Thực trạng Trí thức trẻ tham gia vào hoạt động Tư vấn, phản biện và giám định xã hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Tác giả: TS. Đặng Thanh Phú

Phó Ch tịch, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thừa Thiên Huế

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn gửi trọn niềm tin yêu vào thế hệ trẻ – những người chủ tương lai của nước nhà, rường cột của dân tộc, lực lượng xung kích sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tại buổi Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những căn dặn đối với tuổi trẻ Việt Nam, đó là: Cùng nhau rèn đức, luyện tài; Hãy luôn xung kích tiến lên; Thực hiện được sứ mệnh lịch sử; Thanh niên phải tiên phong; Nhất định các đồng chí phải làm chủ nước nhà một cách chắc chắn nhất; Làm gì cũng phải vì đất nước. Ngày nay, trong đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, số lượng trí thức trẻ đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đây là nguồn chất xám hết sức quý báu góp phần vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đưa đất nước bước vào tâm thế của kỷ nguyên mới. Vậy làm sao để thu hút đội ngũ trí thức trẻ tham gia vào công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội và đâu là giải pháp huy động nguồn lực này?.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trí thức[1] trẻ là một bộ phận quan trọng của đội ngũ trí thức Việt Nam, là lực lượng tiên phong trong đội ngũ thanh niên. Họ là lực lượng có tinh thần yêu nước nồng nàn, có khát vọng ý chí vươn lên, có đạo đức cách mạng trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh; có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất dân tộc và kiến thiết nước nhà. Đồng thời, họ đang công tác, hoạt động và nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v… quan trọng của đất nước”.

Ngày 11/11/2022, tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V với chủ đề: “Trí thức trẻ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển đất nước sau đại dịch”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của trí thức trẻ Việt Nam trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. Hơn ai hết, các bạn là những người vừa có năng lực để kế thừa, tiếp thu, vừa có khao khát cống hiến sáng tạo, góp phần làm phong phú kho tàng trí thức của dân tộc và nhân loại. Gánh vác trên vai trọng trách ấy, các bạn không chỉ truyền thụ tri thức cho xã hội mà còn giữ gìn, quảng bá và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới, nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Các bạn là đội ngũ tinh hoa của nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao; là lực lượng đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng những tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước – yếu tố quyết định để Việt Nam bắt kịp với các quốc gia tiên tiến, sánh vai với các cường quốc năm châu.

II. THỰC TRẠNG TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRẺ VÀO TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI TẠI THỪA THIÊN HUẾ

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp Hội) có chức năng, nhiệm vụ kết nối, tập hợp được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) chuyên sâu để nghiên cứu, đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện và giám định xã hội về những chủ trương, chính sách, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội và công trình trọng điểm của tỉnh. Hiện nay, Liên hiệp Hội có 51 hội thành viên, 1 Viện, 9 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc và 01 Câu lạc bộ với khoảng hơn 30.000 hội viên.

Hoạt động Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV PB & GĐXH) đã được Liên hiệp Hội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp Hội. Điều này đã được xác định rõ trong các văn kiện của Đảng và các Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, như Quyết định số14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa hoc và Kỹ thuật Việt Nam; Quyết định số 2679/QĐ-UBND ngày 18/11/2015 của UBND tỉnh thừa Thiên Huế quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như được quy định trong Điều lệ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Điều lệ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của  Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành về quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Trong những năm qua, Liên hiệp Hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức phản biện nhiều đồ án quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh và tham gia hội đồng thẩm định hàng chục đề tài, dự án khoa học và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các báo cáo phản biện và thẩm định của Liên hiệp Hội đã được các cơ quan chủ quản và chủ đề án, dự án đánh giá cao, có thể kể đến Dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và Dự án thí điểm tỉnh Thừa Thiên Huế” mà Liên hiệp Hội đã được UBND tỉnh giao làm nhiệm vụ tư vấn, phản biện độc lập vào năm 2015. Tập trung đẩy mạnh tư vấn giải pháp chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống; Tư vấn chuyển giao kết quả nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, như: Hội thảo “Tư vấn giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”; Hội thảo “Chuyển giao kỹ thuật nuôi bò cho vùng gò đồi ở Thừa Thiên Huế”; Hội thảo “Chuyển giao giải pháp nuôi trồng thủy sản bền vững cho người dân và các địa phương nuôi tôm trên địa bàn tỉnh”; Hội thảo “Chuyển giao ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ phát triển sản xuất cây trồng bền vững cho người dân và các địa phương trên địa bàn tỉnh”.

