Tác giả: PGS.TS. Trần Đình Bình
Bộ môn Vi sinh, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế
- Mở đầu
Trong những năm gần đây, sốt xuất huyết ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay có khoảng 6.600 ca mắc sốt xuất huyết và có tuần số ca mắc được ghi nhận là 226 ca. Nếu giai đoạn 1980-2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, thì giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 (hơn 334.231 ca) và năm 2022 (367.729 ca), đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau Brazil. Năm 2023, cả nước tiếp tục ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người tử vong. Mặc dù số ca mắc giảm khoảng 54%, số tử vong giảm 72% (giảm 108 trường hợp) so với năm 2022, nhưng dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam từ năm 2023 đến nay diễn biến phức tạp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo về tình trạng gia tăng tỉ lệ mắc sốt xuất huyết trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây. Theo thống kê của WHO, năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết toàn cầu đạt mức cao nhất trong lịch sử với 4,9 triệu trường hợp được ghi nhận tại 129 quốc gia. Đầu năm 2023, WHO tiếp tục cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới, đồng thời là một “mối đe dọa đại dịch”.
Trước đây, sốt xuất huyết thường diễn biến theo mùa. Mùa mưa là mùa cao điểm của sốt xuất huyết do liên quan đến sự sinh sản của loài muỗi. Tuy nhiên, dưới tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu, quá trình đô thị hóa hay giao thương phát triển, dịch sốt xuất huyết ngày càng diễn tiến khó lường.
Hiện nay tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết diễn ra rải rác quanh năm và xuất hiện trên mọi miền đất nước.
- Nhận diện những yếu tố gây sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở Việt Nam
Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân liên quan đến môi trường, y tế, và hành vi xã hội. Việc triển khai vắc xin có thể cải thiện tình hình nhưng cũng gặp một số thách thức.
2.1. Điều kiện môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao và mưa nhiều, tạo môi trường lý tưởng cho Aedes aegypti và Aedes albopictus (muỗi truyền virus Dengue) sinh sản. Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm tháng 3 – tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn. Hai khoảng thời gian này cũng chính là thời điểm bùng phát mạnh mẽ dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc. Còn ở miền Nam, bất kỳ thời gian nào cũng có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết do sự phân bố dày đặc của muỗi vằn. Sự gia tăng đô thị hóa không kiểm soát làm xuất hiện nhiều ổ nước tù đọng, nơi muỗi dễ phát triển. Lối sống tại các đô thị vô tình tạo ra các vật chứa mới thuận lợi cho sự phát triển của lăng quăng và muỗi truyền bệnh, như túi nilông, vỏ xe, chậu cảnh, chai lọ, lon nước ngọt… Những vật chứa này khó xử lý và kiểm soát hơn, so với dụng cụ chứa nước sinh hoạt chung thường bị nhiễm lăng quăng trước đây như lu, chum, vại…
2.2. Sự lan truyền của nhiều chủng virus Dengue
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam lưu hành cả 4 type virus Dengue, nhưng type virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, type DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 type DENV-2 chiếm khoảng 70%. Type DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch, cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết. Người đã nhiễm một type virus sẽ có miễn dịch lâu dài với type đó nhưng không bảo vệ được trước các type khác. Nhiễm lần sau có thể dẫn đến sốt xuất huyết nặng do cơ chế “phản ứng miễn dịch tăng cường” (antibody-dependent enhancement – ADE).
2.3. Hạn chế trong kiểm soát và phòng chống muỗi
Các biện pháp như phun hóa chất, diệt lăng quăng thường không bền vững do phụ thuộc vào ý thức cộng đồng và nguồn lực y tế. Một bộ phận dân cư sợ hóa chất diệt muỗi và lăng quăng gây độc nên không đồng ý cho phun thuốc. Sự kháng hóa chất của muỗi làm giảm hiệu quả của các biện pháp kiểm soát. Khả năng muỗi kháng với hóa chất diệt côn trùng là mối đe dọa hiện nghiêm trọng trong việc phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết và một số bệnh khác do muỗi mang mầm bệnh truyền sang người. Việc giám sát và phát hiện các cấp độ kháng trong quần thể muỗi tự nhiên là cần thiết để cho phép quản lý nhạy kháng của muỗi cho đến khi không có lựa chọn thay thế nào khác ngoại trừ việc phải sử dụng hóa chất diệt. Cho đến nay một số các cơ chế giúp muỗi kháng hóa chất diệt vẫn còn ít được biết đến. Ví dụ, các yếu tố di truyền trao đổi chất của muỗi có liên quan đến sự phân hủy sinh học của thuốc trừ sâu nhờ vào các enzyme giải độc, vẫn chưa được hiểu rõ.
2.4. Thiếu ý thức phòng bệnh và kiến thức y tế trong cộng đồng
Một số người chưa có thói quen loại bỏ nơi sinh sản của muỗi hoặc không sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như màn chống muỗi. Khi có triệu chứng bệnh, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà hoặc đến cơ sở y tế chậm, dẫn đến biến chứng nặng. Khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch SXH hoặc nghi ngờ mắc SXH cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng.
Trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo hẹn của bác sĩ.
2.5. Biến đổi khí hậu và sự di cư dân số
Biến đổi khí hậu làm thay đổi mùa mưa và nhiệt độ, mở rộng phạm vi hoạt động của muỗi.
