Ngày nay, túi ni lông hiện diện mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. Từ trong mỗi gia đình cho đến cơ quan, từ gánh hàng rong đến các cửa hàng, siêu thị…Rồi từ đó, túi ni lông tràn ngập các bãi rác, các kênh rạch, cống rãnh, đầu đường, cuối phố…Một trận lũ đi qua, túi ni lông giăng đầy các bờ tre, hàng rào, dây điện… Một thời, người ta từng xem nó là sản phẩm của xã hội văn minh bởi vì tính tiện lợi của nó. Tuy nhiên, ít ai có thể hình dung được tác hại khôn lường của túi ni lông, phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Sự tồn tại của nó trong môi trường tự nhiên sẽ gây ra những tác hại rất nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người.
Tuy nhiên, ít ai có thể hình dung được tác hại khôn lường của túi ni lông. Theo nhận định của các nhà khoa học, phải mất hàng trăm năm túi ni lông mới có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Sự tồn tại của nó trong môi trường tự nhiên sẽ gây ra những tác hại rất nghiêm trọng:
Khi lẫn vào đất, túi ni lông sẽ ngăn cản nước bề mặt xuống nước ngầm, ngăn cản quá trình ôxy hóa trong đất, ngăn cản sự hấp thu chất dinh dưỡng trong đất, ngăn cản hoạt động của các vi sinh vật trong đất, làm cho đất ô nhiễm, suy thoái, cây trồng chậm phát triển.
Khi lẫn vào nước, túi ni lông gây tắc nghẽn cống rãnh, hạn chế dòng chảy, là vật cản các phương tiện giao thông thủy, gây ứ đọng, ô nhiễm môi trường nước cục bộ, ảnh hưởng tổn hại đến các loài thủy sinh vật, đặc biệt là tôm, cá…
Khi dùng chứa thực phẩm, túi ni lông sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo các nhà khoa học, các chất phụ gia để làm cho túi ni lông mềm, dẻo, dai, lại vô cùng độc hại. Đặc biệt, túi ni lông màu có thể khiến thực phẩm nhiễm chì, cadimin, gây tác hại não và nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư…
Túi ni lông phát tán khắp nơi sẽ làm mất vẻ mỹ quan, gây phản cảm cho mọi người, tác động tiêu cực đến ngành du lịch.
Túi ni lông có chứa hai chất PE và PP. Vì vậy, khi đốt cháy sẽ tạo nên chất DIOXIN gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, làm rối loạn chức năng và gây ra các dị tật bẩm sinh cho trẻ…
Tác hại của túi ni lông là nghiêm trọng như vậy nhưng con người (đặc biệt là ở nước ta) cứ vô tư dùng, vô tư thải ra môi trường. Trên thế giới, từ thập niên 30, 40 của thế kỷ 20, nhiều nước đã sử dụng túi ni lông tự phân hủy. Ở nước ta, lác đác một vài nơi đã phát động phong trào “nói không với túi ni lông” nhưng hiệu quả xem ra còn qúa khiêm tốn. Từ ngày 01/01/2012, túi ni lông phải chịu thuế bảo vệ môi trường, giá thành tăng lên gấp đôi nhưng việc sử dụng túi ni lông vẫn không hề giảm. Nguyên nhân của tình trạng này có thể gói gọn trong mấy điểm sau:
– Chưa có loại bao bì nào mà tiện lợi và rẻ như túi ni lông.
– Chưa kiểm soát được việc sản xuất, cung ứng và tiêu thụ túi ni lông từ gốc.
– Cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ tác hại của túi ni lông và ý thức bảo vệ môi trường của xã hội chưa cao.
Vậy giải pháp nào để hạn chế và dần tiến đến không sử dụng túi ni lông?
Từ việc phân tích nguyên nhân ở trên, có thể đề xuất một số giải pháp sau đây:
– Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải nhanh chóng ban hành tiêu chí bao bì thân thiện với môi trường và có chính sách ưu đãi đối với cơ sở sản xuất bao bì sinh thái, dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên (để trong một thời gian ngắn nhất có thể tạo ra sản phẩm thay thế đảm bảo tiện lơi và giá rẻ như túi ni lông).
– Áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý túi ni lông từ gốc theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Thực hiện nghiêm luật Bảo vệ môi trường.
– Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, hình thành thói quen tiêu thụ hàng hóa thân thiện với môi trường, từng bước loại bỏ thói quen sử dụng túi ni lông. Thực hiện phân loại và thu gom rác theo phương thức 3R ( Reduce, Reuse, Recycle).
Hạn chế và kiểm soát việc sử dụng túi ni lông là một việc làm khó khăn nhưng rất cần thiết vì môi trường sống của chúng ta, vì tương lai của nhân loại. Nó đòi hỏi một sự kiên trì, quyết tâm cao của các cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng lòng của cả xã hội.
Huệ Nhân