Trí thức trẻ trong lĩnh vực kiến trúc tỉnh Thừa Thiên Huế

Bên cạnh đó, hoạt động TVPB&GĐXH của Hội thành viên cũng đã phát huy vai trò như hội Xây dựng tham gia hội đồng tư vấn, phản biện, thẩm định Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế, tham gia các hội thảo nghe báo cáo quy hoạch, tham gia thẩm định quy hoạch khu du lịch Vinh Thanh, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch khu du lịch Vinh Mỹ; Hội Khoa học Lịch sử đã phối hợp với Thành ủy Huế tổ chức hội thảo khoa học: “Bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán và hệ giá trị văn hóa con người Huế”; tổ chức hội thảo “Chúa Nguyễn với đất phương Nam”, “Hệ thống giao thông Thừa Thiên Huế từ thế kỷ XIX đến nay”; Hội Luật gia đã thực hiện góp ý 06 dự thảo Luật theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh… Các đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu tư vấn xây dựng và thực hiện các dự án như “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam”, Dự án “Phát huy giá trị văn hóa và du lịch bền vững tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai”, dự án “Một tương lai tươi sáng hơn của trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế”, khảo sát tình hình kinh tế xã hội các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Ninh,… các hoạt động được các tổ chức quốc tế và trong nước đánh giá cao.

Trí Thức Trẻ Thừa Thiên Huế Tham Gia Tư Vấn, Phản Biện Và Giám Định Xã Hội

Đội ngũ trí thức nói chung và trí thức trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là đứng thứ ba toàn quốc về số lượng, chỉ đứng sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 30 nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên và đa dạng về ngành nghề đào tạo, là một trong những địa phương có đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đứng hàng đầu của cả nước với hệ thống các trường đại học và học viện, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Việc trí thức trẻ tham gia vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội tại Thừa Thiên Huế hiện nay được xem là một vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng quản lý, hoạch định chính sách. Mặc dù còn nhiều thách thức, một số trí thức trẻ đã có những sáng kiến và đóng góp tích cực trong việc bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Chẳng hạn, các dự án liên quan đến việc phục dựng và bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa ở Huế. Nhiều trí thức trẻ đã tham gia vào các chương trình nghiên cứu cộng đồng, đánh giá tác động của các dự án phát triển kinh tế – xã hội lên đời sống của người dân, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn và ven biển.

Trí thức trẻ trong lĩnh vực y khoa Thừa Thiên Huế

Một Số Đánh Giá Về Đội Ngũ Trí Thức Trẻ Của Tỉnh Như Sau:

+ Số lượng trí thức trẻ có trình độ, năng lực tốt tham gia vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đang có xu hướng gia tăng: Nhiều bạn trẻ hiện đang làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu, và các cơ quan nhà nước đã tham gia tích cực vào tư vấn, phản biện về các chính sách liên quan đến công tác quản lý, giáo dục, y tế, môi trường… Tuy nhiên, mức độ tham gia chưa đồng đều giữa các lĩnh vực và khu vực địa lý. Phần lớn trí thức trẻ tập trung ở khu vực thành phố trong khi các khu vực nông thôn, miền núi, hay vùng sâu vùng xa chưa thu hút được sự quan tâm đầy đủ.

+ Đội ngũ trí thức trẻ hiện nay có chuyên môn tốt nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn: Mặc dù nhiều trí thức trẻ có nền tảng học thuật và chuyên môn tốt, họ thường thiếu kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt trong các hoạt động phản biện và tư vấn về các chính sách phức tạp. Điều này đôi khi khiến cho các ý kiến, đề xuất của họ khó được chấp nhận hoặc có trọng lượng trong quá trình ra quyết định.

+ Việc thiếu các chương trình đào tạo và cơ chế hỗ trợ trí thức trẻ nâng cao kỹ năng phản biện, tư vấn cũng là một rào cản lớn: Họ cần được trang bị tốt hơn về kiến thức xã hội, chính trị và kỹ năng lãnh đạo để có thể đóng góp vào công tác tư vấn, phản biện hiệu quả hơn.

+ Khó khăn trong tiếp cận thông tin và cơ hội để tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Trí thức trẻ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tham gia vào các kênh đối thoại chính thức với các cơ quan nhà nước hay tổ chức chính trị – xã hội. Họ thường bị giới hạn trong vai trò hỗ trợ hoặc đưa ra ý kiến phụ trợ thay vì trở thành những người đưa ra phản biện chủ động.

+ Nhiều trí thức trẻ thể hiện tư duy đổi mới, sẵn sàng tiếp cận các vấn đề xã hội bằng các cách tiếp cận mới, sáng tạo: Họ có khả năng tiếp thu nhanh các xu hướng quốc tế và áp dụng vào bối cảnh Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, giáo dục và môi trường. Tuy nhiên, một bộ phận trí thức trẻ vẫn có tâm lý e ngại va chạm, lo sợ về rủi ro khi tham gia vào các hoạt động phản biện, đặc biệt là khi phản biện các chính sách nhạy cảm. Họ có thể thiếu niềm tin vào hệ thống chính trị, dẫn đến việc chỉ tham gia hạn chế hoặc theo đuổi các hoạt động phản biện phi chính thống, trên mạng xã hội.

