Tri thức địa lý – Cơ sở hạ tầng mới của chúng ta

Nhờ có internet mà chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi một cách căn bản cách thức người ta phổ biến và sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Mười năm tới đây sẽ bùng nổ của các thiết bị di động, trong lúc đó, điện thoại cố định vả máy tính để bàn sẽ trở nên lạc hậu. Các thiết bị di động tiếp tục phát triển để hỗ trợ nhiều hơn chức năng địa không gian (geospatial functionality) và các thiết bị này sẽ dễ dàng kết nối với hệ thống toàn cầu để tạo ra và sử dụng tri thức địa lý (TTĐL). Dân chủ hoá dữ liệu – cả trong việc phổ biến rộng rãi, lẫn trong việc tạo ra chúng một cách dễ dàng – sẽ cho ra đời một dạng cơ sở hạ tầng (CSHT) mới: CSHT địa lý. CSHT này sẽ làm cho thế giới số của chúng ta mạnh hơn lên.

Hiện nay, cả thế giới đang chuyển từ nền kinh tế công nghiệp, nơi chúng ta sống và làm việc dựa vào một CSHT vật lý, sang nền kinh tế dựa trên tri thức, mà ở đó con người phải dựa vào một CSHT tri thức bổ sung, trong đó TTĐL sẽ là hợp phần chính yếu.

Ở hội nghị quốc tế những người sử dụng Esri[1], diễn giả Richart Saul Wurman tuyên bố: “TTĐL đại diện cho những cơ hội tốt nhất của chúng ta để thấu hiểu thế giới quanh ta, và TTĐL đó chỉ dẫn cho hành động của con người”. Dựa trên tri thức này, có thể tạo ra sự khác biệt to lớn trong cuộc sống thường nhật của chúng ta; nó không chỉ chỉ dẫn cho doanh nghiệp và chính phủ, mà còn giúp chúng ta tạo ra một thế giới bền vững hơn.

Tri thức địa lý là gì ?

TTĐL – một tập hợp thông tin mô tả môi trường tự nhiên và nhân văn trên trái đất – bao gồm:

  • Các dữ liệu;
  • Các mô hình dữ liệu cung cấp cấu trúc cho các dữ liệu;
  • Các mô hình và các môi trường phân tích chỉ ra các dự đoán hoặc sự bền vững;
  • Biểu diễn một cách tóm lược các dữ liệu bằng các bản đồ;
  • Các quy trình địa không gian;
  • Siêu dữ liệu mô tả 05 hợp phần trên và là quan trọng để chia sẻ, tìm kiếm và tiếp cận.

TTĐL hoàn toàn thay đổi cách chúng ta trừu tượng hoá thế giới của mình. Nó còn thay đổi cách chúng ta suy luận, cả trong giới học thuật lẫn trong xã hội rộng hơn, bằng cách đưa vào cách tư duy tổng hợp theo không gian. Nó cho phép người ta hình dung và tư duy về các quan hệ nhân quả.

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) địa lý được chia sẻ, kết hợp với những người quan sát các dữ liệu địa không gian, như Google Maps hay Bing Maps, cũng thay đổi cách chúng ta tổ chức và giao tiếp bên trong các cơ quan, tổ chức. Nhìn sâu hơn phía sau những tấm bản đồ, người ta sẽ tư duy theo cách tư duy không gian tổng hợp, mà cách tư duy này cho phép đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới cho các vấn đề cần giải quyết. Và điều này chỉ mới bắt đầu. Chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng địa không gian. Các dữ liệu liên quan sẽ bao quát mọi dạng tri thức và sẽ tiến tới một CSHT xã hội cho đạo đức của con người và hành động xã hội.

Xây dựng cơ sở hạ tầng

GIS là một công nghệ mà chúng ta có thể dựa vào để xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các hợp phần của CSHT TTĐL – các CSDL không gian, các bản đồ, các mô hình … Môi trường web cung cấp cho chúng ta những cách thức mới để tạo ra TTĐL cho những người dùng không biết GIS có thể tiếp cận được. Khi vị trí địa lý trở thành yếu tố cốt lõi của nhiều ứng dụng hàng ngày, thì sự phụ thuộc của chúng ta vào CSHT tri thức đó sẽ tăng lên theo hàm số mũ. Điều đó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các nhà địa lý chuyên nghiệp – những người xây dựng, vận hành và bảo dưỡng CSHT đó.