Sự di cư và đô thị hóa làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đông đúc. Đô thị hóa và sự gia tăng căn bệnh sốt xuất huyết là do đô thị luôn thu hút lực lượng lao động mới, lưu chuyển người từ vùng không có dịch sang vùng có dịch lưu hành, làm tăng quần thể người dễ cảm nhiễm với bệnh. Mật độ dân cư cao ở những khu vực đô thị hóa nhanh cũng tạo điều kiện cho lây lan dịch bệnh.
- Vắc xin sốt xuất huyết: Tiềm năng và thách thức
Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất đưa tiêm phòng SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng. Theo đó, hiện tại Việt Nam đã có vắc xin Qdenga phòng bệnh SXH, thuộc danh mục vắc xin được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308 ngày 14/5/2024 của Cục Quản lý Dược. Vắc xin này đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam. Bộ Y tế cho rằng việc đưa vắc xin phòng, chống SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vắc xin bảo đảm tiêm miễn phí cho dân. Để đưa vắc xin phòng SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch, đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vắc xin phòng, chống SXH.
Tiềm năng: Vắc xin sốt xuất huyết, như Qdenga, Dengvaxia (Sanofi Pasteur), đã được phê duyệt và triển khai ở một số quốc gia, mang lại hy vọng giảm tải bệnh tật. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin này có hiệu quả nhất định, đặc biệt với những người từng nhiễm virus Dengue trước đó, giúp giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng.
Thách thức:
– Hiệu quả giới hạn: Vắc xin Qdenga, Dengvaxia chỉ phù hợp với người đã từng nhiễm Dengue (seropositive). Với người chưa nhiễm (seronegative), nguy cơ bệnh nặng có thể ăng lên do cơ chế ADE. Điều này đòi hỏi xét nghiệm huyết thanh trước khi tiêm, làm tăng chi phí và phức tạp hóa việc triển khai.
– Khó khăn trong sản xuất và phân phối: Vắc xin Dengue cần bảo quản ở điều kiện nghiêm ngặt, gây khó khăn trong phân phối, đặc biệt ở vùng nông thôn hoặc xa xôi.
– Chưa đủ loại vắc xin cho tất cả type virus: Hiện nay, các vắc xin đang phát triển hoặc sử dụng không hoàn toàn hiệu quả với cả 4 type virus Dengue.
– Ý thức và niềm tin của cộng đồng: Cũng giống như khi đưa các loại vắc xin khác vào sử dụng, một bộ phận dân chúng lo ngại về tác dụng phụ hoặc thiếu kiến thức về lợi ích của vắc xin có thể làm giảm tỷ lệ tiêm chủng.
Vắc xin sốt xuất huyết có thể cải thiện tình hình dịch bệnh ở Việt Nam nếu được triển khai đúng cách và kết hợp với các biện pháp kiểm soát khác. Tuy nhiên, những thách thức về hiệu quả, chi phí, và nhận thức cần được giải quyết để tối ưu hóa lợi ích từ vắc xin.
- Các biện pháp nhằm cải thiện tình hình lây nhiễm của sốt xuất huyết
4.1. Kết hợp vắc xin và các biện pháp phòng chống khác
Vắc xin là một công cụ quan trọng nhưng cần kết hợp với các biện pháp kiểm soát muỗi, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng và cải thiện vệ sinh môi trường.
4.2. Nghiên cứu và phát triển thêm các vắc xin mới
Các vắc xin như Takeda (TAK-003) hoặc những sản phẩm đang thử nghiệm có tiềm năng bảo vệ cả nhóm seronegative và seropositive, nếu thành công, sẽ mang lại giải pháp toàn diện hơn.
4.3. Nâng cao năng lực y tế và giám sát dịch tễ
Tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm và phản ứng nhanh khi dịch bùng phát. Đầu tư hơn nữa vào y học dự phòng và y tế cộng đồng để hỗ trợ phòng chống bệnh từ cấp cơ sở.
4.4. Hợp tác quốc tế
Việt Nam cần tiếp tục hợp tác với các tổ chức y tế quốc tế để triển khai các nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin, và chiến lược phòng chống dịch hiệu quả hơn.
Những biện pháp quan trọng và tiên quyết để kiểm soát tốt dịch bệnh như sốt xuất huyết là nâng cao năng lực y tế và giám sát dịch tễ, nâng cao ý thức phòng bệnh và kiến thức y tế trong cộng đồng trước khi thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh bằng vắc xin để có thể cải thiện tình hình dịch bệnh ở Việt Nam nếu được triển khai đúng cách và kết hợp với các biện pháp kiểm soát khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hà Quang Châu (2024). Vắc xin phòng bệnh Sốt xuất huyết: Vũ khí mới trong dự phòng Sốt xuất huyết tại Việt Nam. https://ksbtdanang.vn/news/tiem-chung-vac-xin-phong-covid-19/vac-xin-phong-benh-sot-xuat-huyet-vu-khi-moi-trong-du-phong-sot-xuat-huyet-tai-viet-nam-1517.html
- Thùy Dương (2024). Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, làm sao phòng tránh. https://tuoitre.vn/sot-xuat-huyet-dien-bien-phuc-tap-lam-sao-phong-tranh-20240913172355017.htm
- Đức Trân(2024). Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp. https://daidoanket.vn/sot-xuat-huyet-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-10294293.html
- Bộ Y tế (2019). Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue, Ban hành theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 08 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế, https://emedicine. medscape.com/article/386808-overview.