Vấn đề với bệnh dại

Bệnh dại (hay thường gọi là bệnh dại chó) là một bệnh truyền nhiễm lây chung giữa động vật và con người, có độ nguy hiểm cực kỳ cao, tỷ lệ chết đạt gần 100% do virus dại xâm nhập vào cơ thể, phát triển ở hệ thần kinh gây ra. Bệnh này không chỉ thấy ở nước ta. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh dại với khoảng 55.000 người chết vì bệnh này hàng năm, chủ yếu do chó dại cắn, và khoảng 327.000 người được tiêm phòng sau khi bị chó hoặc mèo… cắn.

Theo tư liệu báo cáo khoa học, trước đây bệnh này thường xảy ra ở chó và đã gây chết khoảng 500 người mỗi năm do chó bệnh cắn. Hiện nay bệnh dại ở chó ít được phát hiện hơn và thường là kết quả truy tìm từ các trường hợp bệnh dại ở người do đã bị chó cắn. Năm 2011, có 89 người chết vì bệnh dại ở 20 tỉnh. Điều này cho thấy chó cảm nhiễm virus dại ẩn tính là mối nguy cơ lớn đối với sự an toàn của người. Tuy là bệnh nguy hiểm, bệnh dại chó là có thể phòng ngừa. Kết quả của chương trình tiêm chủng khép kín kéo dài nhiều năm với vacxin dại Flury trước đây làm giảm trường hợp bệnh phát ra ở chó cho thấy tiêm vacxin là phương pháp thích hợp trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh dại ở động vật và người. Tuy vậy, đã có 560 trường hợp mắc bệnh dại trên người được báo cáo từ năm 2007 đến 2011 và bệnh dại đã và đang diễn ra ở 25 – 27 tỉnh trên cả nước, chủ yếu ở phía Bắc.

Đứng trước tình hình bệnh dại gia tăng và diễn biến phức tạp, ngày 19/1/2009 thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia CV99/TTg–KTN (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Y tế, 2011). Triển khai chương trình quốc gia quan trọng này cho đến nay chỉ ở việc tiêm phòng vacxin rộng rãi cho tất cả chó mèo trong tất cả các địa phương và được nhân dân hưởng ứng. Tuy vậy, do chi phí cho vacxin cũng đáng kể so với thu nhập hằng ngày, do không còn thấy chó bị bệnh dại nên sinh chủ quan, và cũng do không có thông tin về sự tồn tại của virus dại… nên có nhiều người còn thơ ơ và thậm chí lẫn tránh việc tiêm phòng dại cho chó, mèo nuôi trong nhà. Đó là sự chủ quan, khinh suất đáng quan ngại. Tuy nhiên, đứng từ phía quản lý nhà nước mà xét thì việc thiếu thông tin xét nghiệm khoa học thuyết phục là lỗ hổng trong triển khai Chương trình. Liệu có còn tồn tại mầm bệnh dại nữa hay không và tiêm vacxin có tác dụng gì không?… là những câu hỏi chính đáng và đòi hỏi những nghiên cứu nghiêm túc và thận trọng. Tuy vậy, rất tiếc là xét nghiệm để trả lời hai câu hỏi trên còn là việc khó, do đòi hỏi phải có nguyên liệu sinh phẩm đắt tiền nhập từ nước ngoài (phản ứng ELISA, RT-PCR), còn công lao động cho việc lấy mẫu và xét nghiệm không hề nhỏ.

