Sử dụng đất bền vững ở Phú Mậu

Gần 800 ha rừng tự nhiên được giao cho người dân quản lý, một vườn ươm cây giống, một quỹ bảo trợ cộng đồng được thành lập, hàng trăm lượt người được tập huấn bảo tồn, phục hồi rừng,¦là kết quả của dự án Xây dựng hệ thống sử dụng đất bền vững ở thôn Phú Mậu (xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) do Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên thuộc Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế thực hiện.

Giao rừng tự nhiên là công việc không đơn giản chút nào. Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết: để giao được rừng cho người dân, phải thực hiện hàng loạt công việc. Nào là tuyên truyền phổ biến chủ trương, nào là lập phương án giao rừng, họp dân thảo luận phương án, xét hộ tham gia, lập kế hoạch giao rừng, điều tra rừng, xác định ranh giới, giao rừng trong thực địa, hoàn chỉnh hồ sơ giao rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ra quyết định giao rừng,¦. Công việc nhiều và phức tạp, phương tiện kỹ thuật thiếu và chất lượng thấp, nhân lực chuyên môn thiếu và chưa quen công việc nhưng cũng không làm chùn bước những người thực hiện dự án. Đến nay (30/7/2010), quyết định giao rừng đã được trao tận tay người dân. Cầm quyết định trên tay, ông Dương Cả, một lão nông, trưởng thôn Phú Mậu, cảm động nói: Có quyết định bà con có cơ sở pháp lý để ngăn chặn nạn phá rừng. Tuy nhiên, để bảo vệ được rừng còn cần rất nhiều biện pháp như tăng cường giám sát, tăng cường công tác kiểm lâm cơ sở, thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ người dân, có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, ông Son chia sẻ.

Song song với việc giao rừng, hoạt động bảo tồn và phục hồi rừng cũng được coi trọng. Trong hai năm thực hiện, từ giữa năm 2008 đến nay, dự án đã chọn ra được bộ giống cây bản địa phù hợp để gieo ươm tại vườn ươm vừa được xây dựng và hàng trăm người dân đã được tập huấn kỹ thuật vườn ươm, kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng, phòng trừ sâu bệnh gây hại vườn ươm, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng, lập quy hoạch nguồn giống, kỹ năng lập bản đồ quản lý tài nguyên, thành lập và bồi dưỡng nâng cao năng lực của nhóm bảo vệ rừng. Không chỉ dừng lại ở việc tập huấn, dự án đã biên soạn và xuất bản bộ cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật bảo tồn và phục hồi rừng. Trong đó có hướng dẫn kỹ thuật tất cả các nội dung đã tâp huấn làm tài liệu tham khảo lâu dài cho người dân.

Dự án còn xây dựng một số mô hình cụ thể. Đó là các mô hình: trồng lồ ô, phục hồi mây dưới tán rừng tự nhiên, nuôi ong lấy mật, nuôi nhím. Các mô hình này bước đầu đã phát huy tác dụng, góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập cho người dân.

Dự án còn giúp cho thôn củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm thôn, xây dựng quỹ hỗ trợ cộng đồng.

Nguyễn Văn Quế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email