Đây là một hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 24 năm ngày thành lập Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế (17/9/1993-17/92017), với chủ đề “Giải pháp phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Toàn cảnh buổi đối thoại
Trong hành trang phát triển của mình, Liên hiệp hội đã góp phần xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; xây dựng và phát triển tổ chức Liên hiệp hội, hội thành viên; tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội; triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí, khuyến khích trí thức sáng tạo nhiều công trình, sản phẩm có giá trị khoa học, có khả năng ứng dụng cao.
Đến nay, Liên hiệp hội tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế có 47 tổ chức hội thành viên với gần 30.000 hội viên, 8 trung tâm khoa học – công nghệ, 01 câu lạc bộ (CLB) và một nhóm trực thuộc. Trong đó: Có 22 hội hoạt động trong lĩnh vực y tế, 17 hội hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng, kinh tế, quy hoạch, 08 hội hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Số lượng hội viên, hội thành viên và các đơn vị trực thuộc trong hệ thống Liên hiệp hội tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng tăng cả số lượng và chất lượng. Số lượng trí thức có học hàm, học vị cao tăng nhanh. Riêng trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo có hơn 250 giáo sư, phó giáo sư, hơn 500 tiến sĩ, khoảng 2.000 thạc sĩ và hơn 200 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…
Nhận thức được vai trò vừa là thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, quản lý Nhà nước của UBND tỉnh, các hoạt động chính trị – xã hội luôn được Liên hiệp hội thực hiện một cách nghiêm túc. Hoạt động của Liên hiệp hội luôn bám sát đường lối, chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh và hướng dẫn của Liên hiệp hội Việt Nam, thể hiện trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động đội ngũ trí thức góp phần vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân và tham gia các hoạt động chính trị-xã hội, vừa nâng cao được ý thức trách nhiệm của hội viên, vừa thể hiện vai trò của trí thức KHCN.
Cũng tại cuộc đối thoại có rất nhiều ý kiến tâm huyết được nhà khoa học kiến nghị như: Cần xây dựng cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu trữ thành tựu KHCN trên địa bàn Tỉnh cũng như của các nhà khoa học trong và ngoài nước gốc Huế để tiến tới đề xuất xây dựng Bảo tàng Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế; Cần có kế hoạch cụ thể thúc đẩy hơn nữa việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học các cấp, các sáng kiến, sáng tạo đi vào cuộc sống, phục vụ đời sống và xã hội; Liên hiệp các Hội KHKT Tỉnh cần có một trụ sở khang trang hơn để tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động của một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, các nhà sáng chế với nhiều hoạt động phong phú của Tỉnh. Đề nghị có phương án tăng kinh phí cho Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng, Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Giải thưởng Sáng tạo KHCN. Trong thời gian qua hoạt động sáng tạo do UBND tỉnh giao Liên hiệp hội chủ trì triển khai đã đạt nhiều kết quả tốt, số lượng và chất lượng các đề tài ngày càng phong phú, đa dạng. Từ vài chục đề tài tham gia năm 2005 đến nay đã có hàng trăm đề tài tham gia, tuy nhiên số lượng cơ cấu giải thưởng chưa được tăng. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có sự chỉ đạo kịp thời để một số nhiệm vụ của Liên hiệp hội được thực hiện tốt hơn, nhất là công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Cẩm Lai