Tác giả: Khánh Phong
Sáng ngày 26/12, tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế – Giá trị, thách thức và định hướng bảo tổn, phát huy”.
Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hội viên Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế.
Ban Tổ chức đã nhận được 16 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa gửi đến và sắp xếp theo các chủ đề:
– Phong tục tập quán dân gian Thừa Thiên Huế.
– Nghề và làng nghề truyền thống Thừa Thiên Huế.
– Văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Sân khấu dân gian truyền thống Huế.
– Nghệ thuật Ca Huế.
Ca Huế chào mừng tọa đàm khoa học
Như chúng ta đã biết, Thừa Thiên Huế đang sở hữu một kho tàng di sản văn hóa dân gian phong phú mang giá trị lớn nhưng cũng gặp không ít thách thức, khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Chính vì những lẽ đó mà các nhà quản lý, nhà nghiên cứu Trần Hoàng, Phan Thanh Hải, Trần Đại Vinh, Hoàng Thị Như Huy, Trần Đình Hằng, Trần Nguyễn Khánh Phong, Nguyễn Thế, Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Nguyễn Hữu Phúc, Nguyễn Thị Hoài Phúc, Lê Anh Tuấn, Trần Đức Sáng, Trần Văn Dũng, Hoàng Thị Ái Hoa, Võ Quê, Nguyễn Thăng Long đã thể hiện những trăn trở, những tâm huyết bảo tồn giá trị văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế qua các đề tài như:
– Nghề truyền thống Thừa Thiên Huế đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của nghề đóng thuyền, nghề làm phấn nụ, nghề làm bài tới, nghề làm tranh kính/tranh gương. Những nghề này đều mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn trăn trở cho việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống trước xã hội hiện đại như nghề làm tranh kính Bao Vinh, Gia Hội, nghề làm bài tới, nghề làm ông Táo ở làng Địa Linh.
– Câu lạc bộ Ca Huế có quá trình phát triển 40 năm, đã đạt được những thành tựu to lớn với đội ngũ nhạc công, diễn viên, ca sĩ đông đảo, sự tiếp nối giữa thế hệ lớn tuổi và thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, có những buổi biểu diễn Ca Huế tham gia chương trình Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, và các ngày lễ lớn khác, cũng như sinh hoạt đều đặn miễn phí vào tối thứ 3 hằng tuần đã kết nối được nhiều người đam mê nghệ thuật ca Huế, đó là điều đáng mừng.
– Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được trao đổi qua các lễ nghi cúng lúa mới, lễ Ariêu ping, và quan trọng hơn cả là chuyện bảo tồn văn hóa truyền thống ở A Lưới qua góc nhìn của nhiều người. Tất cả đều cho rằng bản sắc văn hóa truyền thống nơi đây vẫn còn lưu giữ khá rõ nét nhưng lớp trẻ ngày càng tiếp cận với lối sống hiện đại thì nên chăng trong thời gian tới chính quyền các cấp ở Nam Đông và A Lưới cần có kế hoạch lâu dài để bảo tồn văn hóa truyền thống một cách bền vững.
Toàn cảnh buổi tọa đàm khoa học
Buổi tọa đàm đã nghe các ý kiến trao đổi, góp ý của các nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Thế, Võ Quê, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Thăng Long, Trần Hoàng, Trần Đức Sáng, Lê Anh Tuấn… cùng nhất trí khẳng định giá trị văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế rất lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể nhưng cũng cần có thêm nhữn đề án, kế hoạch lâu dài để sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị trong thời gian đến, để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra./.