Đến Huế vào những ngày cuối tháng 5 Âm lịch nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi không khí trang nghiêm, cúng bái hai bên đường phố. Từ các hộ gia đình đến quan, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh… nơi nơi đều chuẩn bị những mâm lễ cúng bày biện bên đường. Đó chính là ngày tưởng nhớ sự kiện “Thất thủ Kinh đô 23 tháng 5”, một ngày rất đặc biệt đối với mỗi người dân xứ Huế.
Bày biện mâm cỗ ngày 23 tháng 5 Âm lịch của người Huế
Kinh đô Huế thất thủ
Ngày 2 tháng 7 năm 1885, tướng De Courcy vừa đến Huế đã mở ngay cuộc thương thảo với triều đình về nghi lễ chuyển giao hiệp ước Patenôtre đã được chính phủ Pháp phê duyệt, nhân cơ hội này để bắt Tôn Thất Thuyết. Âm mưu của De Courcy không thành vì Tôn Thất Thuyết đã biết trước nên ông tìm mọi lý do để cự tuyệt. De Courcy đòi triều đình Huế trong vòng ba ngày phải nộp đủ tiền bồi thường chiến phí là 200.000 thoi vàng, 200.000 thỏi bạc và 200.000 quan tiền; lại yêu cầu cho sĩ quan tùy tùng và binh lính Pháp được mang vũ khí vào cửa Ngọ Môn. Trước thái độ hách dịch và những yêu sách vô lý của quan chức Pháp nên cuộc đàm phán bị bế tắc.
Để thể hiện sự nhân nhượng và tạo thế bất ngờ cho cuộc tập kích vào quân đội Pháp, chiều ngày 4 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa thư sang toà Sứ xin từ chức Thượng thư Bộ Binh nhưng bị De Courcy khước từ.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết cho phát lệnh tấn công. Quân Pháp ở Mang Cá, tòa sứ và trại thuỷ quân ở Nam sông Hương bất ngờ bị tấn công dồn dập, các doanh trại và quân Pháp bị thiệt hại nặng. Khoảng 4 giờ sáng, quân Pháp bắt đầu phản công, chúng lần lượt phá huỷ các công sự chiến đấu và dập tắt hoả lực của quân đội triều đình ở trong và ngoài kinh thành, cuộc chiến trở nên khốc liệt. Đến 9 giờ sáng, Kinh đô thất thủ, quân Pháp tràn vào Đại Nội bắn giết, cướp của, hãm hiếp, đốt phá vô cùng man rợ trong suốt 2 ngày đêm. Binh lính chạy tán loạn, dân chúng dắt dìu nhau trốn thoát, người chết, thành cháy, tiếng khóc la vang dậy khắp nơi.
Theo một số ghi chép, dường như không có gia đình nào là không chịu mất mát sau biến cố. Thiệt hại về phía Pháp có 4 sĩ quan và 19 binh lính thiệt mạng còn về phía ta thì có khoảng 9.300 binh lính và thường dân bị thương vong. Họ là những quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy,… tử nạn vì nhiều nguyên do. Hoặc là chết vì súng đạn giặc Pháp, hoặc do chen lấn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Cũng có thể bị ngã khi tìm cách leo ra khỏi thành hoặc sẩy chân xuống các ao hồ dày đặc trong thành, nhất là hồ Tịnh Tâm,… Lửa đạn chiến tranh đã tiêu huỷ tất cả, Huế trở nên hoang tàn, đổ nát, tràn ngập cảnh chết chóc, tang thương.
Sau cuộc tập kích quân Pháp để lật lại thế cờ không thành, phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết vội vàng phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở, Quảng Trị và cũng tại nơi này, vào ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương đã dấy lên phong trào chống Pháp của nhân dân trên cả ba miền đất nước.
Lễ tế Đàn Âm Hồn 23 tháng 5
Vào năm 1894, chín năm sau ngày Kinh đô thất thủ, vua Thành Thái đã cho Bộ Lễ lập đàn Âm Hồn tại một bãi đất ở gần cửa Quảng Đức và hằng năm tổ chức cúng tế vào ngày 23 tháng 5 Âm lịch.
Đầu tiên, đàn Âm hồn được bố trí lộ thiên ở một bãi đất rộng 1.400 mét vuông, về sau triều đình cho xây một ngôi nhà ba gian để thờ tự với chiều dài khoảng 10 mét, rộng 5 mét, cao 1,5 mét, có 3 án thờ đặt ba bài vị sơn son thếp vàng theo thứ tự: án giữa là nơi thờ anh linh các quan chức triều đình, án bên trái là nơi thờ dân chúng tử nạn, án bên phải là nơi thờ tử sĩ trận vong.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, việc cúng tế hằng năm tại đàn Âm hồn không còn duy trì bởi triều đình nhà Nguyễn sụp đổ. Nhân dân Huế đã lập miếu Âm hồn tại đường Mai Thúc Loan để thờ phụng và tưởng nhớ những người đã mất trong chiến tranh đặc biệt là trong biến cố kinh đô năm 1885.
Bởi vậy, đối với người dân xứ Huế việc chuẩn bị mâm cỗ cúng 23 tháng 5 là vô cùng thành kính và trang trọng. Lễ vật không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà chỉ là đồ ăn, thức uống bình dân mà chúng ta vẫn dùng ngày thường như: xôi chè, cơm cộ, khoai sắn, các loại bánh gói, trái cây, đồ giấy … và đặc biệt là cơm nắm. Sở dĩ có vật phẩm là vì theo quan niệm: những người bị thiệt mạng tại trận chiến năm đó là những “oan hồn chạy loạn”. Họ “ra đi vội vã” không kịp mang theo thứ gì bên mình nên những người nhớ đến họ phải chuẩn bị cơm nắm để họ thuận tiện mang theo dùng khi đói. Bên cạnh cơm nắm thì những bếp lửa bằng củi khô cũng được đốt lên bên đường cũng để những oan hồn “sởi ấm” vì họ bị chết sông, chết hồ nên rất lạnh lẽo… Và hơn một thế kỷ qua, ngày 23 tháng 5 Âm lịch hằng năm được coi như là bữa “cúng cơm chung” của người dân Huế điều này thể hiện tấm lòng thành đối với những người xấu số.
Tại chùa Ba Đồn nằm trên đường Tam Thai, phường Thủy Xuân chúng ta sẽ thấy một bãi đất trống khoảng hơn 1.000 mét vuông, đó chính là mồ chôn tập thể của chiến sỹ, binh lính và dân thường đã mất khi kinh đô Huế thất thủ. Những năm gần đây, việc cúng tế tại đàn Âm hồn đã được khôi phục và do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chủ trì là sự tiếp nối nghĩa cử văn hoá cao đẹp mang tính đặc trưng lịch sử.
Ngoài việc tổ chức cúng tế tại đàn Âm Hồn do triều đình nhà Nguyễn thành lập, miếu Âm hồn do nhân dân lập thì tại nhiều đền chùa, am miếu, nhà thờ, mọi nhà đều tổ chức lễ cô hồn, lễ cúng bắt đầu từ ngày 22 đến hết tháng 5 âm lịch.
Cẩm Lai