Người lính, người thầy giáo, thầy thuốc đam mê nghiên cứu khoa học

Sinh năm 1959 trong một gia đình đông con ở xóm Lịch Đợi, Phường Đúc, thành phố Huế. Sớm mang trong mình ước mơ trở thành thầy thuốc, Trần Văn Hoà đỗ vào Trường Đại học Y khoa Huế trước sự ngạc nhiên lẫn nể phục của gia đình và bà con lối xóm. Nhưng khi bước vào năm thứ hai đại học, anh tạm xếp bút nghiên xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Từ một người lính từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia, rồi gắn bó với nghề thầy giáo và thầy thuốc, bằng kinh nghiệm thực tiễn và tâm huyết của mình, bác sĩ Trần Văn Hoà có nhiều đóng góp tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học và đạt nhiều giải thưởng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS.Trần Văn Hoà.

PV: Thưa BS.Trần Văn Hoà, trong không khí hào hùng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, từng là một người lính, anh có cảm xúc như thế nào?

– BS. Trần Văn Hoà: Trong đời người ai cũng có những ngày để vui, để nhớ, để hồi tưởng. Với những người lính chúng tôi, ngày này (ngày 22.12) như ngày sinh nhật. Năm nào cũng vậy, khi cả đất nước nô nức với những hoạt động chào mừng thì trong ký ức của chúng tôi hình ảnh xưa cũ ấy lại hiển hiện. Quên làm sao được những nỗi buồn, niềm vui với đồng đội, nỗi nhớ nhà da diết lẫn sự sợ hãi trước những trận càn và những đêm không ngủ ở chốt tiền tiêu, làm sao quên những lần thiếu rau, thèm muối, chỉ có sự yêu thương, chia sẻ đùm bọc cho nhau…Dù đã rời áo lính 32 năm, nhưng cứ có cảm giác như mình vẫn còn là anh bộ đội của ngày nào và tôi vẫn luôn tự hào khi nói về đồng đội, nói về một thời quân ngũ mà mình đã được đi qua.

PV: Anh có thể cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia?

– BS. Trần Văn Hoà: Nhập ngũ từ tháng 8.1978 trước cả lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố vào tháng 3.1979. Tôi sang Campuchia vào cuối năm 1978, đơn vị của tôi vào Phnom Penh khá sớm vào những ngày đầu năm 1979. Những tháng ngày rong ruổi làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn, qua nhiều vùng miền, qua nhiều địa danh, nhiều công việc nên có nhiều kỷ niệm để nhớ. Nhưng điều mà tô inhớ nhất lại không phải xảy ra ở chiến trường, mà ở quê nhà. Đó không chỉ là một kỷ niệm mà còn là nỗi xót xa của đứa con khi biết mẹ mình đã khóc bao đêm khi nghe tin con mình hy sinh. Năm 1981 nhờ một đợt phép đột xuất về thăm nhà, tôi mới biết bài vị của mình được gia đình đặt trên bàn thờ 3 năm nay. Chuyện như đùa. Gần 12 giờ khuya, bước chân xuống sân ga,, gõ cửa nhà và cả nhà oà khóc…Có lẽ, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được điều đó.

PV: Những kinh nghiệm, kỹ năng trong thời trong quân ngũ giúp ích gì cho anh trong công tác chuyên môn lẫn hoạt động công đoàn hiện nay?

– BS. Trần Văn Hoà: Người ta nói rằng môi trường quân đội là một trường đại học lớn. Đúng vậy. Bạn bè tôi học 6 năm ra bác sĩ, còn tôi thì học đến 10 năm, 6 năm học trường Y và 4 năm học trường đời. Dù rằng chỉ 4 năm trong quân ngũ, nhưng thực sự nó khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Kỹ năng sống, khả năng thích nghi, tác phong công tác, tính chấp hành “quân lệnh như sơn”. Đặc biệt, thời gian trong quân ngũ giúp tôi sống có trách nhiệm hơn, quan điểm sống của tôi là luôn cống hiến, thái độ sống và trách nhiệm sống có ích, tích cực với cộng đồng. Tất cả những điều đó luôn đồng hành cùng tôi trong mọi lĩnh vực từ công tác quản lý, cho đến hoạt động xã hội, hoạt động đoàn thể, cả trong công tác giảng dạy và điều trị cho bệnh nhân. Ngay cả nghiên cứu khoa học, đề tài thuốc chữa bỏng mà tôi đã thực hiện gần 15 năm nay, ý tưởng xuất phát cũng từ kinh nghiệm của người dân Campuchia mà tôi quan sát được trong thời gian tham gia chiến đấu.

PV: Ngoài hoạt động giảng dạy, chăm sóc bệnh nhân, anh còn tham gia nghiên cứu khoa học, vậy anh có thể cho biết thành quả mà bản thân đã gặt hái được trong lĩnh vực này?

– BS. Trần Văn Hoà: Bên cạnh công việc giảng dạy, chăm sóc bệnh nhân và tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, xã hội, tôi cùng các đồng nghiệp tham gia biên soạn nhiều tài liệu phục vụ giảng dạy và tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học các cấp và đạt được nhiều giải như: đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm và tác dụng dược lý của chế phẩm điều trị bỏng từ dầu mè và hạt cau” đạt giải khuyến khích Hội nghị Lao động sáng tạo Trường đại học Y khoa Huế lần thứ II – năm 2006; “Sáng chế giá cố định khung đầu để sử dụng Coil thân thay thế cho Coil đầu trong định vị bệnh nhân điều trị bằng Gamma đầu” đạt giải nhất Hội nghị Lao động sáng tạo Trường đại học y Dược Huế Lần III – năm 2008; “Sáng chế giá INOX có trục lăn để nâng và xoay giường khi tiến hành điều trị bệnh nhân bằng dao Gamma thân” – giải nhì Hội nghị Lao động sáng tạo Trường đại học Y dược Huế Lần III – năm 2008; “Ứng dụng dao Gamma để điều trị ung thư gan, ung thư phổi tại Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế từ năm 2006-2009” đạt giải C giải thưởng Cố đô về Khoa học Công nghệ lần thứ II – năm 2011; “Bể xử lý nước thải bệnh viện cải tiến (mới)” đạt giải nhì Hội nghị Lao động sáng tạo Trường đại học Y dược Huế Lần V – năm 2012 và giải nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII – năm 2014.

Doãn Quan (thực hiện)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email