Thiết kế chế tạo Robot tự hành/điều khiển xa phục vụ công tác giám sát vận hành trạm biến áp 110kV không người trực

Trạng thái đề tài:

Lĩnh vực: Cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải

Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Năm: 2024

Ngày nộp đề tài: 23/10/2024

Thông tin nhóm tác giả

Tên tác giả / nhóm tác giả: Hoàng Ngọc Hoài Quang, Cao Huy Đỗ, Hồ Đức Phương, Trịnh Phúc Huỳnh, Đoàn Lê Phước Sơn

Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (Tổng Công ty Điện lực miền Trung)

Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 32 Lý Thường Kiệt, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tính mới của giải pháp

Đây là sản phẩm mới, lần đầu áp dụng tại TBA 110kV KNT của Tổng Công ty Điện lực miền Trung và được nhóm nghiên cứu của TTHPC tự thực hiện nghiên cứu chế tạo, với mục đích giám sát, kiểm tra thiết bị tại các TBA 110kV từ xa phục vụ cho công tác QLVH, nâng cao chất lượng QLKT, QLVH và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Sự kết hợp giữa camera thường và camera nhiệt stream đồng thời lên màn hình TTĐK, tại TTĐK sử dụng Joystick USB để điều khiển một cách dễ dàng, chính xác. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhóm đã tiến hành nghiên cứu đưa các giải pháp trên. Nhóm hoàn toàn làm chủ công nghệ, giải pháp củng như có khả năng phát triển, nâng cấp các chức năng một cách dễ dàng. Thiết bị cho thấy được khả năng sáng tạo, khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật của nhóm nghiên cứu, cho thấy được nội lực của ngành điện trong việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật công nghệ đo lường điều khiển điện tử hiện đại.

Tính sáng tạo

Việc ứng dụng công nghệ Camera Robot góp phần nâng cao chất lượng QLVH các TBA, cải thiện hiệu quả vận hành cho hệ thống điện phân phối, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện nhờ tăng cường khả năng giám sát lưới điện, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để lưới điện ngày càng hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống thông tin phục vụ ngành điện và đáp ứng lộ trình xây dựng lưới điện thông minh của EVN.

Hiệu quả kinh tế xã hội

Với việc tự nghiên cứu, thiết kế phần mềm, phần cứng và sử dụng nguồn nhân lực sẵn có dẫn đến chi phí sản xuất thấp cùng với việc nâng cao hiệu quả, năng suất lao động giúp giảm chi phí SXKD tại đơn vị, đồng thời giúp nâng cao trình độ cho đội ngũ kỹ sư, công nhân viên của ngành điện. Tổng chi phí cho việc thiết kế chế tạo 01 Robot rơi vào khoảng 735 triệu đồng, trong đó chi phí vật tư thiết bị 460 triệu đồng. Về chi phí tự thiết kế tạo tiết kiệm hơn nhiều với việc mua sắm 01 Robot có sẵn trên thị trường ngoài nước, giá khoảng 50.000$ (Patrol Robot – Trung Quốc). Việc ứng dụng robot tự hành/điều khiển xa vào công tác quản lý điều hành giúp cho nhân viên vận hành chủ động giám sát hoạt động của toàn bộ hệ thống bao gồm: trạng thái làm việc của thiết bị, các tín hiệu cảnh báo, phát hiện sớm các hiện tượng bất thường của thiết bị nhờ camera nhiệt. Giải pháp robot tự hành/điều khiển xa góp phần tăng tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm công nghệ cao được chế tạo trong nước, tiết kiệm được lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu cho đất nước. Nâng cao trình độ cán bộ, kỹ sư trong việc tiếp cận, sử dụng các công nghệ hiện đại. Phù hợp với chủ trương chính sách nhà nước đang kêu gọi các doanh nghiệp phát triển công nghiệp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động quản lý vận hành, sản xuất kinh doanh . Giải pháp được xây dựng từ bản thân nguồn lực đội ngũ của EVNCPC do đó đảm bảo tính tự chủ trong quản lý vận hành, tự chủ công nghệ, nên việc thay đổi, bổ sung chức năng luôn được thực hiện dễ dàng. Giải pháp góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu của EVNCPC trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tạo uy tín đội ngũ cán bộ công nhân viên EVNCPC trong việc ứng dụng công nghệ cao.
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email