Khai thác khoáng sản nói chung, khai thác đá xây dựng nói riêng là quá trình hoạt động của con người tác động trực tiếp vào bề mặt địa hình, gây ra sự thay đổi cơ bản hệ sinh thái tự nhiên tại các mỏ.
Quá trình khai thác đã gây tác động xấu trực tiếp đến trường xung quanh
Quá trình khai thác lộ thiên các mỏ đá xây dựng thường diễn ra trong diện rộng trên mặt địa hình. Vì vậy, chúng thường có tác động mạnh và trực tiếp đến môi trường cảnh quan xung quanh mỏ. Sản lượng khai thác lớn thì tác động đến môi trường càng mạnh mẽ. Do vậy, đánh giá tác động của quá trình khai thác, chế biến đá xây dựng đến môi trường ở Thừa Thiên Huế là cần thiết, nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đồng thời hạn chế tác động xấu của quá trình khai thác khoáng sản đến môi trường cảnh quan du lịch.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế có hàng chục mỏ đá xây dựng, đang hoạt động với công suất cao nhất có thể đạt được. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều có công nghệ khai thác và chế biến tương đối lạc hậu như khoan con và thuốc nổ Amonit, công nghệ nghiền sàng liên hợp quá trình 2 giai đoạn bằng các thiết bị của Liên Bang Nga là chủ yếu, đường vào mỏ kém chất lượng. Do vậy, quá trình khai thác đã gây tác động xấu trực tiếp đến trường xung quanh. Qua nghiên cứu cho thấy các thành phần môi trường bị tác động như sau:
Tác động của bụi, quá trình khoan tạo bụi, khí SO2, NO2, nổ mìn tạo ra bụi khí NO2. Quá trình xúc bốc, vận tải, nghiền sàng và suất kho đều tạo ra bụi đá. Trong các mỏ khai thác đá ốp lát, quá trình khai thác đá gây ra ít bụi hơn do ít sử dụng khoan nổ mìn, không có máy nghiền sàng, những quá trình vận tải cũng gây ra lượng bụi khá lớn. Kết quả lấy mẫu nghiên cứu ở các mỏ Bát Sơn, Bạch Thạch ở khu vực Lộc Điền vào các thời điểm trước, trong và sau giờ làm việc cho thấy nồng độ bụi như sau: Ở các khai trường nồng độ bụi đạt từ 115 – 186 hạt/ cm3 trước giờ làm việc, từ 121 – 167 hạt/ cm3 trong giờ làm việc và 116 – 187 hạt/ cm3sau giờ làm việc. Ở các trạm nghiền sàng độ bụi đạt từ 80-165 hạt/ cm3 sau giờ làm việc. Nhìn chung nồng độ bụi đều vượt tiêu chuẩn cho phép 2-3 lần. Tuy nhiên, các mỏ này đã dùng nước để xử lý nên hạn chế rất nhiều ảnh hưởng của bụi đến môi trường xung quanh.
Tác động của tiếng ồn, trong quá trình khai thác đá xây dựng, tiếng ồn phát sinh rất mạnh do khoan nổ mìn, xúc bốc, vận chuyển và nghiền sàng. Kết quả đo cường độ tiếng ồn tại các mỏ Bát Sơn và Bạch Thạch cho thấy tiếng ồn khi làm việc thường cao hơn 70 – 80 dBA, trung bình dao động từ 95 – 108 dBA, đặc biệt là máy khoan đá. Tuy nhiên, các mỏ này đều nằm xa khu dân cư nên ảnh hưởng của tiếng ồn là không đáng kể.
Tác động của phóng xạ, độ ô nhiễm xạ đều do các khoáng vật mang nguyên tố xạ trong đá xây dựng và trong các thành tạo địa chất mang lại gây nên. Tuy nhiên, qua kết quả lấy mẫu đo thử nghiệm cho thấy các thành tạo này đều có độ nhiễm xạ an toàn dưới mức quy định.
Tác động môi trường nước, các mỏ đá xây dựng đều có cốt khai thác cao hơn mực nước ngầm. Do vậy, ít nhiều nước thải của mỏ và nước sinh hoạt cũng có tác động vào tầng nước ngầm khu vực khai thác. Ở các mỏ này thường xảy ra quá trình bồi lấp địa hình thấp xung quanh bằng các vật liệu vụn do nước mưa chảy qua mỏ của dân địa phương.
Tác động của chất thải rắn, khai thác lộ thiên khoáng sản rắn thường thải một khối lượng lớn đất kể cả đá xây dựng. Khối lượng đất thải ước tính của các mỏ trong khu vực nghiên cứu hàng năm tăng lên từ 80.000 đến 12.000m3. Đất thải có liên quan đến tài nguyên rừng, nước và không khí, do vậy phải có quy hoạch các bãi thải một cách hợp lý nhằm hạn chế những tác động của chúng đối với môi trường.
Tác động môi trường đất, quá trình khai thác thường tác động trực tiếp đến môi trường đất xung quanh mỏ, gây hiện tượng giảm độ ẩm, thoái hóa, xói mòn đất cần chú ý các khai thác với môi trường đất xung quanh.
TS. Bùi Thắng