10 năm nỗ lực bảo tồn giống ngô nếp Cồn Hến: Giữ lại sản vật nổi tiếng một thời của vùng đất Thần kinh

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:”Table Normal”; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:””; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:”Times New Roman”; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;} Cồn Hến, bãi bồi phù sa màu mỡ nằm giữa dòng Hương trong xanh từ lâu đã nổi tiếng với giống ngô nếp mà dân gian vẫn gọi là bắp Cồn – loại ngô trái nhỏ, quả không nhiều như những giống ngô khác nhưng rất đặc biệt bởi màu vàng mỡ gà, vị ngọt, thơm và dẻo mềm đến lạ. Tuy nhiên, loại bắp làm nên đặc sản chè bắp Cồn Hến nổi tiếng của Huế này có lẽ đã trở thành ký ức một thời nếu không có nỗ lực bảo tồn giống ngô nếp Cồn Hến từ hơn 10 năm nay của PGS.TS Trần Văn Minh và các đồng nghiệp của mình tại Trường đại học Nông Lâm Huế…

Ngô nếp Cồn Hến từ lâu đã được coi là loại thực phẩm quý của Huế. Phù sa màu mỡ của sông Hương đã góp phần tạo nên vị ngon ngọt, dẻo thơm của ngô nếp Cồn Hến. Từ những bắp ngô này, người dân Huế đã chế biến nên món chè bắp, xôi bắp và ngô nướng, ngô luộc xứ Cồn dân dã nhưng vị thơm ngon, ngọt dẻo của nó sẽ làm thực khách nhớ mãi…

PGS.TS Trần Văn Minh bên vườn bắp Cồn Hến được trồng thực nghiệm tại trường đại học Nông Lâm Huế

Bây giờ giống ngô nếp Cồn Hến không còn nữa vì đây là giống ngô địa phương, năng suất thấp, mà nếu còn thì cũng bị thoái hóa hết rồi vì trải qua quá trình trồng trọt, quá trình giao phấn tự do lâu đời mà không có sự chọn lọc gìn giữ trong sản xuất nên các giống ngô này đã bị lẫn tạp nhiều, năng suất giảm, phẩm chất giảm. Nếu không kịp bảo tồn thì trong tương lai không xa, giống ngô này sẽ biến mất. Trước tình hình đó, để bảo tồn nguồn gen ngô nếp quý hiếm có nguy cơ bị mất, cách đây 10 năm, tôi và các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu đã đi thu thập và gieo trồng giống ngô nếp Cồn Hến trong vườn thực nghiệm Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế, PGS.TS Trần Văn Minh cho biết. Với tâm huyết bảo tồn bằng được giống ngô nếp Cồn Hến nổi tiếng của tỉnh nhà, 10 năm qua là cả một quãng thời gian dài PGS.TS. Trần Văn Minh và các đồng nghiệp của mình đã miệt mài nghiên cứu, tách chọn ra những dòng thuần từ giống ngô nếp Cồn Hến, mang đặc điểm quý của giống ngô nếp Cồn Hến để phục vụ cho việc lai tạo giống mới mà giống mới này mang nguồn gen quý của giống ngô nếp Cồn Hến.

PGS.TS Trần Văn Minh cho biết, trong quá trình nghiên cứu nhóm nghiên cứu của ông đã tạo được những dòng thuần từ giống ngô nếp Cồn Hến và dùng những dòng thuần ấy lai với các dòng được tách từ giống ngô nếp Phú Yên để tạo ra những tổ hợp lai có năng suất cao gấp 2 lần giống ngô nếp Cồn Hến nhưng vẫn giữ được đặc điểm quý của giống ngô nếp Cồn Hến. Sở dĩ chúng tôi tiến hành lai ngô nếp Cồn Hến với giống ngô nếp Phú Yên vì trong khi những giống ngô nếp khác có hạt màu trắng thì giống ngô nếp Phú Yên cũng có hạt màu vàng mỡ gà đặc trưng rất đẹp như giống ngô nếp Cồn Hến. Do vậy nếu lai vẫn giữ được màu vàng vốn có của ngô nếp Cồn Hến. Lý do thứ hai chọn ngô nếp Phú Yên vì giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với thời gian sinh trưởng của giống ngô nếp Cồn Hến, đồng thời khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, vì vậy sau khi lai tạo sẽ tạo nên giống ngô nếp mang được những đặc điểm ưu tú của giống ngô nếp Cồn Hến.

Giá trị khoa học của đề tài nghiên cứu bảo tồn giống ngô nếp Cồn Hến chính là ở chỗ đã giữ được quỹ gen ngô nếp Cồn Hến quý hiếm. Đây là công lao cả chục năm trời và để làm được điều này không phải chuyện đơn giản bởi nó đòi hỏi sự tâm huyết, làm với tinh thần làm khoa học chứ không phải để thu hiệu quả kinh tế cho bản thân mình. Mình phải giữ giống ngô quý hiếm này vì nếu không làm thì giống này sẽ mất. Cách bảo tồn tốt nhất là không chỉ giữ mà còn nghiên cứu để sử dụng nguồn quỹ gen đó tạo ra giống mới mà giống mới này mang nguồn gen của ngô nếp Cồn Hến. Hiện trên thế giới tôi có thể khẳng định rằng chỉ có chỗ này – Trường đại học Nông Lâm Huế – còn giữ giống ngô nếp Cồn Hến và đang được sử dụng để tạo ra những giống mới…, PGS.TS. Trần Văn Minh cho hay.

Chưa dừng lại ở việc bảo tồn một nguồn quỹ gen ngô nếp quý vốn không chỉ có giá trị về dinh dưỡng, ẩm thực mà còn có giá trị về mặt văn hóa ở vùng đất được mệnh danh đất Thần kinh, PGS.TS. Trần Văn Minh cho biết, bước tiếp theo việc trồng thử nghiệm sẽ là khảo nghiệm để công nhận giống và sau đó là đăng ký thương hiệu và tổ chức sản xuất hạt giống ở các công ty để bán cho dân. Ông cũng đang ấp ủ nhiều dự định nữa mà một trong số đó sẽ là sử dụng nguồn gen ngô nếp Cồn Hến được bảo tồn này lai với ngô nếp đường để tạo ra giống ngô nếp đường vừa dẻo thơm và mang phẩm chất quý của ngô nếp Cồn Hến.

Với thành công trong việc phục tráng giống ngô nếp Cồn Hến của PGS.TS. Trần Văn Minh và các đồng nghiệp của mình tại Trường đại học Nông Lâm Huế, có thể hình dung trong một tương lai không xa, những hạt ngô nếp dẻo thơm Cồn Hến sẽ có mặt không chỉ trong những món ăn dân dã mà cả những món ăn cầu kỳ phục vụ du khách bốn phương vào các dịp lễ, tết, góp phần tạo nên một hương vị đặc trưng riêng của ẩm thực xứ Thần kinh.

Đề tài Nghiên cứu chọn tạo giống ngô nếp phục vụ khu vực miền Trung do PGS.TS Trần Văn Minh chủ trì đã tuyển chọn và xác định được 5 dòng tách từ giống ngô nếp cồn Hến, 3 dòng tách từ giống ngô nếp vàng Phú Yên có nhiều ưu điểm. Đây là nguồn nguyên liệu quý cho việc lai tạo giống ngô nếp mang được những đặc điểm ưu tú của giống ngô nếp Cồn Hến. Quá trình thực hiện đề tài đã góp phần đào tạo 5 thạc sỹ, 12 sinh viên, viết 2 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành nông nghiệp.

           Bài và ảnh: Ngọc Hà

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email