Cần tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng giải thưởng, hội thi

Ý kiến trên nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu (là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, lãnh đạo các Liên hiệp hội địa phương, chủ yếu từ Quảng Nam trở ra) tham dự Hội thảo Sáng tạo khoa học, công nghệ (KHCN) Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, diễn ra tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong hai ngày 23-24/7/2009. Hội thảo là cơ hội tốt đẹp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giải, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ, đưa sản phẩm KHCN vào sản xuất, kinh doanh.

Sáng tạo khoa học bắt nguồn từ sản xuất, kinh doanh

Một đại biểu đến từ tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu, ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một tác giả đã 4 lần đoạt giải Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (hai Nhì, một Ba, một Khuyến khích), cho biết: doanh thu từ kết quả nghiên cứu KHCN chiếm tỉ trọng rất lớn, từ 82 – 89 % doanh thu hàng năm của công ty. Công ty đã bám sát những vấn đề bức xúc trong cuộc sống để hình thành ý tưởng sáng tạo, từ ý tưởng phát triển thành công trình nghiên cứu KHCN bằng vốn của công ty, chứ không trông đợi vào ngân sách sự nghiệp KHCN. Công ty đã thương mại hóa được sản phẩm nghiên cứu KHCN và sống được nhờ các sản phẩm đó. Theo ông Thảo: đối với công ty ông, giải thưởng đã thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, tạo nên thương hiệu có uy tín trên thị trường cả nước, nâng cao tầm vóc của công ty.

Đến từ một tỉnh miền Trung, ông Trương Công Nam, Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế (tác giả đoạt 1 giải Nhì, 2 giải Ba Giải thưởng Sáng tạo KHCN và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam) cho biết, các công trình đoạt giải đã giúp cho công ty chẳng những giải quyết được những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, làm lợi cho nhà nước và công ty gần 100 tỷ đồng, mà còn giúp công ty đảm bảo chất lượng nước sạch an toàn cung cấp đến người tiêu dùng, giúp thành phố Huế trở thành một trong số rất ít nơi trong cả nước được cung cấp nước an toàn có thể uống tại vòi.

Ông Phan Công Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương, nói: Giải thưởng và Hội thi đã tôn vinh các nhà sáng tạo, những người đã đưa các sản phẩm KHCN vào thực tế sản xuất, làm lợi hàng trăm tỷ đồng, tăng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.

TS Ngô Mạnh Hoài, Trưởng ban Kỹ thuật, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, cho biết Tổng công ty đã vào cuộc tích cực, phối hợp thúc đẩy hoạt động sáng tạo tại Tổng Công ty. 11 giải thưởng mà cán bộ KHCN của đơn vị giành được đều là những công trình gắn rất chặt với sản xuất kinh doanh. Công trình: Nghiên cứu pha chế và sản xuất các loại dầu động cơ sử dụng thích hợp ở Việt Nam đã giúp Công ty Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ đầu tư xây dựng 2 xưởng sản xuất dầu bôi trơn các loại, công suất 10.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Thát, Chủ tịch Liên hiệp hội Thanh Hóa cho rằng các sản phẩm đoạt giải đã trở thành những điểm nhấn đầy ấn tượng cho sự phát triển của doanh nghiệp hoặc tạo bước ngoặt quan trọng, sức mạnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất cao.

Còn nhiều lắm những tấm gương say mê nghiên cứu sáng tạo, đưa các kết quả nghiên cứu sáng tạo vào sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả thiết thực.

TS Lê Đình Chiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nói: Tôi đánh giá cao Giải thưởng và Hội thi, ghi nhận nhiều đề tài khoa học, giải pháp kỹ thuật đã gắn rất chặt với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm xã hội. Tổ chức Giải thưởng và Hội thi chính là một hướng quan trọng gắn nghiên cứu KHCN với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh có khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức, nhưng không mang lại hiệu quả thì những nhận định trên về Giải thưởng và Hội thi đáng để những người tổ chức ra chúng phấn khởi, tự hào.

Để mở rộng, nâng cao chất lượng giải thưởng

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng của Giải thưởng và Hội thi còn rất nhiều việc phải làm.

Về mặt pháp lý, Liên hiệp hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KHCN, Văn phòng Chính phủ tham mưu để Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành một số văn bản quan trọng, tạo thuận lợi cho việc tổ chức Giải thưởng và Hội thi. Trong thời gian đến, Liên hiệp hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp đề xuất việc hoàn thiện các văn bản về Giải thưởng và Hội thi. Trước mắt, các bộ, ngành, các địa phương cần nghiên cứu, khai thác triệt để các văn bản đã có để tổ chức Giải thưởng và Hội thi ở bộ, ngành, địa phương được kết quả hơn.

Công tác tuyên truyền về Giải thưởng và Hội thi cần được quan tâm đúng mức, phối hợp nhiều hình thức: trực tiếp, gián tiếp, sử dụng sóng phát thanh, truyền hình, pano, áp phích, tờ gấp, hội nghị, hội thảo,¦Mục đích là làm cho lãnh đạo các cấp, các ngành, mọi người dân nhận thức đúng tầm của Giải thưởng và Hội thi: một giải cấp quốc gia, chỉ sau Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN. Nhận thức đúng tất yếu sẽ thúc đẩy việc tổ chức giải thưởng sâu rộng hơn, chất lượng hơn.

Còn rất nhiều việc khác cần phải tiếp tục thực hiện vì uy tín, chất lượng giải thưởng như xây dựng quỹ hỗ trợ sáng tạo tại địa phương, tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ tác nghiệp cụ thể về tuyên truyền vận động tham gia, vận động tài trợ, tổ chức đánh giá đề tài giải pháp như thế nào cho chính xác, khách quan, tăng cường công tác bảo hộ trí tuệ,¦

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Quế,

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email