Văn hóa – phép biện chứng trong kế thừa và phát triển

Văn hoá là nền tảng tinh thần thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển của một dân tộc, là một chủ thể thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn diện của văn minh con người và xã hội trong tiến trình lịch sử.

 

Kế thừa là một trong những quy luật phủ định của phủ định biểu hiện ra trong tự nhiên, xã hội như là mối liên hệ tất yếu giữa cái cũ và cái mới trong quá trình phát triển. Đối với văn hóa, kế thừa là quy luật in đậm tính đặc thù của nó…Tính đặc thù trong sự phát triển của văn hóa thể hiện các khía cạnh: Con người là trái tim đích thực của văn hóa. Mọi sự vận động và phát triển trong xã hội đều thông qua hoạt động có ý thức của con người. Do đó kế thừa trong sự phát triển của xã hội đã mang trong lòng mình yếu tố văn hóa. Hoạt động của văn hóa là hoạt động nhằm để hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Không có hiểu biết, khám phá và sáng tạo thì không có sự phát triển nào cả. Vì vậy, kế thừa trong sự phát triển của văn hóa bao giờ cũng là sự kế thừa một cách sáng tạo. Tính sáng tạo chính là nét đặc thù của văn hóa. Nhu cầu của văn hóa là vô cùng vô tận và mang tính độc đáo. Bởi vì giá trị văn hóa càng đúng, càng mới, càng chân thật thì khám phá càng say mê thú vị. Vì vậy, kế thừa trong sự phát triển của văn hóa vừa mang tính bền vững và mang tính không chối từ. Trong kế thừa, truyền thống đóng vai trò đặc biệt hơn cả. Truyền thống văn hóa là phạm trù của cái thuộc về quá khứ, nói lên những thói quen được hình thành từ lối sống, nếp sống, nếp suy nghĩ, phong tục tập quán và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tuy nhiên, truyền thống có cả mặt tích cực lẫn hạn chế. Vì vậy, khẳng định kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc có nghĩa là chỉ kế thừa những giá trị tích cực của truyền thống. Nói đến kế thừa không thể không nói đến di sản văn hóa, bởi lẻ kế thừa tức là tiếp thu những di sản đã có. Di sản văn hóa là tổng hòa các mối liên hệ, quan hệ và những kết quả của sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần của các thời kỳ lịch sử. Di sản văn hóa là những giá trị văn hóa mà loài người đạt được trong thời kỳ đã qua và được tiếp thu một cách có phê phán, được phát triển và ứng dụng cho phù hợp với nhiệm vụ của lịch sử, cụ thể của thời đại mới, phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của tiến bộ xã hội.

Văn hóa trong bất kỳ thời đại nào cũng sử dụng di sản văn hóa và sáng tạo ra di sản văn hóa. Mặt khác di sản văn hóa là vốn quý nhất của dân tộc, văn hóa luôn luôn gắn liền với dân tộc, mất văn hóa là mất luôn dân tộc. Vì vậy, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, tiếp thu và sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới vừa mang tính dân tộc vừa hiện đại là việc làm hết sức có ý nghĩa.

Quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tôi luyện và gạn lọc được những di sản văn hóa cao quý bao gồm di sản văn hóa tinh thần cao quý và di sản văn hóa vật thể.

Di sản văn hóa tinh thần của dân tộc ta là những giá trị văn hóa bắt nguồn từ tinh thần nhân bản Việt Nam. Đó là dòng sữa nuôi dưỡng tinh thần tôi luyện, bản lĩnh xây dựng nhân cách người Việt Nam qua các thế hệ. Đó là lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu, lòng nhân ái, khoan dung, biểu hiện ở lòng vị tha, “thương người như thể thương thân”, tình cảm cộng đồng sâu sắc và đức tính cần cù lao động, tinh thần tôn sư trọng đạo. Có thể nói rằng: anh hùng và nhân ái là hai mặt của phẩm chất tinh thần Việt Nam.