+ Chưa phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và xã hội trong việc khuyến khích trí thức trẻ tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội vẫn chưa hiệu quả: Nhiều trí thức trẻ tham gia với tư cách thành viên danh nghĩa, nhưng không có nhiều hoạt động thực tế để nâng cao năng lực hay đóng góp đáng kể. Một số tổ chức phi chính phủ và viện nghiên cứu đã làm tốt trong việc thu hút trí thức trẻ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, tư vấn chính sách. Tuy nhiên, sự kết nối này vẫn còn hạn chế và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

III. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ THU HÚT ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRẺ THAM GIA CÔNG TÁC TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI

Một là, Cần có cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ đội ngũ trí thức trẻ tham gia làm công tác khoa học, công nghệ; tin tưởng giao đội ngũ trí thức trẻ tham gia sâu vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội thông qua sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và chuyên môn của đội ngũ trí thức trẻ; tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lơi, đầy đủ để trí thức trẻ cống hiến trong nghiên cứu khoa học.

Hai là, Cần đưa ra các hình thức khen thưởng kịp thời để động viên và khuyến khích đội ngũ trí thức trẻ trong nghiên cứu khoa học. Các hình thức khen thưởng thông qua giải thưởng nhằm vinh danh các thành tích khoa học mà đội ngũ trí thức trẻ đạt được, kể cả các đóng góp tích cực vào các công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội từ các đề án, dự án, chính sách phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Ba là, Cần nghiên cứu đưa ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nơi mà các đội ngũ tri thức trẻ có cơ hội thể hiện sức sáng tạo, năng động, nhiệt huyết của sức trẻ và sự tiệm cận đối với các thành tựu mới của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Cụ thể: các lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, cơ khí tự động hóa, robot, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sạch, v.v… Qua đó, đội ngũ trí thức trẻ sẽ tham gia mạnh mẽ vào công tác tư vấn, phản biện, và giám định xã hội; đóng góp các ý tưởng vào quá trình hoạch định chính sách của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Bốn là, Tập huấn, đào tạo cho đội ngũ trẻ trí thức về tư vấn, phản biện, giám định xã hội, bởi đây là công tác có tính đặc thù, đòi hỏi một sự hiểu biết sâu, rộng, có kinh nghiệm làm việc, có phương pháp khoa học, có tư duy và lý luận logic, có tính hệ thống và quy chuẩn; Tuyên truyền cho đội ngũ trí thức trẻ về ý nghĩa và tầm quan trọng và trách nhiệm của lực lượng này đối với nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bởi một khi trí thức trẻ làm tốt tư vấn, phản biện và giám định xã hội thì bản thân họ đã đóng góp trí tuệ vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Năm là, Thúc đẩy việc xây dựng các diễn đàn, hội thảo và kênh đối thoại để trí thức trẻ có thể tham gia phản biện một cách chính thống và hiệu quả; tạo ra các cơ hội để họ có thể tiếp cận thông tin và dữ liệu cần thiết để thực hiện công việc tư vấn và phản biện; Cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu hơn về kỹ năng phản biện, tư vấn chính sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch và quản lý môi trường. Điều này giúp trí thức trẻ tại tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ có kiến thức mà còn có khả năng thực hiện phản biện một cách thuyết phục và chuyên nghiệp; Khuyến khích trí thức trẻ tham gia vào các dự án nghiên cứu và phản biện với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế để nâng cao tầm nhìn và kinh nghiệm trong các vấn đề phát triển bền vững.

Từ khóa: Đội ngũ trí thức, trí thức trẻ, TVPBGĐXH (tư vấn, phản biện, giám định xã hội./.

[1] Trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức và là tinh hoa trí tuệ của xã hội. Một quốc gia muốn phát triển bứt phá, vươn lên phải là quốc gia có tri thức, dứt khoát phải dựa vào những đóng góp và cống hiến sáng tạo to lớn của đội ngũ trí thức, đặc biệt là lực lượng trí thức trẻ. Trong công cuộc đổi mới đất nước, trí thức trẻ trở thành lực lượng lao động sáng tạo tiên phong; là những người đột phá, sáng tạo, dũng cảm, đồng hành cùng đường lối đổi mới của Đảng, nhất là đổi mới về tư duy kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tham gia tích cực, có hiệu quả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách và phản biện xã hội.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email