Vậy ai có thể giải tỏa sự nghi ngờ chính đáng của người dân về hiệu quả tiêm phòng cho chó cũng như sự tồn tại của mầm bệnh này trong tự nhiên. Khoa Chăn nuôi – Thú y của trường đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế đã có giải pháp và muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của mọi người. Nhóm nghiên cứu của khoa đã tạo kỹ thuật xét nghiệm với các vật liệu chủ yếu được tự chế từ nguyên liệu sẵn có: phương pháp SSIA, kết hợp công sức sinh viên trong quá trình thực tập nghề nghiệp để lấy mẫu, chuẩn bị nguyên liệu và xét nghiệm phòng thí nghiệm. Sản phẩm chủ yếu của quá trình này là những sinh viên tham gia thực hiện nghiên cứu đã phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực sáng tạo, còn khoa thu được những dữ liệu về bệnh và miễn dịch chống bệnh trong khu vực. Phương pháp SSIA đã được áp dụng để phát hiện kháng nguyên virus dại trong nước bọt chó. Để thực hiện phương pháp này cần chế hồng cầu gắn virus trong vacxin dại (gọi là kháng nguyên IHA) và kháng huyết thanh chống virus dại, sử dụng khay nhựa vi chuẩn độ 96 lỗ và pipet tự động. Nghiên cứu đã trải qua các bước thử thách SSIA với các mẫu nước bọt chó các loại cho thấy nước bọt chó hoạt động trong phản ứng SSIA tương tự dung dịch sinh lý, tức không trở ngại cho phản ứng. Để phát hiện virus dại trong vùng, xét nghiệm bằng SSIA 1064 mẫu nước bọt chó nuôi khỏe mạnh trên địa bàn Thừa Thiên Huế (gồm thành phố Huế và huyện Hương Trà) năm 2013 và 2014 cho thấy có 44 chó trong số đó chứa kháng nguyên virus dại trong nước bọt, chiếm 4,14%, còn trong số 1919 mẫu nước bọt từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị có 57 mẫu dương tính, chiếm 2,97%. Điều này cho thấy cần tiếp tục tiêm vacxin phòng dại cho chó. Thử nghiệm bảo quản vật liệu là kháng nguyên IHA cho thấy sau 4 tháng nguyên liệu không ổn định về phẩm chất. Tuy nhiên, trong quá trình bảo quản đó ta có thể sử dụng kháng nguyên IHA này để xét nghiệm khảo sát miễn dịch của đàn chó do thử nghiệm cho thấy hiệu giá kháng thể 16 IHA (tức 4log2) tương đương nồng độ kháng thể 0,5mg/ml theo phương pháp xét nghiệm trung hoà virus với kháng thể huỳnh quang là mức chuẩn mà châu Âu quy định chó phải có trong huyết thanh khi quá cảnh. Xét nghiệm các mẫu huyết thanh chó tại các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ cho thấy, trừ ở huyện Vụ Quang đầu năm 2014), sau khi tiêm tỷ lệ chó đạt hiệu giá kháng thể ở mức bảo hộ 16 IHA trở lên trên 75% chứng tỏ việc tiêm vacxin có tác dụng ngăn chặn dịch bệnh dại.

Vì sao kỹ thuật SSIA có thể giúp phát hiện được virus dại? Nếu cho một lượng không đổi hồng cầu gắn kháng nguyên virus dại trộn với kháng thể trong một dãy lỗ chứa kháng thể pha loãng dần thì ở chỉ các lỗ chứa kháng thể ở nồng độ còn đủ cao sẽ thấy sự ngưng kết các hồng cầu do các kháng thể nối các hồng cầu thông qua cầu nối là virus làm hồng cầu lơ lửng lâu trong dịch. Từ đó ta có thể pha kháng thể chống virus sao cho có được phản ứng ngưng kết xảy ra ở 4 lỗ đầu của một dãy gồm 8 lỗ khay vi chuẩn độ. Đó là nồng độ chuẩn của kháng thể ứng với dịch kháng nguyên IHA đó. Khi xét nghiệm mẫu nước bọt chó, ta cho nước bọt trộn đều trước với kháng thể chuẩn ở lỗ đầu tiên của dãy 8 lỗ thay cho lượng dung dịch sinh lý cần thiết để pha kháng thể, sau đó tiếp tục pha loãng mẫu tương tự ở dãy phản ứng chuẩn. Cuối cùng cho dịch hồng cầu gắn virus vào tất cả các lỗ khay và chờ đọc phản ứng dựa vào kết quả ở lỗ cuối cùng của mỗi dãy là lỗ không có kháng thể mà chỉ cho dung dịch sinh lý thay thế. So sánh kết quả ngưng kết ở dãy mẫu kiểm với dãy chuẩn để có kết luận về phản ứng. Mẫu có chứa virus dại (dương tính) cho kết quả với số lỗ ngưng kết hồng cầu giảm so với dãy phản ứng chuẩn: virus dại trong bệnh phẩm đã chiếm bớt kháng thể nên làm phản ứng xê lệch sang trái so với chuẩn.

Trở ngại trong áp dụng kỹ thuật xét nghiệm khá nhiều: đắt, phải nhập,… nhưng cũng có thể chỉ do công việc không liên tục: vật liệu quá hạn là vấn đề phổ biến. Dù trong điều kiện không có kinh phí nghiên cứu, khoa CNTY vẫn muốn duy trì áp dụng kỹ thuật.

Vì vậy, rất cần sự hợp lực của nhân dân trong việc tạo điều kiện cho sinh viên thu thập mẫu đáp ứng yêu cầu trả lời các câu hỏi của thực tiễn.

PGS. TS. Phạm Hồng Sơn

Trường đại học Nông Lâm – Đại học Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email