Normal 0 false false false /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:”Table Normal”; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:””; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:”Times New Roman”; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;} Cộng tác viên Thông tin Khoa học và Kỹ thuật đã có cuộc trao đổi với PGS,TS Trần Ngọc Nam (ảnh bên), giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về định hướng phát triển Khu công nghệ cao (CNC) tại Thừa Thiên Huế. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài phỏng vấn.
– PV: Thưa ông, CNC và sản phẩm CNC là gì?
– PGS TS Trần Ngọc Nam: CNC là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có (Luật CNC – 2008). Sản phẩm CNC là sản phẩm do CNC tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Có thể hiểu một cách nôm na, sản phẩm CNC là sản phẩm có hàm lượng giá trị chất xám cao.
– PV: Nhà nước có chính sách gì về hoạt động CNC?
– PGS,TS Trần Ngọc Nam: Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CNC đã được nêu rõ tại Điều 4 của Luật CNC. Theo đó các hoạt động CNC được khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và các ưu đãi khác. Nhà nước dành ngân sách và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về CNC.
– PV: UBND tỉnh đã có chủ trương hình thành Khu CNC Hồ Truồi. Cụ thể chủ trương này như thế nào, thưa ông?
– PGS,TS Trần Ngọc Nam: Khu CNC là cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động CNC. Khu CNC là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC; đào tạo nhân lực CNC; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC, cung ứng dịch vụ CNC. Như vậy, một khu CNC sẽ như một thành phố khoa học tập trung các hoạt động liên quan CNC, gồm có các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp CNC và cả các khu công nghiệp CNC. Lưu ý là khu công nghiệp CNC chỉ là một hợp phần của khu CNC, không nên đồng nhất giữa hai khái niệm này.
Triển khai thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị liên quan đến việc xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam châu Á, vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất chủ trương hình thành Khu CNC Hồ Truồi. Xây dựng khu CNC là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm KHCN, là động lực phát triển KHCN cho cả miền Trung và Tây Nguyên. Khu CNC Hồ Truồi (nếu được xây dựng) trong tương lai sẽ là một đô thị khoa học – sinh thái, nằm giữa đô thị Huế và đô thị Chân Mây – Lăng Cô, góp phần thực hiện thành công đề án xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương.
– PV: Thành lập khu CNC Hồ Truồi có những thuận lợi và thách thức gì?
– PGS,TS Trần Ngọc Nam: Về thuận lợi, đầu tiên phải kể đến là chủ trương của Đảng (Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 25/05/2009) và quy hoạch của Chính phủ (Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17/06/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Thứ hai, Thừa Thiên Huế hội đủ các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội cho xây dựng khu CNC như vị trí địa – chính trị, địa – kinh tế, điều kiện giao thông thuận lợi; đất đai, nguồn nước sạch dồi dào; có đa dạng sinh học; kinh tế – xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững; có Đại học Huế đa ngành, đa lĩnh vực với đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao. Thứ ba, có được các bài học kinh nghiệm cả thành công và thất bại của các khu CNC trên thế giới và trong nước.
Về khó khăn và thách thức, có thể nhận thấy các điểm sau: Việt Nam là nước đang phát triển, nguồn lực đầu tư cho các khu CNC sẽ hạn chế. Hoạt động CNC đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ nghiên cứu tâm huyết, các chuyên gia đầu ngành. Mặc dù có Đại học Huế, nhưng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành ở khu vực miền Trung còn quá mỏng; nguồn nhân lực cho hoạt động CNC cả hoạt động nghiên cứu và hoạt động quản lý đều thiếu. Cuối cùng, khu CNC Hồ Truồi xây dựng sau khu CNC Hòa Lạc và khu CNC thành phố Hồ Chí Minh, với yêu cầu đầu tư không trùng lắp, việc chọn lĩnh vực CNC để phát triển, chọn đối tác để hợp tác cũng là những thách thức không nhỏ.
– PV: Để phát triển, định hướng các lĩnh vực CNC ưu tiên cho khu CNC Hồ Truồi là gì?
– PGS,TS Trần Ngọc Nam: Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/07/2010 của Thủ tướng Chính phủ gồm 46 công nghệ, trong đó có: Công nghệ chế tạo hệ điều hành cho máy tính và các thiết bị di động; Công nghệ màn hình độ phân giải cao; Công nghệ gen ứng dụng trong chuẩn đoán, giám định, điều trị; Công nghệ gen ứng dụng trong chế tạo, sản xuất protein tái tổ hợp; Công nghệ sản xuất enzym, protein; Công nghệ vi sinh trong xử lý ô nhiễm môi trường; Công nghệ vật liệu nano… Trong Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 49 vừa dẫn, có các sản phẩm như: Hệ thống vi cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử và thiết bị sử dụng hệ thống vi cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử; Màn hình độ phân giải cao; Dịch vụ ứng dụng công nghệ GPS/GIS trong công tác quản lý phương tiện; Protein, enzym tái tổ hợp sử dụng trong dược phẩm, thực phẩm công nghiệp và xử lý môi trường; Vắcxin ADN tái tổ hợp, vắc-xin protein tái tổ hợp dùng cho người, gia súc, gia cầm và thủy sản; Các giống cây trồng, vật nuôi mới, sạch bệnh, năng suất cao, chất lượng cao được sản xuất ở quy mô công nghiệp; Nhiên liệu sinh học được sản xuất bằng công nghệ sinh học từ tảo, phế phẩm nông nghiệp, chất thải; Thiết bị y tế kỹ thuật số; Vật liệu nano cho công nghiệp, nông nghiệp, y tế, sinh học và môi trường;…Đây chính là những lĩnh vực và sản phẩm CNC mà khu CNC Hồ Truồi – Thừa Thiên Huế có điều kiện và có lợi thế, nên được tập trung xem xét ưu tiên đầu tư phát triển trong tương lai.
– PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.
Diệu Hà (thực hiện)