Trong 40 năm đầu tiên, GIS[2] là một công nghệ được dùng để đo lường, phân tích, mô hình hoá và quản lý thông tin địa lý. Bước tiếp theo là sử dụng tất cả TTĐL đó làm nền tảng để thiết kế tương lai của chúng ta.

Sử dụng cơ sở hạ tầng

CSHT hết sức cơ bản và phổ thông đối với cuộc sống của chúng ta, nhưng nó thường xuyên bị bỏ qua hoặc hầu như không nhìn thấy được vì nó được cho là như vậy. Nhiều người trong chúng ta hành nghề xây dựng, vận hành và bảo dưỡng CSHT này nhưng công việc đó thường bị lu mờ so với việc sử dụng CSHT đó trên thực tế. Khi bạn bật công tắc điện, ánh sáng bừng lên, bạn không cần biết người ta đã làm ra điện thế nào và làm cách nào họ đưa được nó đến nhà bạn. Và đó cũng là cách bạn suy nghĩ đối với CSHT địa lý. Việc thúc đẩy CSHT với toàn bộ những thông tin chứa bên trong nó sẽ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về động lực vật chất và tinh thần những gì định hình thế giới của chúng ta và giúp chúng ta xét lại các kế hoạch hành động cho một thế giới bền vững hơn.

Một khi CSHT này sẵn sàng, nó sẽ hỗ trợ vô số các ứng dụng và các hoạt động. Một trong những ứng dụng hấp dẫn và sôi động nhất là GeoDesign – một bộ phương pháp và công cụ dựa trên nền GIS, cho phép người dùng vẽ ra các bản thiết kế một cách dễ dàng và nhanh chóng xem xét hệ quả của các phương án thay thế. GeoDesign gần như tạo ra một tương lai bền vững, được hướng dẫn bởi TTĐL. Khi việc tiếp cận khoa học địa lý và các khái niệm của GeoDesign một cách rộng rãi hơn, người ta sẽ có khả năng đưa ra các quyết định được chỉ dẫn bởi TTĐL.

Trong bài toán dự báo tương lai – một bài toán khó – xưa nay GIS thường chú trọng vào phân tích và mô hình hoá. Với GeoDesign, chúng ta tiến xa hơn việc cố gắng dự báo tương lai và hướng đến một bộ công cụ thông minh, ở đó tương lai có thể được sáng chế hoặc chế tạo theo phương pháp khoa học, có logic và có mục đích. Carl Steinitz ở Trường Đại học Havard đã phát biểu: “GeoDesign là khoa học địa lý từ khi nó được thiết kế”.

Tạo ra tri thức mới

Các công nghệ di động hay công nghệ dựa vào vị trí địa lý là sự thay đổi có tính nền tảng cách thức chúng ta tạo ra TTĐL. Chúng ta đang nhìn thấy một thứ tri thức phổ cập bao trùm do đám đông gia công (crowdsoursing) – thứ TTĐL mà mỗi người đều có đóng góp. Sau một thời gian dài, người ta cất giữ các dữ liệu có nguồn gốc xác định, các nhà địa lý bắt đầu dùng các dữ liệu do đám đông gia công một cách nghiêm túc. Điều đó cho những người bình thường cơ hội trực tiếp phản hồi ý kiến đến chính phủ. Nó có thể làm cho các bộ dữ liệu có nguồn gốc xác định tăng lên một cách đáng kể với chi phí nhỏ hơn nhiều so với trước đây. Nó tạo ra các cơ hội đặc biệt cho cộng đồng các nhà khoa học. Và nó có thể cung cấp các nguồn lực to lớn cho các dự án quy mô lớn một cách nhanh chóng.