Bên cạnh những giá trị văn hóa cao quý, văn hóa truyền thống Việt Nam cũng bộc lộ những khía cạnh tiêu cực cần phải khắc phục. Đó là lối tư duy nặng về kinh nghiệm, là phép xử thế nặng tình hơn lí, cái tâm linh lấn át cái khoa học, mềm dẻo linh hoạt nhưng thiếu nguyên tắc, tinh xảo, khéo léo nhưng ít sáng tạo; là tâm lý học để làm quan; nói ít đi đôi với làm…

Kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc trên tầm cao tư tưởng Hồ Chí Minh tức phải chọn lựa những yếu tố tích cực và thích hợp, vận dung vào các hoạt động sáng tạo và xây dựng nền văn hóa mới, khắc phục lối kế thừa giản đơn máy móc.

Xây dựng nền văn hóa mới là vấn đề có ý nghĩa trọng đại, bởi vì nền văn hóa mới là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của xã hội mới.

Trong quá trình xây dựng cần nắm vững phương pháp luận Hồ Chí Minh: Đổi mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái cũ mà xấu thì phải bỏ, cái cũ không xấu mà phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm cho phù hợp, cái gì mới mà hay thì nên làm. Đây chính là sự hội tụ nhuần nhuyễn phép biện chứng duy vật với phép ứng xử khôn ngoan của văn hóa phương đông. Nó không những là quy luật của xây dựng và phát triển văn hóa mà còn là giải pháp thực tế vừa định hướng vừa chỉ đạo tổ chức, thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản đã và đang đặt ra.

Gần đây, dư luận xã hội tranh cãi gay gắt về vấn đề nên hay không nên tổ chức các lễ hội: Đâm trâu, Cầu trâu, Chém lợn…Ý kiến ủng hộ cũng nhiều nhưng ý kiến phản đối cũng không ít. Ai cũng có cái lý lẽ của mình. Thiết nghĩ: đây chính là vấn đề kế thừa văn hóa. Muốn thực hiện tốt vấn đề này phải nắm vững phương pháp luận Hồ Chí Minh như đã nêu trên. Chuyện đâm, chém, dù là trâu hay lợn trong một lễ hội luôn hàm chứa một ý nghĩa nào đó về mặt tâm linh, nhằm thỏa mãn một nhu cầu tâm linh của cộng đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của người viết bài này, hành vi đâm, chém, hành hạ các sinh vật nếu đem quảng bá thì rất phản cảm và không có lợi cho xã hội.

Muốn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc đòi hỏi chúng ta phải tạo được môi trường văn hóa thật sự lành mạnh; tổ chức sưu tầm, tôn tạo, giữ gìn và phát huy tốt các giá trị văn hóa cổ truyền, đưa nội dung giáo dục văn hóa vào nhà trường một cách hợp lý…Thực hiện tốt những nội dung đó thông qua chính sách nâng cao dân trí và sự hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra bầu không khí say mê, sáng tạo; xây dựng tốt văn hóa làng, xã; xây dựng các dự án bảo tồn di sản văn hóa dân tộc…

Bản sắc văn hóa dân tộc giúp con người nhận ra vẻ đẹp tinh thần sâu xa của dân tộc. Nó thể hiện tầm cao và chiều sâu của mỗi dân tộc, là yếu tố để cho thế giới hiểu rõ bản chất của dân tộc mình. Đại thi hào Tago đã từng nói: “Nếu một dân tộc không đem lại cho thế giới một điều gì cả thì đó là một tội lỗi”.

Sự phát triển của văn hóa bao giờ cũng là sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại. Bởi vì kế thừa văn hóa là những thuộc tính bền vững tạo nên tính độc lập tương đối trong sự phát triển văn hóa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vận dụng tính qui luật ấy một cách đúng đắn, sáng tạo.

ThS. Trần Giải

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email