát hành vi của du khách và áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi gây hại đến môi trường và di tích.

Thực trạng phát triển du lịch xanh tại Quần thể di tích Cố đô Huế đang ở giai đoạn khởi đầu với nhiều kết quả tích cực nhưng còn nhiều hạn chế. Để phát huy hiệu quả giá trị di sản và đảm bảo phát triển bền vững, cần có chiến lược dài hạn, sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan và cam kết đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng và giáo dục./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email