Sáng tạo khoa học kỹ thuật là động lực để phát triển kinh tế xã hội

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có lực lượng trí thức khoa học và công nghệ đông đảo nhất với hệ thống 10 trường đại học và học viện, Bệnh viện Trung ương Huế, 08 trường cao đẳng và hàng chục trường trung cấp. Đây chính là tiềm năng to lớn cho sự phát triển của tỉnh.

Quyết định 86/2009/QĐ-TTg, ngày 17/6/2009, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á”.

Đây là chủ trương quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy cao nhất mọi nguồn lực phát triển và bảo tồn di sản Huế; đồng thời là mục tiêu và quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhằm phát huy lợi thế, phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thực hiện chủ trương đó, trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Đại học Huế và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đấy mạnh các hoạt động khuyến khích sáng tạo khoa học công nghệ, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thông qua hoạt động này, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khẳng định vai trò tập hợp, đoàn kết, tôn vinh trí thức và quảng bá hình ảnh của tổ chức, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để đẩy mạnh hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế luôn tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo khoa học công nghệ trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Liên hiệp hội đã chủ động phối hợp với Đại học Huế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng (Cuộc thi); Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (Hội thi); Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ (Giải thưởng) nhằm tuyển chọn công trình, sản phẩm tham gia Cuộc thi, Hội thi và Giải thưởng toàn quốc, đồng thời động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập sáng tạo khoa học công nghệ, làm cho phong trào thi đua sáng tạo phát triển sâu rộng trong đời sống, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong công tác quản lý trên địa bàn của tỉnh.

Với 9 lần tổ chức Cuộc thi, 7 lần tổ chức Giải thưởng và 7 lần tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật…các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh ngày càng có những bước tiến quan trọng. Số lượng và chất lượng các đề tài, công trình và giải pháp dự thi không ngừng phát triển. Đến nay, đã có gần 373 mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi; 113 công trình tham gia Giải thưởng và 166 giải pháp tham dự Hội thi. Trong đó, có 171 mô hình, sản phẩm được trao giải Cuộc thi, 101 công trình được trao Giải thưởng và 154 giải pháp được trao giải thưởng Hội thi cấp tỉnh. Số lượng các đề tài, giải pháp, công trình đạt giải toàn quốc ngày càng tăng. Đến năm 2016, có 19 đề tài Cuộc thi, 14 đề tài Giải thưởng và 10 giải pháp kỹ thuật Hội thi Sáng tạo được trao giải toàn quốc. Trong đó, thành tựu lớn nhất là năm 2016, Thừa Thiên Huế đạt 01 giải đặc biệt, 02 giải nhất, 01 giải ba, 02 giải khuyến khích Cuộc thi toàn quốc; 01 giải nhất, 02 giải ba Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn quốc: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và 04 giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc. Đó là kết quả của sự năng động, sáng tạo, đổi mới công tác tổ chức, triển khai như: gặp gỡ, vận động trực tiếp, tổ chức đối thoại với các đối tượng có tiềm năng tại từng cơ sở, rà soát, sửa đổi quy chế chấm điểm và thay đổi tư duy về việc chọn lựa các đề tài, giải pháp, công trình tham gia toàn quốc, đổi mới công tác tổng kết, phát thưởng…

Ngoài các hoạt động sáng tạo được triển khai theo hệ thống của Liên hiệp hội Việt Nam, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Giải thưởng Cố đô về khoa học, công nghệ, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông qua việc tổ chức các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ, nhiều đề tài, công trình, giải pháp có tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng đã thực sự đi vào đời sống, sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường…

Những kết quả trên đã khơi dậy được niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân…. Số lượng cá nhân, đơn vị tham gia ngày càng gia tăng, số lượng và chất lượng các đề tài, công trình, giải pháp đăng ký dự thi năm sau luôn cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa thật sự xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chưa có sự đầu tư thích đáng, thiếu vắng những công trình, giải pháp có giá trị trong lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, viễn thông, tự động hóa…

Để phong trào sáng tạo khoa học công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống, tạo nên phong trào thi đua sáng tạo sôi nổi trong nhân dân, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, chúng tôi kiến nghị tiếp tục thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:

1. Thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động về hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên các phương tiện đại chúng tới đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

2. Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị để tổ chức phát động phong trào thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật tập trung hướng vào giải quyết những vấn đề bức xúc trong hoạt động thực tiễn. Tổ chức long trọng lễ tổng kết và trao giải để khích lệ tinh thần, tôn vinh các tác giả và tuyên truyền cho hoạt động sáng tạo.

3. Có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn một cách thường xuyên, ngay từ đầu. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của từng thành viên Ban Tổ chức, vai trò của tổ chức Đoàn, ngành Giáo dục – Đào tạo, Liên đoàn Lao động các huyện, thị, thành để Cuộc thi, Hội thi và Giải thưởng đạt kết quả cao.

4. Tổ chức các hoạt động kết nối, chuyển giao các công trình nghiên cứu, sáng tạo khoa học và kỹ thuật để nhanh chóng đưa các thành tựu khoa học vào cuộc sống thông qua các hình thực như: hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp bằng dự án sáng tạo kỹ thuật…

Quyết định số 898/QĐ-UBND, ngày 13/5/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định mục tiêu là: xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, có hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại hoá công nghệ truyền thống; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá; đến năm 2020 có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của cả nước.

Đây là cơ sở, là tiền đề quan trọng để Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động thi đua sáng tạo góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tỉnh, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo khoa học công nghệ của cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng ngày càng phát triển.

ThS. Trần Giải

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email