Các công cụ GIS hỗ trợ cho việc đám đông gia công sẽ thay đổi cách thức các tổ chức lựa chọn và quản lý các dữ liệu không gian. Một số công cụ đó đã có sẵn và cho người dùng khả năng chỉnh sửa nội dung địa lý khi ứng dụng vẽ bản đồ trên web. Bằng cách đó, nó tạo ra nơi gặp gỡ cho cộng đồng cư dân mạng để họ có thể có đóng góp tích cực hơn trong việc tạo ra các CSDL địa không gian. Việc biên tập bản đồ trên web làm cho người ta dễ dàng nắm lấy các ý tưởng áp dụng chúng cho việc giải quyết bài toán của họ. Điều đó sẽ mở rộng khả năng biên tập GIS cho nhiều người hơn trong một tổ chức. Các khả năng này cho phép bất kỳ ai – từ những người biên tập dữ liệu có nguồn gốc xác định đến các công dân ngoài đường phố – đóng góp nội dung cho các CSDL địa không gian. Việc đó làm giàu thêm cho GIS và những người hành nghề GIS những dạng dữ liệu mới để sử dụng, quản lý, và lý giải.

Còn những thách thức ở phía trước

Cho đến khi CSHT địa lý trở nên phổ biến rộng rãi vẫn còn một vài vấn đề chúng ta phải vượt qua như ngành nghề kinh doanh và hội nghề nghiệp, bao gồm quyền sở hữu các dữ liệu, các tiêu chuẩn và cấu trúc dữ liệu để đảm bảo rằng chúng ta sử dụng dữ liệu bằng những cách thức phù hợp. Đó là những vấn đề hết sức phức tạp mà chúng ta phải vượt qua, đồng thời lại phải cố gắng làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn và tiếp cận được với công chúng rộng rãi hơn.

Xây dựng CSHT cho các dữ liệu không gian và thực hiện việc phân tích không gian là những công việc khó khăn và phức tạp. Theo cách nào đó, một trong những trách nhiệm của một chuyên gia địa không gian là giấu đi sự phức tạp. Rõ ràng là, việc bạn thể hiện mình là người có chuyên môn GIS hoặc là nhà quy hoạch sẽ khác xa với việc bạn thể hiện là một người bình thường sử dụng điện thoại cố định. Trong một tình huống đã cho và một công chúng cụ thể, chúng ta cần xác định TTĐL liên quan đến cái gì và xây dựng các ứng dụng trong phạm vi tri thức đó.

Nhiều người sử dụng TTĐL hơn dẫn đến kết quả là những cái chung của các ngành khoa học sẽ phát triển hơn. Nhưng chúng ta phải hết sức cẩn thận. Thông tin có thể được tách khỏi ngữ cảnh hoặc được dùng sai. Khi lượng thông tin ngày càng tăng và nhiều người chúng ta ngày càng dễ tiếp cận với thông tin hơn, khả năng sử dụng thông tin sai tăng theo cấp số nhân. Thậm chí các nhà khoa học được đào tạo ở trình độ cao cũng có thể có sai sót với dữ liệu. Chúng ta cần phải thận trọng: cần phân phối tri thức phù hợp đúng người, đúng thời điểm và chúng ta cũng cần đóng gói nó theo cách sao cho nó được sử dụng và diễn giải chính xác.

Trách nhiệm cùng gánh vác

Theo thời gian, xã hội sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào CSHT địa không gian, như cách chúng ta đã từng phụ thuộc vào các CSHT truyền thống như mạng lưới điện, hệ thống đường sắt và đường cao tốc. Với sự phụ thuộc đó sẽ là trách nhiệm bổ sung cho các nhà chuyên môn về địa không gian, những người xây dựng, vận hành và bảo dưỡng CSHT đó.

Một khi công nghệ được chấp nhận một cách phổ cập để nó có thể được coi là một CSHT, người ta trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nó. Việc mất điện một tuần sẽ tác động thế nào đến cuộc sống của bạn? Nếu tất cả các đường cao tốc đóng cửa một tháng, cái gì sẽ xảy ra ? Trong tương lai, chúng ta sẽ bổ sung thêm một câu hỏi: Cuộc sống của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu bạn không còn tiếp cận được với TTĐL của thế giới?

Đỗ Nam (dịch từ Chuyên san Arc News,

tập 32 số 4 (ISSN 1064-6106) của tác giả Jack Dangermond, ESRI xuất bản)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email