Sáng ngày 22/5, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) vừa tổ chức Hội thảo phản biện “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và Dự án thí điểm” (gọi tắt là Đề án) với sự tham gia của 20 thành viên Hội đồng phản biện. Đề án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và Dự án thí điểm do UBND thành phố Huế làm chủ đầu tư; Liên danh tư vấn Hàn Quốc (Công ty Kỹ thuật Dohawa và Viện nghiên cứu đô thị Han-A) làm đơn vị tư vấn chính, đơn vị tư vấn phụ là Viện Quy hoạch Xây dựng Thừa Thiên Huế lập quy hoạch và Liên hiệp hội là đơn vị phản biện độc lập Đề án.
Các thành viên Hội đồng phản biện đã xem xét, phân tích, đánh giá các nội dung của bản quy hoạch theo yêu cầu nhiệm vụ của UBND tỉnh đặt ra. Hội đồng đã tập trung làm rõ một số nội dung cần nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phù hợp để điều chỉnh một số giải pháp thực hiện quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.
Để thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội này, Liên hiệp hội đã thành lập Hội đồng phản biện gồm 20 thành viên, là chuyên gia ở các lĩnh vực có liên quan, tổ chức nghiên cứu 03 chuyên đề, đó là: chuyên đề về văn hóa, xã hội; chuyên đề môi trường sinh thái, cảnh quan và chuyên đề quy hoạch, kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và kinh tế. Quy trình tổ chức phản biện được Liên hiệp hội tổ chức khoa học, chặc chẽ. Sau khi mỗi thành viên Hội đồng nghiên cứu báo cáo thuyết minh, hồ sơ của đề án, gửi báo cáo phản biện chuyên gia về thư ký tổng hợp báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp nhiệm vụ phản biện. Tiếp theo, tổ chức hội thảo thông qua các dự tháo báo cáo phản biện để thảo luận, thống nhất nội dung, chỉnh sửa, hoàn chỉnh báo cáo phản biện, gửi báo cáo phản biện cho Chủ đầu tư và các cơ quan chức năng có liên quan.
Kết quả hoạt động phản biện độc lập, khách quan này bên cạnh việc chỉ ra những ưu điểm, những hạn chế của đề án, các chuyên gia phản biện còn cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để giúp cho nhà đầu tư, đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch phù hợp, có tính thực tiễn cao và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Hồ Thành